Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng dịch tiết âm đạo cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm nhiễm hay bệnh phụ khoa. Vậy, đối với chị em phụ nữ, dịch tiết âm đạo như thế nào là bình thường? khi nào thì cần tới gặp bác sĩ để kiểm tra, khám bệnh?
Để giải đáp những câu hỏi trên, việc theo dõi lượng dịch tiết hàng ngày có thể là gợi ý giúp bạn trả lời những thắc mắc.
1. Dịch âm đạo là hiện tượng bình thường của phụ nữ, nó có chức năng làm sạch và bảo vệ âm đạo, có tác dụng bôi trơn đường sinh dục.
Dịch tiết âm đạo là hỗn hợp gồm tế bào và dịch từ âm đạo cùng chất nhầy từ cổ tử cung, Nó có nhiều tác dụng hơn chúng ta tưởng, dịch tiết ra sẽ làm sạch âm đạo, giữ ẩm, làm cân bằng môi trường pH và bảo vệ, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm và kích ứng vùng kín.
2. Không có lượng dịch tiết nào được mặc định là “bình thường” cho tất cả mọi người.
Đừng lo lắng nếu như bạn tiết nhiều hoặc ít khí hư hơn người khác. Việc tiết dịch cũng giống như tiết mồ hôi. Một số người toát mồ hôi rất nhiều còn số khác thì không như thế.
Nó không giống như cách các bác sĩ hay nói rằng tối thiểu mỗi ngày bạn sẽ tiết ra một lượng bằng thìa cà phê, và nếu cơ thể bạn sản xuất ra nhiều hoặc ít hơn thì điều nên làm là đến gặp bác sĩ phụ khoa càng sớm càng tốt. Bạn chỉ nên theo dõi sát sao vào những mốc cụ thể: ví dụ gần sát chu kỳ kinh nguyệt không có gì nguy hiểm còn trong các trường hợp khác nên kiểm tra kỹ càng hơn.
3. Lượng dịch tiết bạn tiết ra có thể thay đổi tùy thuộc vào từng thời điểm trong chu kỳ kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt của bạn bắt đầu bằng việc “rớt dâu” và dịch tiết có thể lẫn trong máu, bạn cũng có thể tiết vài giọt dịch màu nâu trước hoặc sau “mùa dâu”.
Sau giai đoạn đầu của chu kỳ, bạn có thể không tiết quá nhiều dịch vì cơ thể không sản xuất nhiều chất nhầy cổ tử cung. Điều đó không có nghĩa là cơ thể không có bất kỳ sự tiết dịch nào, hãy nhớ rằng, dịch tiết vẫn có thể đến từ chính mô âm đạo của bạn. Nó có thể chỉ tiết dịch ít hơn thông thường.
Khi cơ thể bạn bắt đầu chuẩn bị rụng trứng, nồng độ estrogen của bạn tăng lên và bạn có thể thấy dịch ra nhiều hơn, có thể có màu trắng, vàng hoặc có độ dính nhất định. Nồng độ estrogen của bạn tiếp tục tăng đến gần ngày rụng trứng và dịch tiết trở nên mỏng và trơn hơn vì cơ thể tiết ra nhiều chất nhầy cổ tử cung.
Trông tương tự với lòng trắng trứng, chất nhầy này có mặt để giúp tinh trùng di chuyển đến cổ tử cung giúp bạn có thể mang thai dễ dàng hơn.
Nếu bạn không đậu thai sau khi phóng trứng trong quá trình rụng trứng, nồng độ estrogen sẽ giảm, cơ thể sẽ sản xuất chất nhầy cổ tử cung ít hơn. Dịch tiết lúc này có thể trở nên dày hơn và nhiều hơn, sau đó bạn có thể có một vài ngày không xuất dịch. Khi chu kỳ của bạn đến, vòng lặp lại tiếp tục.
4. Việc sử dụng thuốc tránh thai (đặc biệt là loại có chứa estrogen) có thể làm giảm khả năng xuất dịch tiết trong suốt cả tháng.
Nếu bạn dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen, ức chế sự rụng trứng, bạn có thể sẽ không thấy những sự thay đổi trong quá trình tiết dịch âm đạo.
