Theo Kênh Dân sinh Hà Nam, ông Vương mới đây đến bệnh viện điều trị chứng mất ngủ. Ông tin rằng tình trạng của mình bắt nguồn từ một sự việc xảy ra cách đây 32 năm, khi ông bị sếp đổ lỗi sai.
"Đó không phải lỗi của tôi, nhưng sếp vẫn phạt nên tôi rất buồn về chuyện này từ đó đến giờ, ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần", người đàn ông nói với bác sĩ, kể rằng từ đó phải dùng thuốc mới ngủ được, trí nhớ kém đi, hay bị chóng mặt và đau đầu.
Trong nhiều năm, ông Vương đi khám tại 6 bệnh viện, thuốc được kê đơn chỉ giúp giảm bớt phần nào triệu chứng. Cuối cùng, ông tìm đến liệu pháp châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Nam. Bác sĩ Ngưu Triều Dương châm cứu vào nhiều huyệt vị trên não của ông Vương. Bác sĩ nhận định nhiều năm mất ngủ và trầm cảm đã góp phần gây ra bệnh Parkinson cho người đàn ông này.
Parkinson là một bệnh thoái hóa não, đặc trưng bởi tình trạng run rẩy, cử động chậm chạp và các vấn đề về thăng bằng, chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Bệnh xảy ra do mất các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong não, chịu ảnh hưởng của những thay đổi di truyền và yếu tố môi trường. Hiện bệnh chưa có cách chữa khỏi.
Tính đến năm 2023, có khoảng 9 triệu bệnh nhân Parkinson trên toàn thế giới. Phương pháp điều trị bệnh Parkinson chủ yếu bao gồm thuốc và phẫu thuật.
Bác sĩ Tôn Lâm Quyên, Bệnh viện Tây Viên thuộc Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của y học cổ truyền, cho rằng các bài tập trị liệu như thái cực quyền có thể giúp bệnh nhân Parkinson rèn luyện sức khỏe. Bác sĩ Ngưu khuyên ông Vương nên tránh căng thẳng trước khi đi ngủ. Ông Vương đã quyết định buông bỏ sự oán giận và tuân thủ phác đồ châm cứu.
Sau hơn 20 ngày điều trị, ông Vương cho biết đã có thể ngủ được vài tiếng mỗi ngày mà không cần dùng thuốc và nhận thấy tình trạng sức khỏe được cải thiện.
Câu chuyện của ông Vương gây ra nhiều tranh cãi trên Weibo. Một người bình luận: "Thật không đáng. Người đàn ông này đã tự hành hạ mình 32 năm vì lỗi lầm của sếp". Người khác nhận xét: "Mở rộng tư duy rất quan trọng, nếu không, cơn giận cuối cùng sẽ làm hại chính cơ thể bạn".
Đây không phải lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc ghi nhận bệnh nhân căng thẳng ở nơi làm việc dẫn đến bệnh tật về thể chất. Tháng 2 năm ngoái, một phụ nữ ở miền nam nước này được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng sau một tháng làm việc tăng ca liên tục.