Chỉ trong vài ngày, ổ dịch ở Chí Linh (Hải Dương) và Vân Đồn (Quảng Ninh) đã khiến 208 người mắc bệnh COVID-19 (tính tới 18h ngày 30/1). Đây cũng là đợt dịch ghi nhận kỷ lục số lượng ca nhiễm cao nhất trong ngày từ trước đến nay. Các chuyên gia đánh giá đợt dịch này "nguy hiểm hơn, phức tạp hơn" và khó khăn hơn các đợt dịch trước đây.
Ông đánh giá thế nào về tốc độ lây lan của đợt dịch lần này tại Chí Linh và Vân Đồn, thưa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn?
- Đợt dịch lần này xảy ra với mức độ lây nhiễm và tốc độ lây lan rất nhanh chóng. Sau 55 ngày bình yên, từ 2 ca BN1552 ở Hải Dương, BN1553 ở Vân Đồn, chỉ một ngày sau đã lên đỉnh dịch ghi nhận số ca COVID-19 cao nhất trong 1 ngày với 82 ca. Sau đó tiếp tục phát hiện hàng chục ca mắc COVID-19 mỗi ngày.
Chúng tôi đang phân tích giải trình tự gene của bệnh nhân tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhưng thông tin từ Nhật Bản gửi cho chúng ta, có thể là biến chủng đã đột biến xuất xứ từ Anh. Biến chủng này đã lan ra hơn 80 quốc gia. Do đó phải cảnh giác đề phòng, đặc biệt lưu ý tốc độ lây lan trong cộng đồng.
Sự cố dịch xảy ra không phải không lường trước được nhưng vẫn có những ổ dịch phát hiện ra, như hai ổ dịch lớn như Hải Dương và Quảng Ninh. Có phải ở đâu đó vẫn không đề phòng đầy đủ?
- Ngành Y tế luôn cảnh giác, đánh giá tất cả tình huống có thể xảy ra khi có lây nhiễm cộng đồng, phân tích nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Thứ nhất, hiện tình trạng nhập cảnh trái phép dù đã được nâng lên mức độ cảnh giác cao nhất theo chỉ thị của Chính phủ, nhưng không thể cho rằng hoàn toàn kiểm soát được người nhập cảnh trái phép.
Thứ 2, liên quan đến sự đảm bảo an toàn các trang phục bảo hộ của các nhân viên phục vụ tại các cảng, cửa khẩu. Chúng tôi cho đây cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng nhiều đến việc lây lan vì các hành khách dương tính mang virus từ các nước trên các chuyến bay.
Thứ 3 là điều kiện an toàn trong phòng chống COVID-19 ở khu cách ly và một số cơ sở tập trung. Tôi đánh giá vấn đề này hiện đang quản lý tốt nhưng cũng có thể một ai đó lơ là trong khâu nào đó, trong quá trình tiếp xúc người chưa phát hiện COVID-19 đã lây rồi đem ra cộng đồng. Đó là những điểm hết sức cẩn thận, không thể lơ là trong thời gian tới.
Hàng rào phòng chống dịch với biến chủng mới sẽ được lập như thế nào, theo Thứ trưởng?
- Với virus biến chủng mới, chúng ta phải hiểu rõ bản chất, phương thức lây lan, thời gian lây truyền. Thực tế, khi các biến chủng đã lây lan trong cộng đồng, biện pháp xử lý quan trọng: Phát hiện, truy vết thần tốc; Cách ly, khoanh vùng nhanh để dập dịch.
Việc truy vết rất quan trọng. Truy vết càng nhanh thì càng hạn chế được tốc độ lây lan của virus. Đồng thời khi khoanh vùng cách ly để dập dịch đã hạn chế được ở trong 1 khu vực. Ví dụ ở Hải Dương, toàn bộ công nhân công ty Poyun, mặc dù số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng lên (72-48-32), vẫn đều nằm trong khu vực chúng ta kiểm soát được, đó là rất quan trọng.
Chưa truy được F0, theo ông ưu tiên cao nhất cần thực hiện lúc này là gì?
- Việc truy vết F0 là cần thiết nhưng từ kinh nghiệm của Đà Nẵng có thể chưa biết được F0 thì chúng ta vẫn có thể khống chế được dịch.
