Theo BS Nguyễn Hoài Bắc, Khoa Nam học và Y học giới tính, virus SARS-CoV-2, sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng không chỉ tấn công vào phổi gây tổn thương xơ hóa phổi, mà virus còn tấn công vào nhiều hệ cơ quan khác trong cơ thể (hệ tim mạch, hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu – sinh dục…), gây ra những tổn thương nhất định tại các cơ quan này.
(Ảnh minh họa).
Virus SARS-CoV-2 tấn công trực tiếp tới tinh hoàn hoặc gián tiếp qua cơ chế kích hoạt phản ứng viêm chống lại tinh hoàn, gây nên suy giảm chức năng sản xuất nội tiết tố testosterone và chức năng sản xuất tinh trùng, từ đó làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
Trong một nghiên cứu của Gacci và cộng sự trên mẫu tinh dịch của 43 bệnh nhân nam sau mắc COVID-19 nhận thấy, 18,6% bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch, 7% bệnh nhân thiểu tinh và 26,5% bệnh nhân có thiểu tinh và dị dạng tinh trùng.
Tương tự, Pazir và cộng sự đã nghiên cứu 24 người đàn ông sau mắc COVID-19 cho thấy, tổng số tinh trùng di động trong các mẫu tinh dịch sau mắc COVID-19 giảm đáng kể so với giá trị trước COVID-19.
Ngoài ra, người ta thấy rằng nồng độ tinh trùng giảm đáng kể và tổng khả năng di chuyển giảm đáng kể sau khi nhiễm SARS-CoV-2 ngay cả ở những người có triệu chứng nhẹ khi nhiễm COVID-19.
Theo BS Nguyễn Hoài Bắc, để biết khả năng sinh sản của người bệnh, bác sĩ sẽ lấy mẫu tinh dịch của người nam giới sau khi xuất để phân tích dưới kính hiển vi. Vì vậy, nếu quý ông có những băn khoăn, lo lắng cho những tinh binh của mình hậu COVID-19, hãy tới gặp bác sĩ để nhận được tư vấn và điều trị phù hợp.
BS cũng lưu ý, rối loạn hoạt động tình dục là một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm con, hiếm muộn ở nam giới. Vấn đề có thể dễ dàng được giải quyết bởi các bác sĩ nam khoa.
“Khi có những biểu hiện khó nói, đừng ngại ngần hãy tới nói chuyện với bác sĩ bam khoa để được thăm khám và nhận được những lời khuyên, tư vấn điều trị kịp thời”, BS Bắc khuyến cáo.