Tín hiệu mừng từ chữa trị bệnh nhân COVID-19 ở miền Nam

Những ngày gần đây, lượng bệnh nhân xuất viện nhiều hơn lượng bệnh nhân COVID-19 mới cho thấy công tác chống dịch đã có những tín hiệu tốt.

Đến 18 giờ ngày 22-8, Việt Nam ghi nhận hơn 340.000 bệnh nhân COVID-19 mới, trung bình mỗi ngày cả nước có 8.000-9.000 bệnh nhân mới, dẫn đến sức ép lớn lên hệ thống điều trị cũng như công tác phòng chống dịch, nhất là đối với các tỉnh ở phía Nam.

Bệnh nhân xuất viện nhiều hơn bệnh nhân mới

Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Bộ Y tế đã huy động 14.543 nhân viên y tế về miền Nam hỗ trợ chống dịch COVID-19, các giải pháp phù hợp tình thế như tháp ba tầng, cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà… bắt đầu phát huy hiệu quả.

Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện (BV) ĐH Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương, sau hơn một tháng tăng cường đến đây, ông nhận thấy tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 đã có những dấu hiệu tích cực.

Những ngày qua, số bệnh nhân mắc COVID-19 mới của Bình Dương liên tục tăng cao do tỉnh đang đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng. Tuy nhiên, với việc áp dụng đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế thì số lượng bệnh nhân ra viện của Bình Dương những ngày qua đã lập những kỷ lục, có ngày lên đến gần 5.000 người được ra viện. Số bệnh nhân công bố khỏi bệnh nhiều hơn số người mắc mới.

Để giảm áp lực điều trị trong những ngày tới, tỉnh Bình Dương sẽ mở rộng hệ thống BV dã chiến. Tỉnh tập trung nhân lực cho điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các BV thuộc tầng 2. Tỉnh cũng đưa vào sử dụng BV hồi sức cấp cứu ở tầng 3 - tầng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Tại TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 4.000-5000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Ngày 22-8, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc BV Hữu nghị Việt Đức đặt tại BV dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), sau một tuần đi vào hoạt động đã cho xuất viện những trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên.

Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trung ương tại Long An (gọi tắt là trung tâm, do BV đa khoa Trung ương Thái Nguyên điều hành) chỉ sau thời gian ngắn thành lập, ngày 22-8 có 10 bệnh nhân nặng chuyển nhẹ.

Long An đang áp dụng mô hình điều trị tháp ba tầng như hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi nhận bệnh, các bác sĩ sẽ hội chẩn qua mạng, nắm chắc về ca bệnh nên chuẩn bị máy móc, giường bệnh chu đáo. Sau thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, đến nay trung tâm hoạt động ổn định, đi vào guồng quay.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức, TP.HCM) vui mừng ngày xuất viện. Ảnh: NGUYỆT NHI

TP Thủ Đức tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai, cho con bú dưới 12 tháng tuổi

UBND TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết từ ngày 22-8 sẽ tổ chức tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần và phụ nữ đang cho con bú dưới 12 tháng tuổi. Loại vaccine được tiêm cho hai đối tượng này là Moderna.

Tất cả điểm tiêm vaccine sẽ có bác sĩ khám sàng lọc, tư vấn kỹ lưỡng, tổ chức test nhanh COVID-19 trước khi tiêm. 

Xử lý F0 nhanh, không tạo sự hoang mang

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh Tiền Giang tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm để sớm kiểm soát dịch bệnh trước ngày 30-8.

Bên cạnh việc điều trị bệnh nhân mới, tỉnh Tiền Giang tập trung kiểm soát chặt chẽ đối với người ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các khu vực đường mòn, lối mở, khu vực giáp ranh với các tỉnh có nguy cơ rất cao; kịp thời động viên, bổ sung lực lượng ngoài công an, quân đội tham gia trực tại các chốt để đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng làm nhiệm vụ.

Đồng thời, tỉnh Tiền Giang siết chặt giãn cách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm: Tầm soát diện rộng để tách F0 khỏi cộng đồng, nâng cao công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, giảm bệnh nhân nặng và tử vong.

Đến nay, ban chỉ đạo tỉnh này vẫn quyết tâm khi phát hiện F0 phải xử lý ngay theo quy định trong thời gian chờ kết quả khẳng định Realtime RT-PCR, ổn định tâm lý, không tạo sự hoang mang, lo lắng cho người dân; đồng thời phải thực hiện ngay việc điều tra, truy vết F1 trong cộng đồng để đảm bảo hiệu quả của việc tầm soát. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu vực lấy mẫu xét nghiệm. Tầm soát đến đâu, giữ sạch đến đó để đảm bảo sự thành công của chiến dịch tầm soát.

Bên cạnh công tác phòng chống, điều trị bệnh nhân COVID-19, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh thêm triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 3. Hiện tại, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên công suất tiêm mỗi bàn còn 80 người/ngày. Trong thời gian tới, số lượng vaccine về nhiều, triển khai toàn dân sẽ nâng lên 140 người/ngày. Sắp tới, địa phương sẽ đào tạo thêm khoảng 270 nhân lực tiêm chủng để đảm bảo công suất đặt ra.

Hơn 1,2 triệu liều vaccine AstraZeneca bàn giao cho Viện Pasteur TP.HCM

Toàn bộ 1.209.400 liều vaccine AstraZeneca do VNVC mới nhập về đã bàn giao cho Viện Pasteur TP.HCM, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, sáng 22-8. Lô hàng này đã được Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) hoàn thành thủ tục kiểm định chất lượng sau ba ngày nhập khẩu.

Đây là lần giao vaccine thứ chín, thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều giữa VNVC và AstraZeneca Việt Nam, đàm phán thành công hồi tháng 11-2020.

Liên tục bảy tuần qua, kể từ ngày 9-7, mỗi tuần đều có một lô vaccine trong hợp đồng được nhập về Việt Nam. Tổng cộng VNVC đã tiếp nhận hơn 6,7 triệu liều vaccine AstraZeneca và bàn giao cho Bộ Y tế. Số vaccine này sau đó được bộ phân bổ đến các địa phương.

Cùng ngày, Bộ Y tế phê duyệt bổ sung vaccine ngừa COVID-19 Pfizer sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể, bổ sung vaccine có tên Pfizer BioNTech COVID-19, mỗi khay chứa 25 lọ, mỗi lọ sáu liều vào danh sách vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng tại Việt Nam.

Ngoài ra, hai cơ sở sản xuất cũng được bổ sung vào nội dung khoản 5 về tên cơ sở sản xuất - nước sản xuất: Pharmacia and Upjohn Company LLC. (cách viết khác là: Pharmacia & Upjohn Company LLC) - Hoa Kỳ và Hospira Incorporated (cách viết khác là: Hospira Inc.) - Hoa Kỳ.