Cắt giảm, ngừng ăn tinh bột
Quan niệm này có thể bắt đầu từ sai lầm trong cách truyền thông về tác hại của tinh bột. Từ đó khiến mọi người có “ác cảm” với tinh bột
Tạp chí Tri Thức dẫn lời TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm , trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM phân tích: có 3 thứ chất dinh dưỡng được gọi là “đại dưỡng chất” sinh năng lượng cho cơ thể, đó là chất đường, chất đạm và chất béo. Trong đó, chỉ có chất đường (glucose) sinh năng lượng cho tế bào nhưng xanh, an toàn và sạch sẽ nhất. Tức khi dùng nguồn năng lượng chuyển hóa này, chúng ta không cần thải độc cơ thể.
Do đó, quyết định cắt tinh bột , ăn nhiều chất đạm để giảm cân theo cách ăn uống của nhiều người, chưa chắc là lựa chọn khoa học.
“Không ăn tinh bột, tăng đạm thì không đủ đường glucose phục vụ cho chuyển hóa bình thường của mọi tế bào trong cơ thể. Đặc biệt, sự thiếu hụt năng lượng xanh này ảnh hưởng tế bào thần kinh. Do đó, những người làm lao động trí óc, tỷ lệ tinh bột nạp vào cơ thể thấp sẽ khiến tinh thần trì trệ hơn”, chuyên gia nói.
Ăn quá nhiều rau và trái cây
Chất xơ 2 dạng là xơ không tan (thường thấy trong các loại rau lá hoặc các loại quả bầu, bí, dưa leo) và xơ hoà tan (loại chất xơ có thể hút nước và trương nở thành một dạng hỗn hợp nhầy nhầy, sệt sệt như thanh long, dưa hấu).
Ưu tiên ăn nhiều rau và trái cây vừa là ưu điểm nhưng cũng là khuyết điểm lớn trong chế độ ăn uống. Thứ nhất, ăn nhiều rau giúp bổ sung nhiều chất xơ nhưng chất xơ là chất dinh dưỡng suy nhất không vào máu và chỉ hấp thụ ở ruột, từ đó giúp kích thích nhu động ruột, chống táo bón, ức chế hấp thu đường…
Nhưng khi lượng chất xơ quá nhiều, vitamin và chất khoáng cũng không được hấp thu đủ. Do đó, chỉ ăn đủ, không ăn nhiều.
Hầu hết thường nghĩ ăn trái cây tốt, nhưng trong trái cây lại nhiều đường fructozo. Khi vào trong máu, qua gan, gan chuyển hóa, sau đó đưa ngược lại ra máu để làm tăng glucose thứ phát. Đó là lý do khoảng 2 giờ sau khi ăn trái cây thì mới tăng đường huyết.
“Khuyến nghị chung là trong khẩu phần ăn, tốt nhất là 3 phần rau thì chỉ nên 2 phần trái cây, mỗi phần tương đương 80 gram. Ngoài ra, nên chọn trái cây không ngọt, ăn luôn cả quả chứ không chỉ nên uống nước ép” , bác sĩ Yến Phi khuyến cáo.
Như vậy, tỷ lệ khuyến cáo chung trong khẩu phần ăn của người Việt là: 1 chén cơm - 2 chén rau - 2/3 chén trái cây và nửa chén chất đạm (tương đương 60-80 gram đạm).
Quá dễ dãi trong ăn uống
Chia sẻ trên báo Lao Động , bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ai cũng biết rằng, rất nhiều bệnh tật từ miệng mà ra. Tuy vậy, rất nhiều người đang chỉ biết rằng "thích là được, ngon miệng là ok”. Chính lối suy nghĩ đó sẽ “bắt” những người ấy phải trả giá bằng sức khoẻ .
Trà đá, nhân trần vỉa hè, tương ớt, xì dầu không rõ nguồn gốc, quẩy, hành phi ở quán, lẩu vỉa hè, rượu cuốc lủi, lạp xưởng, sườn & thịt xiên nướng, chân gà tẩm ướp nướng, tiết canh, các loại gỏi.....
Đó chính là nguyên nhân gây ngộ độc, tiêu chảy, suy gan thận cấp tính, sán lá gan (thậm chí sán trong não, sán trong cột sống), ung thư đường tiêu hoá, ung thư gan.
Vậy nên, chỉ dùng những gia vị thiên nhiên như ớt tươi, tỏi, chanh, dấm, tiêu nguyên hạt, các loại rau thơm tươi.. trong bữa ăn hằng ngày. Những gia vị khác nếu tự làm hoặc biết rõ nguồn gốc, hãy sử dụng.
Nghiện bia rượu mà không hề hay biết
Nhiều người "thèm muốn" ngồi tụ tập bạn bè mỗi ngày và lấy cớ để nhậu.
"Thêm nữa, đó là “tệ nạn” hút thuốc lá. Hình ảnh quen thuộc hiện nay, khi rượu vào, thuốc lá sẽ phì phèo, vậy là ta “đẳng cấp” - bác sĩ Khánh ngao ngán.
Thực tế, tác hại của thuốc lá tăng lên rất nhiều lần khi dùng cùng rượu, bia.
"Với thể hình thấp bé, ăn uống vô tổ chức, không tập thể dục… thanh niên chúng ta chỉ còn là nô lệ cho bia rượu mà thôi. Nhiều thanh niên mới 30-35 tuổi nhưng khi gặp bác sĩ không thể nhận ra. Hàm răng vàng do khói thuốc, mái tóc xơ cứng, da nhăn lưng gù cơ nhão, thần thái sức sống không còn… Tất cả cùng vì ăn nhậu phá sức, sống quá dễ dãi với bản thân mình, anh chị ạ. Nhìn vào đó, chúng ta mong đợi điều gì tốt đẹp ở tương lai?" - bác sĩ Khánh khuyến cáo.
Ăn quá nhiều đạm
Cơ thể người có thể tạm chia thành 4 khối chính, gồm: khối nước, khối xương, khối mỡ, và khối nạc. Khối nạc chính là khối cấu trúc protein của cơ thể.
Acid amin được cung cấp từ thức ăn, nhưng toàn bộ protein trong cơ thể con người là do chính những tế bào của con người tổng hợp. Do đó, không phải cứ ăn nhiều protein, chất đạm thì cơ thể sẽ tăng cơ.
“Khi ăn khẩu phần giàu protein cao mà muốn xây dựng khối cơ thì phải tăng cường vận động và ăn đủ bột đường. Nếu chỉ ăn chất đạm, không ăn bột đường mà chỉ vận động thì cơ thể chắc chắn sẽ lấy nguồn năng lượng xanh có sẵn ”, chuyên gia nói thêm.
Bác sĩ Yến Phi nhấn mạnh khẩu phần ăn của đa số mọi người hiện nay là ưu tiên nguồn chất đạm cao. Thực tế, tỷ lệ 12-15% đạm đối khẩu phần ăn là phù hợp, đối với người thường xuyên vận động có thể tăng 25%.