Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cho biết, mới đây, các bác sĩ đơn vị này đã tiếp nhận trường hợp trẻ sốc phản vệ sau ăn trứng gà.
Theo đó, bệnh nhân là bé Đ.K.A, 6 tháng tuổi. Người nhà bệnh nhi cho biết, sau khoảng 30 phút ăn lòng đỏ trứng gà, trẻ bị nổi ban đỏ ở mặt và bụng, quấy khóc nên được đưa đi cấp cứu. Trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, kích thích, nổi ban đỏ toàn thân, phù nề mắt, mạch nhanh, huyết áp không đo được.
Trẻ bị dị ứng sau khi ăn trứng gà. Ảnh minh họa
Sau khi tiếp nhận và thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp sốc phản vệ – một tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời.
Ngay lập tức, bệnh nhi được hồi sức, điều trị theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ. Sau 12 giờ được điều trị tích cực, trẻ đã qua khỏi tình trạng nguy kịch. Sau 2 ngày, trẻ ổn định và được xuất viện.
Thận trọng tình trạng dị ứng, sốc phản vệ khi ăn trứng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng gà là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến và quen thuộc với mọi người. Trứng gà chứa nhiều acid amin cần thiết và là nguồn cung cấp chất đạm rất tốt cho cơ thể.
Lòng đỏ là thành phần quan trọng nhất của trứng. Trong 100 gam có protein 13,6 gam; lipid 29,8 gam; 134 mg canxi; sắt 7.0 mg; kẽm 3.7 mg; folat 146 μmg; vitamin A 960 μg; cholesterol 2000mg và có rất nhiều các vitamin và khoáng chất khác.
Trứng gà tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, nếu lạm dụng ăn quá nhiều cũng sẽ gây ra những tác hại không mong muốn. Bên cạnh đó, với một số người, nhất là đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trứng có thể gây ra tình trạng dị ứng, thậm chí sốc phản vệ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trứng gà bao gồm vỏ, lòng trắng (khoảng 56-65%) và lòng đỏ (27-35%), trong đó, vỏ trứng không gây dị ứng. Nguồn gây dị ứng chính của trứng là lòng trắng trứng.
Trên thực tế, trẻ nhỏ bị dị ứng, sốc phản vệ sau ăn trứng cũng như một số loại thức ăn khác như: tôm, cua, nhộng tằm... không phải hiếm gặp. Tùy vào mức độ mỗi bệnh nhân có các biểu hiện khác nhau như nổi ban dị ứng ngoài da, nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng, khó thở, nặng nhất là sốc phản vệ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khi bắt đầu cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh ăn trứng gà, nên cho trẻ ăn thử với lượng nhỏ để xem phản ứng của cơ thể trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường sau khi ăn trứng hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng xấu có thể xảy ra.
Ai nên hạn chế ăn trứng gà?
Theo các chuyên gia, trứng gà tốt nhưng cần lưu ý khi ăn để tránh gây hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, người đang bị sốt ăn trứng gà sẽ khiến nhiệt lượng của cơ thể tăng cao hơn hoặc người bị tiêu chảy ăn trứng sẽ khiến dạ dày bị rối loạn, gây ra khó tiêu và khiến cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, với những người mắc bệnh tiểu đường, nếu ăn nhiều trứng gà sẽ dẫn đến hiện tượng kháng insulin, tăng cholesterol trong máu. Điều này làm tăng nguy cơ gây ra các biến chứng tiểu đường.
Ngoài ra, người bị bệnh gan ăn nhiều trứng sẽ gây tổn hại cho gan. Người bị béo phì, huyết áp cao, các bệnh về tim mạch cũng nên hạn chế ăn trứng gà.
Đặc biệt, người có cơ địa dị ứng với trứng gà tốt nhất không nên ăn các món chế biến từ trứng. Cùng với đó, cần chú ý các thức ăn bán sẵn có thể có chứa trứng: bánh bông lan, súp, kem... để tránh ăn phải, gây hại cho sức khỏe.
Ăn trứng như thế nào để tốt cho sức khỏe? - Với trẻ nhỏ dưới 5-6 tháng, một tuần chỉ nên ăn 3 lần, mỗi lần một nửa lòng đỏ trứng gà dưới dạng nhuyễn như nấu bột hay nấu cháo. - Với trẻ trên 7 tháng mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà. - Với trẻ từ 8 - 9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà - Với trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng và mỗi bữa ăn 1 quả - Với trẻ từ 1 - 2 tuổi ăn từ 3 - 4 quả/tuần - Với người lớn, một tuần chỉ nên ăn 3-4 lần trứng gà. |