Theo chúng tôi, ưu tiên đầu tiên là vấn đề truy vết để phát hiện tất cả những người có liên quan tới chủng virus này. Có thể nói chúng ta chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ. Không chỉ xét nghiệm cho F1, F2, F3 mà ở Quảng Ninh đã làm xét nghiệm tới cả F4. Chúng ta đã mở diện rộng, sử dụng rất nhiều xét nghiệm để "quét" hết một cộng đồng nghi ngờ để tìm ra ca nhiễm COVID-19.
Với số lượng hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm ở các tỉnh, thành có ca nhiễm và nghi nhiễm, chúng ta phải chạy đua với thời gian. Vậy những ngày tới, ngành Y tế sẽ triển khai xét nghiệm ra sao để "không lãng phí bất kỳ giờ phút nào" trong ứng phó?
- Tại Hải Dương, chúng tôi đã cử các chuyên gia từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… Các chuyên gia đã xuống để hỗ trợ cho xét nghiệm của Hải Dương. Quảng Ninh hiện được đánh giá đã tương đối tốt, với Hà Nội và TP HCM, chúng tôi hoàn toàn yên tâm.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 ở Trung tâm Y tế TP Chí Linh (Hải Dương). Bệnh viện đang điều trị cho 98 bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Huy Hoàng - Đức Tùy
Thời gian tới cần tăng cường sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, trong buổi giao ban với lãnh đạo tỉnh Hải Dương hôm qua, chúng tôi đề nghị phải tận dụng tinh thần "4 tại chỗ", xây dựng trung tâm, nâng cao năng lực xét nghiệm ngay tại tỉnh Hải Dương.
Bộ Y tế cũng sẽ cử các chuyên gia, hỗ trợ trang phục đảm bảo an toàn, sinh phẩm trong thời gian tới, bên cạnh việc mua sắm của tỉnh, để đảm bảo được có đủ nguồn để đem ra chống dịch tại địa phương
Từ bài học kinh nghiệm qua các đợt dịch trước (như đợt dịch Bệnh viện Bạch Mai hay Đà Nẵng) là "phải giữ được bệnh viện", trong đợt dịch này, chúng ta đặt vấn đề ra sao để hạn chế tối thiểu ca tử vong như trước?
- Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 luôn quan tâm tới 2 môi trường là bệnh viện và trường học.
Với bệnh viện, ngay đầu dịch, Bộ đã có chỉ thị yêu cầu hệ thống khám chữa bệnh nâng cao tinh thần cảnh giác, phân luồng cách ly, phát hiện trường hợp nghi ngờ cho xét nghiệm. Bộ Y tế cũng ban hành nhiều quyết định, trong đó quan trọng Bộ đã có bộ tiêu chí an toàn bệnh viện, yêu cầu bệnh viện tự chấm điểm, kiểm tra, giám sát an toàn. Yêu cầu đóng cửa tạm thời để khắc phục các cơ sở không đảm bảo. Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong môi trường bệnh viện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Chỉ thị này cũng là để chúng ta có bài học, xây dựng tinh thần phòng chống COVID-19 tại "lá chắn thép" của cộng đồng chính là các cơ sở y tế.
Liệu dịch có thể xuất hiện ở tỉnh, thành khác không thưa Thứ trưởng? Chúng ta sẽ xây dựng phản ứng nhanh thế nào?
- Điều đáng mừng hiện nay các trường hợp lây nhiễm tại các tỉnh thành (TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Gia Lai, Hải Phòng) đều liên quan tới Chí Linh và sân bay Vân Đồn. Vì thế, tất cả những người đi đến, về từ vùng dịch Chí Linh và sân bay Vân Đồn từ đầu tháng 1 tới nay phải được đưa vào "tầm ngắm" để kiểm soát ở tất cả các địa phương.
Tôi nghĩ COVID-19 không chỉ xảy ra tại 1 số tỉnh, thành như bây giờ mà có thể đã lây lan sang các tỉnh, thành khác. Do đó, quan điểm của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế là đều phải tập trung tất cả các địa phương (đều phải chống dịch nghiêm ngặt) chứ không chỉ có Hải Dương, Quảng Ninh, để có thể kiểm soát được tình hình thông qua truy vết, xét nghiệm. Cả nước phải đồng lòng vào cuộc thay vì chỉ một vài địa phương chống dịch.