Thứ quả dân dã giúp làm đẹp da, chữa tóc bạc sớm

Dâu tằm là thứ quả dân dã rất tốt cho sức khỏe, giúp sáng mắt, làm đẹp da, chữa tóc bạc sớm. Hiện dâu tằm đang bắt đầu vào mùa, mọi người có thể tận dụng công dụng quý của loại quả này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, quả dâu tằm tươi chứa tới 88% là nước và còn lại là các chất xơ, chất béo, carb, protein… Khi khô, dâu tằm vẫn chứa tới 70% carb, chất xơ 14%, protein 12% và chất béo 3%. Trong trái dâu tằm còn chứa nhiều vitamin như C, B1, tiền Vitamin A, sắt, acid foric…nên được coi là vị thuốc quý từ hoa quả.

Dâu tằm là vị thuốc quý từ hoa quả mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh IT

Chia sẻ với PV Báo Gia đình và Xã hội, lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy – Đông y Ích Thọ Đường (Hà Nội) cho biết, chính vì quả dâu tằm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng nên mang lại nhiều công dụng.

Trong Đông y, các bộ phận của cây dâu đều được tận dụng như dùng làm thuốc, lấy lá nuôi tằm… Dâu tằm vẫn thường được dùng để chữa can, thận yếu, suy nhược cơ thể, thiếu máu; hỗ trợ tiêu hóa, nhuận tràng, thông khí huyết, sáng mắt, chống mất ngủ. Đặc biệt, dâu tằm giúp sáng mắt, làm đẹp da, chữa tóc bạc sớm. Liều dùng 12- 20gr khô và có thể dùng tươi với liều dùng là 50g – 70gr.

Cụ thể một số công dụng của quả dâu tằm:

+ Tóc bạc, tóc không mọc

Lấy quả dâu ngâm nước lọc lấy nước xát vào đầu. Hoặc mọi người dùng quả dâu tằm tươi rửa sạch cho vào xoong đổ nước đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa 30 phút, sắc 2 lần lấy nước cốt rồi thêm mật ong vào trộn đều, đun sôi lại là được. Chờ nguội, cho vào lọ nút kín dùng dần. Mỗi ngày lấy uống 2 lần với nước ấm rất tốt cho cơ thể, giúp tóc đen mượt, ngừa rụng, chống bạc tóc.

+ Chữa bệnh tràng nhạc: Quả dâu chín 2 bát to xay vắt lấy nước cô làm thành cao mềm. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5gr.

+ Chữa chứng đau họng, miệng: Dùng 500g dâu rửa sạch và ép thành nước. Dùng nước quả dâu để súc miệng từ 3- 5 ngày.

+ Mất ngủ cấp tính: Dâu tằm tươi 60g (khô 30g) sắc uống 2 lần/ngày vào chiều tối.

+ Viêm khớp nói chung dùng quả dâu tằm khoảng 250g, cành dâu 150g, chùm gửi dâu 100g ngâm rượu uống.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, dâu tằm có khá nhiều chất oxi hóa như polyphenol, resveratrol. Đây là chất oxi hóa có tác dụng bảo vệ các mạch máu, chông đông máu, giảm huyết áp, đột quỵ... Ngoài ra, reveratrtol còn làm giảm cholesterol, glucose máu góp phần gián tiếp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Chất oxi hóa này còn làm tăng tuổi thọ, tăng trí nhớ. Những người mắc bệnh Alzheimer có thể đưa thêm dâu tằm vào chế độ ăn uống hằng ngày.

Không chỉ có tác dụng trị bệnh, dâu tằm còn là nguyên liệu để chế biến thành nước giải khát, làm đẹp mà ít ai biết đến như:

+ Làm nước giải khát với siro dâu

Quả dâu có thể chế biến thành nước siro giúp giải nhiệt rất tốt. Mọi người lựa chọn loại quả tươi, ngon rửa sạch cho ráo nước rồi cho vào bình thủy tinh, trộn với đường theo tỷ lệ 2kg dâu và 1 kg đường. Để dâu vậy, sau một ngày đường tan hết đun sôi lọc lấy nước cho vào lọ dùng dần.

+ Làm đẹp:

Quả dâu tằm kết hợp với mật ong làm đẹp. Lấy vài quả dâu tằm chin rửa sạch đem nghiền nát rồi trộn với thìa mật ong thành hỗn hợp sền sệt. Đắp hỗn hợp lên mặt, massage và thư giãn trong khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước lạnh. Với thành phần alpha – hydroxy axit có trong dâu tằm sẽ giúp ngăn mụn nhọt, da trắng hồng tự nhiên. Hoặc bạn có thể dùng 100gr dâu tằm xay nhuyễn trộn đều với 2 muỗng mật ong dùng làm hỗn hợp dưỡng toàn thân. Khi tắm dùng hỗn hợp này massage nhẹ nhàng khoảng 20 phút rồi tắm lại bằng nước sạch.

Mặc dù dâu tằm đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe nhưng theo lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), những người đang bị tiêu chảy, viêm dạ dày… không nên ăn nhiều vì dâu tằm có tính hàn.

Ngoài ra, không dùng các vị thuốc từ cây dâu tằm với phụ nữ đang cho con bú, người có bệnh liên quan đến thận và người đang dùng thuốc an thần, chống trầm cảm, điều trị bệnh gout… nên thận trọng khi dùng. Quả dâu còn có thể gây dị ứng và rất dễ lên men, dễ mốc sinh ra các độc tố độc tố mocaflatoxin, mycotoxin… nên khi ăn cần rửa sạch, loại bỏ những quả dập.