Ung thư phổi hiện đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu. Theo báo cáo của Globocan năm 2022, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và 22.597 ca tử vong do căn bệnh này. Đáng chú ý, ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu do ung thư ở cả nam và nữ tại Việt Nam.
Có hai loại ung thư phổi chính: ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 20%) và ung thư không tế bào nhỏ (chiếm khoảng 80%). Trong đó, ung thư phổi tế bào nhỏ thường tiến triển nhanh hơn.
(Ảnh minh họa).
Nguyên nhân gây ung thư phổi
Theo các nghiên cứu, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc. Đặc biệt, những người có yếu tố di truyền cũng có nguy cơ cao hơn nếu họ hút thuốc. Vì vậy, việc từ bỏ thuốc lá có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc ung thư phổi.
Ngoài thuốc lá, còn nhiều nguyên nhân khác gây ung thư, trong đó có việc tiếp xúc với tia phóng xạ và các hóa chất độc hại trong môi trường ô nhiễm. Một trong những yếu tố đáng chú ý là amiăng (asbestos), thường được đề cập trong các nghiên cứu y học.
Triệu chứng của ung thư phổi
Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như:
- Ho (có thể ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu)
- Đau tức ngực, khó thở, khàn tiếng
- Sút cân, đau mỏi cơ thể
- Phù mặt, cổ và ngực do tĩnh mạch lớn trong lồng ngực bị chèn ép
Nếu khối u phát triển ở đỉnh phổi, bệnh nhân có thể trải qua cảm giác đau ở tay, vai và cổ. Ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã di căn đến xương, gan hoặc não, các triệu chứng có thể bao gồm đau nhức xương, đau bụng, đau đầu, lẫn lộn và yếu tay chân. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân bệnh lý khác. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán ung thư phổi
Chẩn đoán ung thư phổi thường được thực hiện thông qua một số phương pháp chính bao gồm: chụp X-quang phổi, chụp PET Scan và nội soi phế quản kết hợp sinh thiết.
Chụp X-quang phổi cung cấp hình ảnh hai chiều của phổi, giúp phát hiện các bất thường. Trong khi đó, chụp PET Scan sử dụng chất phóng xạ để xác định sự hiện diện của tế bào ung thư. Còn nội soi phế quản cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp và lấy mẫu mô từ khối u để tiến hành xét nghiệm.
Điều trị ung thư phổi
Có ba phương pháp chính để điều trị ung thư phổi: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp sẽ dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn bệnh, loại ung thư, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Phẫu thuật: Thường áp dụng cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm, khi khối u còn khu trú. Phẫu thuật có thể là mổ mở hoặc nội soi, cắt một phần hoặc toàn bộ phổi.
- Xạ trị: Sử dụng tia bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Hóa trị: Có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, rụng tóc và giảm bạch cầu. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hỗ trợ để kiểm soát các tác dụng phụ này.
Ngoài ra, còn có các phương pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch, giúp tác động trực tiếp đến tế bào ung thư mà ít gây ảnh hưởng đến tế bào lành.
Phòng ngừa ung thư phổi
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính gây ung thư phổi và có thể phòng ngừa được là thuốc lá. Vì vậy, biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa căn bệnh này là không hút thuốc. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy ngừng ngay lập tức.