Bệnh nhân là cụ Trần Thị Ch. (107 tuổi) trú tại phường Dương Huy, thành phố Cẩm Phả. Theo gia đình cho biết, cách đây 2 tháng cụ Ch. bị ngã đập mông xuống nền cứng, sau tai nạn hạn chế vận động háng phải. Do thấy cụ tuổi cao sức yếu nên sau khi thăm khám tại y tế cơ sở gia đình quyết định đưa cụ về nhà chăm sóc theo dõi. Tuy nhiên tình trạng ngày càng nặng nề hơn, đùi phải sưng đau, mất vận động, sinh hoạt phụ thuộc vào con cái. Gia đình đưa cụ đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, qua thăm khám và chụp x-quang, các bác sĩ chẩn đoán cụ Ch. bị gãy cổ xương đùi phải và được chỉ định mổ thay khớp háng nhân tạo.
Kíp phẫu thuật khoa Chấn thương hỉnh hình thực hiện thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân Ch.
Nhận định đây là bệnh nhân tuổi cao hiếm gặp, nguy cơ xảy ra rủi ro trong và sau phẫu thuật cao nên các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã tiến hành hội chẩn giữa khoa Tim mạch, Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, tầm soát tất cả các bệnh lý đi kèm, dự phòng huyết khối và tiên lượng trước nguy cơ để có phương án phẫu thuật đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
BSCKI Phạm Trung Đức, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức cùng các bác sĩ trong khoa đã tiến hành gây tê tủy sống cho bệnh nhân. “Cụ Ch. năm nay 107 tuổi. Ở độ tuổi cao với thể trạng cụ gầy yếu, tim phổi kém hoạt động, chức năng hô hấp suy giảm nên chúng tôi quyết định không gây mê nội khí quản mà thực hiện gây tê tủy sống để hạn chế nguy cơ biến chứng. Quá trình gây tê tủy sống khó khăn do cụ tuổi cao, giải phẫu cột sống cong vẹo, biến dạng so với bình thường, từ kinh nghiệm nhiều năm, kíp gây mê đã đảm bảo phương pháp vô cảm tốt, an toàn cũng như theo dõi sát các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân trong cuộc mổ để phẫu thuật viên yên tâm xử trí tổn thương”, bác sĩ Đức cho hay.
Hình ảnh chụp X-quang trước và sau khi thay khớp háng nhân tạo
Trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho cụ Ch., bác sĩ CKII Lương Toàn Thắng - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Thực hiện phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân 107 tuổi là một thách thức với nhiều rủi ro biến chứng. Tuy nhiên nếu vì tuổi quá cao mà không phẫu thuật thì chắc chắn người bệnh chỉ có thể nằm một chỗ chịu đau đớn qua ngày, gia đình phải có người chăm sóc 24/24, nằm thời gian lâu còn gây loét các vùng tỳ đè, viêm phổi ứ đọng, cơ thể dần suy kiệt dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Vì vậy dù cụ Ch. đã 107 tuổi nhưng chúng tôi vẫn quyết định thực hiện phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân. Đây là điều vô cùng cần thiết, giúp bệnh nhân cao tuổi khỏe mạnh, vui vẻ trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Ngoài đòi hỏi về kỹ thuật mổ, yếu tố tâm lý ở người cao tuổi cũng vô cùng quan trọng. Cụ được gây tê tủy sống nên tỉnh táo hoàn toàn trong suốt cuộc mổ diễn ra, kíp mổ vừa thực hiện chuyên môn, vừa nói chuyện động viên để cụ trải qua cuộc mổ với tâm lý thoải mái, vui vẻ nhất. Ca phẫu thuật thay khớp háng tại bệnh viện cho cụ bà cao tuổi nhất từ trước đến nay đã thành công. Trước đó chúng tôi cũng từng phẫu thuật cho cụ bà 102 tuổi với kết quả phục hồi ngoài mong đợi”.
Niềm vui của cụ bà 107 tuổi khi phẫu thuật thành công
Gãy cổ xương đùi là một tai nạn hay gặp ở người cao tuổi, chủ yếu là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất. Phẫu thuật thay khớp háng hiện là phương pháp điều trị tối ưu đối với những ca gãy cổ xương đùi do chấn thương, giúp phục hồi chức năng vận động. Đây là kỹ thuật khó, được triển khai chủ yếu ở các bệnh viện lớn có đội ngũ phẫu thuật viên dày dặn kinh nghiệm cùng các trang thiết bị máy móc hiện đại.
Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh thông tin, mỗi năm, khoa Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện thực hiện thay khớp háng nhân tạo cho khoảng 150 - 200 ca ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có những ca ở độ tuổi hiếm (hơn 100 tuổi) với kết quả khả quan, giúp họ chấm dứt đau đớn, tái hoà nhập sinh hoạt và lao động thường ngày, cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống.