Cần làm gì nếu tiếp xúc F0
Theo chia sẻ của bác sĩ CK I Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, sau khi tiếp xúc với F0, điều đầu tiên bạn cần làm là súc họng bằng nước muối sinh lý, tiếp theo là mọi người cần súc họng với dung dịch sát khuẩn Povidone1% hoặc Chlorhexidin từ 0,12 đến 0,2%, sau đó tiếp tục súc họng nước muối sinh lý để tiêu diệt virus. Bạn có thể thực hiện 4-5 lần/ngày. Đồng thời cần thực hiện hạn chế tiếp xúc với người khác và tuân thủ nguyên tắc 5K.
Ảnh minh họa
Nếu trong gia đình có người nhiễm COVID-19 nên khử khuẩn, xông phòng. Tuy nhiên, việc xông hơi cho bản thân không có tác dụng chống phơi nhiễm mà chỉ có tác dụng khi người nhiễm COVID-19 bị sốt nhẹ, mệt không ra mồ hôi thì xông thải mồ hôi, thải chất độc ra đỡ mệt. Không nên xông 1 lần/ngày, xông hơi nhiều sẽ mất nhiệt, mất điện giải gây ra mệt mỏi.
Không nên uống thuốc kháng virus, tăng cường miễn dịch để phòng sau khi phơi nhiễm.
Tiếp xúc F0 sau bao lâu thì nên test COVID-19?
Theo khuyến cáo, khi biết mình có tiếp xúc với F0, người dân nên xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR, phương pháp xét nghiệm nào thuận tiện và dễ tiếp cận nhất thì thực hiện. Tuy nhiên, cần chú ý đến thời điểm xét nghiệm để có kết quả chính xác.
Ảnh minh họa
Sở dĩ, cần phải tuân theo khoảng thời gian xét nghiệm là do virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập vào cơ thể sẽ cần thời gian để sinh sôi và phát triển đến mức "đủ" số lượng để các xét nghiệm mới có thể phát hiện được.
Theo đó, 2 trường hợp cần xem xét thời gian thực hiện xét nghiệm sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh gồm:
- Với người chưa tiêm vắc xin: thời gian sớm nhất có thể cho ra kết quả dương tính trong khoảng 24 đến 48 giờ.
- Với người đã tiêm vắc xin: khoảng thời gian xét nghiệm dương tính từ 5 đến 7 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh.
Đối với những người có triệu chứng, nếu xét nghiệm với bộ test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính thì cần xét nghiệm lần 2 vào khoảng 24 đến 48 giờ sau đó. Nếu tiếp tục cho kết quả âm tính thì phải xét nghiệm RT-PCR.
Ngoài ra, trong lúc chờ xét nghiệm, người dân dù tiêm hay chưa tiêm vắc xin vẫn cần tự cách ly, tránh tiếp xúc, đảm bảo quy tắc 5K để không lây bệnh cho người khác.
Vắc xin hiện tại dù đạt hiệu quả cao nhưng không loại trừ 100% nguy cơ lây nhiễm. Một người nhiễm dù không triệu chứng nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 59% số người nhiễm bị lây từ F0 không triệu chứng.
Người tiếp xúc với F0 như thế nào được coi là F1?
Theo Công văn số 11042/BYT-DP của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:
Ảnh minh họa
- Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Theo đó, thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT≥30.