6 quan niệm sai lầm trong ăn uống mà hầu hết người bị tiểu đường đều mắc phải, không giúp bớt bệnh mà còn nặng thêm

Nhiều người bị tiểu đường cho rằng chỉ cần bản thân hạn chế, thậm chí không ăn đồ ngọt là đã có thể giữ cho bệnh tình của mình ổn định rồi. Tuy nhiên, cũng chính từ điều này đã sinh ra nhiều quan niệm sai lầm, khiến tình trạng bệnh trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trong quá trình thăm khám và tư vấn dinh dưỡng cho các bệnh nhân tiểu đường, bác sĩ Dương Thị Phượng, Khoa Dinh dưỡng & Tiết Chế - BV Đại học Y Hà Nội, đã gặp khá nhiều tình huống người bệnh có những quan niệm sai lầm.

6 quan niệm sai lầm trong ăn uống mà hầu hết người bị tiểu đường đều mắc phải, không giúp bớt bệnh mà còn nặng thêm - Ảnh 1.

Dưới đây là 6 sai lầm hay gặp nhất được BS. Phượng chia sẻ:

1. Lạm dụng gạo lứt

Bệnh nhân tiểu đường thường được tư vấn dùng gạo lứt thay thế cho gạo trắng bởi gạo lứt có chỉ số đường huyết thấp hơn, hàm lượng chất xơ trong vỏ cám cao hơn, giúp cho đường trong máu tăng chậm. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân thực hành sai cách.

6 quan niệm sai lầm trong ăn uống mà hầu hết người bị tiểu đường đều mắc phải, không giúp bớt bệnh mà còn nặng thêm - Ảnh 2.

''Có một bệnh nhân đến khám tại BV Đại học Y Hà Nội, người này nghĩ rằng ăn gạo lứt sẽ không gây tăng đường máu nên ăn rải rác cả ngày, thậm chí dùng gạo lứt rang để ăn bữa phụ vào giữa buổi sáng, chiều và tối. Kỳ thực, gạo lứt cũng là một loại thực phẩm thuộc nhóm có chỉ số đường huyết trung bình, mặc dù (chỉ số đường huyết) thấp hơn so với gạo trắng nhưng nó vẫn gây tăng đường máu ở mức độ nhất định", BS. Phượng chia sẻ.

Do đó, bệnh nhân tiểu đường cũng phải dùng với một lượng vừa phải, chỉ nên dùng trong bữa ăn chính, không thể coi nó như một món ăn vặt.

2. Không dám ăn hoa quả, thực phẩm có tinh bột

Theo BS. Phượng, việc kiêng khem hoàn toàn hoa quả và thực phẩm có tinh bột sẽ dẫn đến hệ quả là xuất hiện những biến chứng như người mệt mỏi, uể oải, các cơ hạ đường huyết có thể xảy ra trong ngày, dẫn đến các nguy cơ hoặc bệnh lý khác kèm theo.

6 quan niệm sai lầm trong ăn uống mà hầu hết người bị tiểu đường đều mắc phải, không giúp bớt bệnh mà còn nặng thêm - Ảnh 3.

Do đó, bệnh nhân đái tháo đường cần có một chế độ ăn kiêng phù hợp, không nhất thiết phải sử dụng chế độ ăn thái quá, hoàn toàn không dùng tinh bột trong khẩu phần ăn hàng ngày.

3. Ăn miến thay cơm

Trên mạng xã hội hiện nay lan truyền các thông tin cho rằng bệnh nhân đái tháo đường có thể ăn miến thay cơm. BS. Phượng cho rằng đây không phải là quan niệm đúng.

Thực tế, miến làm từ bột rong có chỉ số đường huyết lên tới 96, thậm chí còn cao hơn chỉ số đường huyết trong gạo trắng (78-86 tùy từng loại gạo). Vì vậy, khi ăn miến rong như vậy thì bệnh nhân tiểu đường sẽ càng khó kiểm soát hơn đường huyết. BS. Phượng khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường không nên ăn miến rong, đặc biệt là không ăn thay cơm.

6 quan niệm sai lầm trong ăn uống mà hầu hết người bị tiểu đường đều mắc phải, không giúp bớt bệnh mà còn nặng thêm - Ảnh 4.

4. Lạm dụng đường ăn kiêng

Một số bệnh nhân đái tháo đường rất thèm đồ ngọt nên họ tìm những sản phẩm đường ăn kiêng hay các thực phẩm thay thế khác.

Dù vậy, việc lạm dụng và dùng trong thời gian kéo dài các loại đường ăn kiêng này cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường.

5. Sử dụng thực phẩm có tên "không đường"

Nhiều người nghĩ rằng những thực phẩm ''không đường'' sẽ tốt. Nhưng thực ra, một số thực phẩm được ghi ''không đường'', tức là không bổ sung thêm đường vào đó còn bản chất thực phẩm đã có đường rồi.

6. Bỏ ăn 1 bữa chính trong ngày

Việc duy trì 3 bữa ăn chính trong ngày kết hợp với việc sử dụng thuốc sẽ giúp ổn định đường huyết, do đó, BS. Phượng nhắc nhở người bị tiểu đường không nên bỏ bữa, đặc biệt là không bỏ ăn bữa sáng hay bỏ ăn tinh bột trong bữa tối. Bởi điều này có thể dẫn đến tình trạng đường huyết khó kiểm soát hơn, các nguy cơ hạ đường huyết có thể xảy ra.

6 quan niệm sai lầm trong ăn uống mà hầu hết người bị tiểu đường đều mắc phải, không giúp bớt bệnh mà còn nặng thêm - Ảnh 5.