Nhiều người cho rằng mắc bệnh tiểu đường cũng tương đương với việc phát hiện bị ung thư, nó sẽ 'bòn rút' tuổi thọ của bạn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không thực sự hoàn toàn chính xác.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thanh Hương (Phó trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), ''một nghiên cứu ở Mỹ được thực hiện trên 20 nghìn bệnh nhân đái tháo đường từ 1998 - 2012, tuổi thọ trung bình ở người bệnh đái tháo đường giảm khoảng 6 năm so với người không bị đái tháo đường. Đặc biệt, khi người bệnh bị đái tháo đường kèm theo nhồi máu cơ tim thì tuổi thọ trung bình giảm tới 12 năm hoặc kèm theo các biến chứng như tai biến mạch não, tuổi thọ trung bình có thể giảm 15 năm''.
Bệnh tiểu đường sống được bao lâu
Thêm vào đó, ''hiện tại cũng chưa có phương pháp nào để điều trị triệt để, chữa khỏi được bệnh tiểu đường". Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều bệnh nhân dù bị tiểu đường nhưng vẫn có thể ''chung sống hòa bình và lâu dài'' với bệnh, thậm chí có người còn sống rất thọ.
Bệnh tiểu đường có chữa được không
Để làm được như vậy, BS. Hương nhắc nhở bệnh nhân tiểu đường khi phát hiện bệnh cần duy trì chế độ điều trị, kiểm soát đường máu, kiểm soát các yếu tố nguy cơ về tim mạch như bỏ thuốc lá, quản lý huyết áp, mỡ máu, giữ chế độ sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn và tập luyện hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, BS. Hương nhấn mạnh: "Không có 1 chế độ sinh hoạt cụ thể nào chung hết cho tất cả mọi bệnh nhân tiểu đường. Với mỗi bệnh nhân cần có chế độ ăn, sinh hoạt cho phù hợp bản thân mình. Trong đó, lưu ý đặc biệt đến chế độ ăn như sau:
Để sống chung với bệnh tiểu đường cần lưu ý gì về chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt
Đảm bảo tình trạng dinh dưỡng, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, tránh trường hợp tăng đường máu nhiều sau ăn hoặc hạ đường máu xa bữa ăn nhiều. Phải đảm bảo đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày và giữ cân nặng ở mức độ lý tưởng. Cụ thể là tránh ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như đường, mía, mật ong, bánh kẹo, nước ép trái cây... nên sử dụng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp; nên duy trì 1-1.5g đạm/kg cân nặng/ngày với bệnh nhân tiểu đường chưa có biến chứng thận và 0.8-1.2g đạm/kg cân nặng/ngày với bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thận; không nên ăn quá nhiều muối (dưới 5g muối mỗi ngày); rượu vang không quá 200ml/ngày, bia không quá 300ml/ngày.
Bên cạnh đó, tập thể dục giúp kiểm soát đường máu tốt hơn, giảm tình trạng kháng insulin trong cơ thể: Duy trì trung bình khoảng 30 phút tập thể dục mỗi ngày như đi bộ, đạp xe... Nếu lựa chọn các bài tập cường độ nặng, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập để bảo đảm an toàn sức khỏe".