Cuộc đua tìm thuốc trị virus SARS-CoV-2
Chloroquine là một chất gốc quinine được người Đức tổng hợp ra vào những năm 1930. Khởi đầu thuốc được dùng điều trị bệnh sốt rét, tuy nhiên trong quá trình sử dụng người ta dần phát hiện ra những tính chất mới của nó do vậy đã có những chỉ định điều trị mới ra đời.
Hydroxychloroquine là một hợp chất mới có tác dụng giống chloroquine nhưng ít độc tính hơn, nhiều chỉ định điều trị sốt rét, viêm khớp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ bì, Sarcoidosis, một số bệnh da do ánh sáng... Tuy nhiên ở mỗi loại bệnh thì cần dùng ở một liều lượng, cách dùng và thời gian dùng khác nhau.
Lo ngại nếu người dân mua Chloroquine về dự phòng Covid -19.
Từ sau các vụ dịch SARS (2003) và MERS Cov (2009) các hãng dược phẩm đua nhau tìm kiếm thuốc đặc trị coronavirus. Mục tiêu các thuốc tác động lên virus cũng rất khác nhau, có thuốc nhằm ngăn cản virus chui vào tế bào, có thuốc ngăn cản sự sao chép ngược của chuỗi RNA, có thuốc nhằm ngăn cản sự hình thành vỏ của virus... Đáng buồn là chưa có loại thuốc hữu hiệu nào được tìm ra.
Covid-19 bùng phát và lan nhanh trở thành đại dịch toàn cầu trong một thời gian ngắn. Tầm ảnh hưởng tới sức khỏe con người và kinh tế xã hội lớn như thế nào thì chắc không cần phải bàn tới. Số người mắc bệnh, tử vong và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh thúc đẩy các quốc gia, các nhà nghiên cứu phải gấp rút tìm ra vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu cho loại virus quái ác này.
Thời gian quá gấp rút vì vậy con đường ngắn nhất cho các nhà nghiên cứu là tầm soát lại những loại thuốc đã được sử dụng một thời gian dài, có bằng chứng về sự an toàn khi sử dụng và có hoạt tính ngăn ngừa tiêu diệt được virus.
Do vậy một loạt các loại thuốc như Remdesivir (thuốc điều trị Ebola, SARS), Lopinavir/Ritonavir và Darunavir (thuốc diều trị HIV), Favipiravir (thuốc điều trị cúm)… và cả Chloroquine/Hydroxychloroquine được các nhà nghiên cứu chọn lựa để thử nghiệm điều trị SARS-Cov 2.
Cuộc chạy đua với thời gian để tìm ra một loại thuốc hiệu quả, nhất đáng tin nhất vẫn đang diễn ra chưa phân thắng bại, mỗi loại thuốc đều có ưu và nhược điểm. Riêng về Hydroxychloroquin, đã có một số kết luận ban đầu gồm:
1. Hydroxychloroquin có tác dụng ức chế sự phát triển của virus (trong ống nghiệm) gấp 3 lần so với chloroquin (ở liều thử nghiệm).
2. Hydroxychloroquin có tác dụng kháng viêm khá tốt và làm giảm phóng thích các hoạt chất trung gian (cytokins) do vậy rất có thể có tác dụng tốt cho việc ngăn chặn tiến trình tổn thương phổi dẫn tới suy hô hấp (hay các cơ quan nội tạng) và ngăn chặn diễn tiến tới sốc ở những bệnh nhân nặng.
3. Liều điều trị thích hợp trên người cần kiểm chứng thêm.
Mặc dù vào thời điểm này chưa xác định chính xác được loại thuốc điều trị hữu hiệu nhất. Tuy nhiên mỗi ngày đều có những báo cáo kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và hy vọng rằng chúng ta sẽ có vũ khí hữu hiệu chống lại dịch bệnh này trong một ngày không xa.
Trong thời gian chờ đợi dù chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh tuy nhiên chúng ta cũng không phải quá lo lắng.
Tính đến ngày 20/3/2020 chúng ta có đến gần 92.000 người khỏi bệnh mà trong số đó không ít những người lớn tuổi, mắc bệnh nặng phải thở máy. Phần lớn những người khỏi bệnh chỉ được dùng các biện pháp điều trị hỗ trợ mà không có thuốc điều trị đặc hiệu, còn riêng tại Việt Nam ta chưa có trường hợp nào tử vong.
Covid -19 tăng nhanh trên thế giới nhưng người dân tuyệt đối không nên mua thuốc dự phòng.
Điều này cũng chứng minh được rằng với số lượng người mắc bệnh không nhiều, tình trạng quá tải không gây áp lực lớn lên ngành y tế thì người bệnh vẫn có đường điều trị bất chấp việc không có thuốc điều trị đặc hiệu.
6 điều cần biết về Chloroquine
Mấy ngày nay tôi nghe thông tin người dân lại đổ xô đi tìm mua thuốc Hydroxychloroquin gây ra tình trạng thuốc khan hiếm ảo, giá thuốc tăng vọt. Một sự ngạc nhiên cho y bác sĩ chúng tôi.
Thay vì phân tích lợi hại này kia, tôi xin chỉ đặt ra một số vấn đề để chúng ta cùng xem xét có nên mua thuốc tích trữ hay không
Thứ nhất: Các bạn mua thuốc rồi có biết uống thuốc theo liều lượng nào để chữa bệnh Covid này không? Có biết những người nào tuyệt đối không được dùng thuốc không? Có biết tác dụng phụ nào đáng ngại nhất và cách theo dõi nó không?
Thứ hai: Có cần phối hợp thuốc này với những loại thuốc nào để có hiệu quả không? Nếu cần, thuốc đó là gì, liều lượng thuốc khi phối hợp như thế nào?
Thứ ba: Uống thuốc rồi thì theo dõi bằng cách nào để đánh giá là đã hết virus, là có thể tung tăng với người thân, bạn bè mà không sợ sẽ lây bệnh cho họ?
Thứ tư: Thuốc này Việt Nam có thể sản xuất hàng loạt, có sợ bị hết hàng không?
Thứ năm: Khi bạn đã được xác định là dương tính với virus corona, bạn sẽ vào bệnh viện điều trị hay tự điều trị tại nhà mà cần lưu trữ thuốc?
Thứ sáu: Trong quá khứ đã có rất nhiều người đổ xô đi tìm mua Tamiflu (có khi với giá cắt cổ) để sẵng sàng điều trị tại nhà. Kết quả là các bạn cũng thấy, bệnh viện thì không thiếu thuốc cho người dân còn những người đã mua thuốc thì chắc sau đó đem vứt hết.