Ngay cả khi thuốc tránh thai không có chứa estrogen, nó vẫn có thể ảnh hưởng đến việc tiết dịch của bạn do progestin. Progestin được tìm thấy trong các loại thuốc tránh thai như ngừa thai bằng nội tiết tố kết hợp, thuốc tránh thai hàng ngày, vòng tránh thai có tác dụng làm chất nhầy cổ tử cung dày hơn khiến sự di chuyển của tinh trùng trở nên chậm chạp.
Vì vậy, bạn có thể nhận thấy dịch tiết không quá nhầy. Tuy nhiên, các phương pháp chỉ có progestin không thể ngăn chặn sự rụng trứng một cách hoàn hảo, do đó sử dụng biện pháp tránh thai bằng estrogen vẫn được ưa chuộng hơn.
5. Lượng dịch tiết có thể tăng lên trong thai kỳ.
Nếu bạn có thai, mức estrogen của bạn tiếp tục tăng thay vì giảm. Do estrogen tăng cao, có thể nhận thấy rằng dịch tiết trở nên ướt và trơn hơn trong suốt thai kỳ.
Mang thai cũng lượng máu tăng lên và điều đó có thể khiến cơ thể bạn tiết ra nhiều hơn bình thường.
Vì vậy, lượng dịch tiết âm đạo có thể thay đổi trong cả tháng, tùy thuộc vào các yếu tố nhất định. Nhưng nếu bạn chưa từng thấy dịch xuất hiện nhiều hơn bình thường mà không có lý do rõ ràng, thì đó có thể là một vấn đề bệnh lý.
Theo báo cáo của Mayo Clinic, sự gia tăng lượng dịch tiết mà cơ thể bạn sản xuất có thể là một dấu hiệu cho thấy sức khỏe âm đạo của bạn đang bị tổn hại. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu và nhiễm trichomonas đều có thể gây triệu chứng tăng tiết dịch âm đạo.
Viêm âm đạo do vi khuẩn cũng có thể xảy ra, đó là khi những vi khuẩn gây hại lấn át những vi khuẩn có lợi, bên cạnh đó là nhiễm trùng nấm men, xảy ra khi có quá nhiều nấm men hoạt động ở khu vực vùng kín.
Mặc dù các vấn đề về sức khỏe âm đạo này đều có thể gây tăng tiết dịch, nhưng dịch tiết ra có thể khác nhau tùy thuộc vào từng bệnh khác nhau. Dưới đây là một số lưu ý nhanh:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: dịch tiết mỏng có màu xám, xanh hoặc trắng và có thể có mùi tanh.
- Chlamydia: dịch tiết màu xanh lá cây, trắng hoặc vàng có thể có mùi hôi.
- Bệnh lậu: dịch màu trắng hoặc vàng.
- Trichomonas: dịch tiết màu xám, xanh lá cây, trắng hoặc vàng có thể có mùi tanh.
- Nhiễm nấm men: dày, trắng, giống bọt phô mai.
Có một trong những dấu hiệu trên không có nghĩa là bạn có thể mắc những căn bệnh này trên thực tế, đôi khi căn bệnh tới mà chẳng có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có gì đó bất thường với âm đạo của bạn.
Và nếu bạn gặp phải các triệu chứng của một trong những tình trạng trên, nó cũng có thể đi kèm với các dấu hiệu khác, như nóng rát khi đi tiểu hoặc đau khi quan hệ tình dục. Nếu bạn gặp phải tình trạng kỳ lạ ở âm đạo ngoài việc xuất dịch tiết, hãy tới gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác.
Ngoài ra, nếu việc xuất dịch tiết của bạn bao gồm cả máu mà không phải do tới kỳ kinh nguyệt, thì đó là một dấu hiệu đáng quan tâm để tìm kiếm sự trợ giúp từ y tế.
Điều này có thể là biểu hiện của các bệnh như polyp cổ tử cung hoặc đơn giản là chảy máu bất thường do dùng thuốc tránh thai. Trong những trường hợp hiếm hoi, nó có thể là triệu chứng của ung thư cổ tử cung, do đó, điều quan trọng là bạn phải thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu bất thường.
Nguồn: SELF