Phân là sản phẩm cuối cùng của quá trình tiêu hóa, được thải ra qua đường hậu môn của người và động vật. Nó được hình thành từ thức ăn thừa hoặc những chất cặn bã có hại, sau khi được ruột xử lý.
Dù ai cũng ngại ngùng khi nhắc đến phân, nhưng thực tế màu sắc của nó có thể giúp cảnh báo bệnh tật trong cơ thể rất hiệu quả.
Đi vệ sinh xong nên nán lại nhìn... phân bởi nó có thể cảnh báo sớm nhiều bệnh trong người
Sau khi đi vệ sinh, bạn hãy tự kiểm tra sức khỏe bằng cách nhìn phân của chính mình, nếu nó có những màu sau đây thì cần phải cảnh giác:
- Phân màu trắng: Bệnh về túi mật.
- Phân màu vàng: Viêm tụy hoặc ống dẫn mật bị tắc nghẽn.
- Phân màu đen: Chảy máu đường tiêu hóa.
- Phân màu đỏ: Dấu hiệu bệnh trĩ, viêm loét đại tràng.
- Phân màu xanh lá: Cơ thể dư thừa sắt.
Cụ thể như sau:
1. Phân màu trắng: Bệnh về túi mật
Đi ngoài ra phân màu trắng thường do thiếu hụt mật hoặc do các vấn đề liên quan đến gan và túi mật, bởi vì đây là những cơ quan sản xuất và lưu trữ mật. Lấy ví dụ, nếu bạn đang mắc bệnh sỏi mật thì sỏi sẽ chặn ống dẫn mật, gây viêm và tổn thương túi mật. Khi đó mật sẽ quay lại gan và làm phân đổi thành màu trắng, khiến bệnh nhân bị đau bụng, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt và vàng da.
Đau bụng dài ngày là tín hiệu báo trước của rất nhiều bệnh đường ruột nguy hiểm
Theo tiến sĩ Monica Borka, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa của Đại học NorthShore (Mỹ), màu trắng ở phân cũng là dấu hiệu sớm của bệnh Crohn (viêm ruột xuyên thành mãn tính). Do đó, bạn phải đi khám ngay lập tức nếu phân có màu sáng bất thường, hoặc nếu đau nhức ở vùng bụng trên rốn.
2. Phân màu vàng: Viêm tụy hoặc ống dẫn mật bị tắc nghẽn
Màu vàng của phân là dấu hiệu cho thấy ống dẫn mật bị tắc nghẽn hoặc viêm tuyến tụy. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh bạn đang tiêu thụ quá nhiều chất béo, khiến túi mật không thể chuyển hóa hết nên phải đào thải ra. Phân vàng còn có thể là do thiếu các enzyme sản xuất bởi tuyến tụy, hoặc là bệnh Celiac (không dung nạp gluten) và xơ nang.
Tuy nhiên, phân màu vàng cũng thường xuất hiện khi bạn ăn quá nhiều cà rốt hoặc uống những loại nước có màu vàng. Nếu loại trừ hết nguyên nhân do thực phẩm mà phân vẫn có màu vàng bất thường, hãy cẩn trọng trước những căn bệnh trên và đến bệnh viện thăm khám sớm.
3. Phân màu đen: Chảy máu đường tiêu hóa
Phân màu đen là một tín hiệu cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe, nguyên nhân do chảy máu thực quản, dạ dày hoặc ruột non gây nên. Phân thường có mùi hôi thối và hình dạng như bã cà phê. Nếu bạn mắc phải trường hợp này thì phải nhanh chóng đi khám.
Nếu thấy phân màu đen sau khi đi vệ sinh xong thì phải cảnh giác, cần đi khám ngay
Ngoài ra, phân đen có thể là do bạn ăn thực phẩm màu đen và xanh như quả việt quất hoặc cam thảo… Những người ăn nhiều tiết canh hoặc uống rượu cũng hay xuất hiện tình trạng này.
4. Phân màu đỏ: Dấu hiệu bệnh trĩ, viêm loét đại tràng
Nguyên nhân làm màu phân chuyển thành màu đỏ có thể vì bạn đã ăn củ cải đường, cà chua hoặc những loại thức uống có màu đỏ. Tuy nhiên, nếu thực phẩm không phải là tác nhân mà phân vẫn xuất hiện những đốm đỏ tươi, hoặc kèm dải máu thì cần phải cảnh giác cao độ.
Cụ thể, phân màu đỏ là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị nứt hậu môn, viêm loét đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, bệnh trĩ… hoặc nặng nhất là ung thư đại tràng. Lúc này trong đường ruột và hậu môn đang bị chảy máu hoặc có khối u, khiến máu bị dính vào phân tạo thành màu đỏ.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bạn cần phải đi khám ngay nếu xuất hiện thêm các triệu chứng khác như thay đổi thói quen đi tiêu (tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài), đau bụng và sụt cân.
5. Phân màu xanh lá: Cơ thể dư thừa sắt
Nếu phân có màu xanh lá thì bạn không phải lo lắng gì nhiều, bởi nguyên nhân gây ra là do bạn ăn nhiều rau củ giàu chất diệp lục, các thực phẩm có màu xanh lá hoặc do phản ứng phụ của việc bổ sung quá nhiều chất sắt.
Tuy nhiên, nếu thực phẩm không phải là lý do thì rất có thể là do phân của bạn đi qua đường tiêu hóa quá nhanh, chúng không đủ thời gian để có đủ mật và lượng sắc tố bilirubin tạo nên màu vàng sẫm như bình thường.
Nếu xuất hiện thêm những bất thường sau, bạn cần phải đi khám ngay
- Mỗi lần đi ngoài phải gắng sức nhiều, đi lâu hơn 10 - 15 phút.
- Đi ngoài hơn 3 lần/ngày hoặc ít hơn 3 lần/tuần.
- Phân xuất hiện màu đỏ, đen hoặc trắng như đã nói ở trên.
- Tiêu chảy dài ngày hoặc phân rất cứng, khô và khó ra.
Theo Bright Side, Medical News Today