Gan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Bên cạnh đó, gan điều hòa đường huyết, sản xuất dịch mật cho việc tiêu hóa chất béo, dự trữ nhiều chất (vitamin A, D, K, B12, sắt, đồng…) có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Đặc biệt, gan là "nhà máy hóa chất" của cơ thể, điều hòa các quá trình tổng hợp - phân giải cũng như giải độc cho cơ thể; ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của toàn cơ thể.
Ngoài ra, gan còn thực hiện hơn 500 vai trò khác nhau nên sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu gan suy yếu. Tuy nhiên, với thói quen ăn uống thiếu khoa học của nhiều người, gan đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà bạn không hề hay biết. Trong số những thói quen ấy thì dễ bắt gặp nhất có lẽ là thói quen thích sử dụng đồ ăn nhanh, đồ chiên nướng.
Các loại thịt thường được chế biến dưới hình thức chiên, nướng để tăng hương vị, kích thích vị giác người ăn. Từ đây, gan lại phải xử lý lượng lớn chất béo kèm theo. Lâu dần khả năng chuyển hóa chất béo sẽ suy giảm, dẫn đến lượng lớn chất béo tích tụ trong gan khiến gan nhiễm mỡ.
Bên cạnh đó, các loại dầu mỡ kém chất lượng được dùng chiên đi chiên lại nhiều lần gây nguy cơ ung thư cao gấp hàng trăm lần dầu ăn chỉ dùng một lần.
Chất đạm, chất béo trải qua quá trình chiên, nướng ở nhiệt độ cao sẽ bị biến chất, sinh ra các độc tố nguy hiểm gây ung thư gan, ung thư các bộ phận khác trong cơ thể.
Thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích… cũng là nguồn chứa rất nhiều chất béo, muối, chất bảo quản không tốt cho sức khỏe của lá gan, gây béo phì và nguy cơ ung thư. Người dùng còn phải cân nhắc lựa chọn khi ngày càng có nhiều loại thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu, chứa hóa chất độc hại, dễ dàng "bức tử" gan.
Ngoài ra, một số thói quen ăn uống dưới đây bạn cũng nên hạn chế để bảo vệ lá gan:
Ăn quá no
Đây là thói quen không hề tốt cho sức khỏe và thậm chí còn khiến dạ dày, ruột phải liên tục hoạt động trong tình trạng quá tải. Lúc này, gan cũng sẽ bị ảnh hưởng và không thể làm tốt nhiệm vụ giải độc của nó. Đồng thời, hành động ăn quá no cũng có thể gây béo phì và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của gan. Do đó, bạn không nên duy trì thói quen này thường xuyên để bảo vệ các cơ quan nội tạng bên trong.
Ăn các loại thực phẩm sống
Việc thường xuyên ăn những loại thực phẩm sống sẽ làm tăng nguy cơ khiến gan bị nhiễm ký sinh trùng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh sán lá gan. Chính vì vậy, tốt nhất bạn nên ăn đồ đã nấu chín để bảo vệ cơ thể.
Ăn nhiều thức ăn có đường
Andrea Grange – chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ - cho biết, trong số các yếu tố gây nguy cơ lớn với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là do tiêu thụ nhiều đường đơn.
Cô nói, bạn nên cẩn thận với đồ uống và thực phẩm chứa nhiều đường như soda, kem, bánh quy, gia vị,…
Không ăn bữa sáng
Bữa sáng vốn rất quan trọng đối với sức khỏe, bởi đây là lúc cơ thể vừa trải qua một đêm trao đổi chất nên cần được bổ sung năng lượng kịp thời để hoạt động tốt hơn. Việc bỏ bữa sáng có thể làm quá trình trao đổi chất và giải độc diễn ra chậm nên dễ gây hạ đường huyết, tăng gánh nặng cho gan.
Ăn chay kéo dài
Những người ăn chay nhiều có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ là do hầu hết các loại thực phẩm chủ yếu của người ăn chay đều chứa thành phần chính là carbs, từ đó trở thành chất béo gây hại gan. Bên cạnh đó, vì không có thịt trong bữa ăn, lượng protein thiếu hụt sẽ làm gan không thể tổng hợp đủ lipoprotein khiến chất béo khó vận chuyển ra ngoài kịp thời nên lắng đọng lại trong gan.
Ăn các món để qua đêm
Món ăn để qua đêm có thể sản sinh nhiều độc tố aflatoxin (chất gây ung thư) nên không hề tốt cho sức khỏe nói chung và lá gan nói riêng. Đặc biệt, chất độc này còn được xếp vào danh sách nhóm chất gây ung thư cấp 1, nếu ăn thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan.