Tự điều trị kháng sinh khi mắc bệnh lý này: Nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn làm

Tiểu buốt, tiểu rát là một bệnh lý phổ biến ở người trưởng thành. Mặc dù vậy, vẫn nhiều người mắc những sai lầm trong quá trình điều trị khiến bệnh không hề thuyên giảm mà còn có xu hướng nặng hơn.

Theo bác sĩ chuyên môn khoa Ngoại - Tiết niệu Hồ Nguyên Trường, tiểu buốt tiểu rát là một trong những triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Ước tính cho thấy 50-60% nữ giới sẽ mắc nhiễm trùng đường tiểu ít nhất 1 lần trong đời, trong khi đó ở nam giới tỷ lệ này là khoảng 12%.

Chính vì mức độ phổ biến của bệnh và trong tình trạng quản lý kháng sinh chưa được chặt chẽ như ở Việt Nam nên dễ dẫn đến tình trạng tự mua thuốc điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng tùy tiện kháng sinh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả của việc tự điều trị tiểu buốt, tiểu rát bằng kháng sinh

1. Gia tăng tình trạng kháng thuốc:

Có một sự thật là cho đến nay việc quản lý thuốc kháng sinh theo đơn vẫn chưa được kiểm soát tốt ở Việt Nam. Vì vậy việc tiếp cận các loại thuốc kháng sinh khác nhau vẫn rất dễ dàng cho tất cả mọi người.

BÁC SĨ HỒ NGUYÊN TRƯỜNG

Tác giả bài viết

  • 2019 - nay: Bác sĩ làm việc ở BV Đà Nẵng - Khoa Ngoại - Tiết niệu

  • 2023 - nay: Bác sĩ chuyên môn - Saigon Medicine

Trong khi đó một điểm cần lưu ý đó là có rất nhiều chủng vi khuẩn gây ra bệnh lý viêm nhiễm đường niệu dục cho nên nếu tự điều trị một cách mù mờ thì dễ dẫn đến hiệu quả không cao, gây tốn kém và nguy hiểm hơn sẽ tạo nên những chủng vi khuẩn kháng kháng sinh theo chọn lọc tự nhiên.

Năm 2020, WHO đã cảnh báo về tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam. Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ kháng thuốc của E.Coli (tác nhân phổ biến gây viêm đường tiểu) là từ 42 đến 84%. Trong đó đề kháng nhiều nhất là đối với Ampicillin, một nhóm thuốc vô cùng phổ biến và dễ mua với tất cả mọi người.

2. Nguy cơ dị ứng và tác dụng phụ

Một số người có nguy cơ dị ứng thuốc rất cao, với những biểu hiện của dị ứng kháng sinh rất đa dạng tuỳ theo loại và mức độ nghiêm trọng của phản ứng. Những phản ứng thường gặp là ban sẩn trên da, nổi mày đay và ngứa. Trường hợp nặng là sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Các phản ứng dị ứng này thường xuất hiện sau vài phút đến một giờ, một số phản ứng muộn sau vài ngày sau khi sử dụng thuốc kháng sinh.

Bên cạnh đó, tác dụng phụ cũng là yếu tố mà chúng ta phải tính tới khi sử dụng. Chẳng hạn kháng sinh nhóm Quinolones vốn sử dụng rất phổ biến trong điều trị nhiễm trùng đường tiểu có nguy cơ gây rối loạn nhịp tim. Nếu phát hiện có bất kỳ các triệu chứng nào được liệt kê bên trên, bạn nên ngừng sử dụng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để kiểm soát kịp thời tình trạng dị ứng.

Tự điều trị kháng sinh khi mắc bệnh lý này: Nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn làm - Ảnh 2.

3. Nguy cơ biến chứng nặng vì chẩn đoán sai

Đa phần bệnh nhân tự chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu là xuất phát từ những triệu chứng khá phổ biến như tiểu buốt, tiểu rát, tiểu gấp có thể kèm theo có hoặc không đau bụng dưới. Tuy nhiên đây có thể là triệu chứng ban đầu của những bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như sỏi đường tiết niệu, bàng quang tăng hoạt hay nghiêm trọng hơn là những khối u đường niệu.

Chính vì vậy việc tự điều trị mà không được tham vấn bởi các chuyên gia y tế sẽ có thể làm trì hoãn chẩn đoán chính xác và có thể gây ra những biến chứng nặng nề hơn sau này.

4. Nguy cơ điều trị không khỏi, dễ tái phát

Đặc trưng của đa phần các nhiễm trùng niệu là các triệu chứng thường lui nhanh nếu đáp ứng tốt với kháng sinh được sử dụng. Do đó, người bệnh dễ có tâm lý chủ quan, có trường hợp chỉ điều trị 1,2 ngày đã tự ý ngưng thuốc. Điều này vô hình chung tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trở lại, một số trường hợp phát sinh chủng kháng thuốc và dễ tái phát sau này.

Cần làm gì khi có hiện tượng tiểu buốt, tiểu rát

Bác sĩ Trường cho biết, để có thể chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị thích hợp, bạn nên đến thăm khám tại các phòng khám chuyên ngành Tiết niệu. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:

Tự điều trị kháng sinh khi mắc bệnh lý này: Nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn làm - Ảnh 3.

- Uống đủ nước để đảm bảo đạt được 1,5 - 2l nước tiểu mỗi ngày.

- Luôn luôn lau khăn giấy sau khi đi vệ sinh theo chiều từ phía trước ra sau để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ vùng hậu môn sang vùng sinh dục.

- Tiểu trước và sau quan hệ tình dục để giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập. Không nên nín tiểu, tiểu ngay khi có dấu hiệu mắc tiểu.

- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ cho luôn khô thoáng, thay băng vệ sinh thường xuyên khi đến kỳ kinh nguyệt.

- Không mặc quần lót ẩm ướt.

- Hạn chế sử dụng dung dịch vệ sinh dễ gây kích ứng, có chứa chất tẩy rửa mạnh.

- Chế độ dinh dưỡng nhiều rau củ quả tươi, đủ các nhóm chất khác nhau.

- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.