Hiện nay, đau dạ dày là vấn đề khá phổ biến ở đường tiêu hóa mà cả người già và người trẻ đều mắc phải, nó gây ra những cơn đau âm ỉ kèm chứng khó tiêu, buồn nôn, đầy bụng… đeo bám từng ngày khiến cơ thể suy kiệt. Hầu như nguyên nhân của bệnh dạ dày đều do chế độ ăn uống phản khoa học, lạm dụng đồ có tính kích thích hoặc ăn phải thực phẩm không hợp vệ sinh.
Đau dạ dày có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến bạn mệt mỏi dài ngày
Hầu như chẳng ai muốn bị đau dạ dày vì nó gây gián đoạn công việc, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, dù cẩn thận tới đâu thì nhiều người cũng đang vô tình "rước bệnh vào thân" chỉ vì ăn quá nhiều 5 thực phẩm này, hầu như tủ lạnh nhà nào cũng có vài món nhưng chẳng ai hay:
- Súp lơ, bông cải xanh.
- Nước giải khát có ga.
- Trái cây có vị chua.
- Sữa.
- Nước sốt cà chua.
Cụ thể như sau:
1. Súp lơ, bông cải xanh
Tuy cả hai đều thuộc họ cải và có vẻ ngoài giống nhau, nhưng súp lơ và bông cải xanh là những loài tách biệt. Chúng có cấu trúc hoa phình to ra nhưng ở súp lơ thì phần này lại mềm hơn hẳn so với bông cải xanh. Về giá trị dinh dưỡng, cả hai gần như ngang ngửa, mỗi loại đều sở hữu những thế mạnh riêng cho bản thân.
Nhìn chung, hai loại rau này đều là những thực phẩm lành mạnh, cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Chúng giàu chất xơ và vitamin cần thiết có thể cải thiện hệ tim mạch, ngừa ung thư và cân bằng lại lượng đường trong máu. Chưa kể súp lơ và bông cải xanh đều chứa ít calo nên khiến bạn mau no, giúp giảm cân trông thấy.
Tuy có lợi cho sức khỏe nhưng đừng vì vậy mà ăn nhiều súp lơ và bông cải xanh
Dù tốt là thế nhưng không phải cứ ăn nhiều súp lơ và bông cải xanh là có lợi. Theo Lauren Harris-Pincus - chuyên gia dinh dưỡng, tác giả cuốn sách The Protein-Packed Breakfast Club chia sẻ, súp lơ chứa carbohydrate tiêu hóa là raffinose, dễ gây đau dạ dày ở những người có hệ tiêu hóa yếu. Còn ở bông cải xanh, nó cũng chứa một carbs là oligosaccharides mà con người không thể tiêu hóa, nếu ăn nhiều sẽ làm đường ruột suy yếu và rối loạn.
Mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa 160g súp lơ hoặc bông cải xanh, với những người đang có bệnh đường ruột thì hạn chế lại kẻo bệnh nặng thêm.
2. Các loại trái cây có vị chua
Cũng vì nắng nóng kéo dài, nhiều gia đình đã mua thêm cam, bưởi, chanh, me… để về ướp lạnh ăn cho mát. Các loại trái cây này luôn được các chuyên gia đánh giá là tốt cho sức khỏe, cung cấp nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giữ cho làn da phụ nữ luôn mịn màng, căng tràn sức sống.
Chúng cũng giúp giảm cân, nhưng không phải vì thế mà lạm dụng được. Cụ thể, tính axit của chúng sẽ bào mòn dạ dày và gây bệnh dạ dày nếu ăn quá nhiều. Tốt nhất là tránh ăn hoặc ăn trái cây chua với một lượng vừa phải khi dạ dày đang gặp vấn đề.
3. Nước giải khát có ga
Trong những ngày hè nắng nóng, có lẽ nước giải khát có ga là đồ uống không thể thiếu trên mâm cơm hay bàn tiệc của nhiều người. Tuy nhiên, loại đồ uống này chưa bao giờ được đánh giá là tốt cho sức khỏe cả.
Trời nắng nóng ai cũng uống nhiều nước giải khát mà không biết nó hại thế nào
Uống nhiều nước ngọt có ga chứa một lượng đường lớn có thể làm tăng cân, dẫn đến hiện tượng kháng insulin - nguyên nhân gây tiểu đường, cao huyết áp, béo bụng… Ông Lauren cũng cho biết, loại nước này sẽ giải phóng carbon dioxide làm đầy hơi và gây đau dạ dày nếu uống quá nhiều.
Vào mùa nóng dù thèm đến mấy, bạn cũng nên hạn chế uống nước có ga. Thay vào đó, hãy đổi sang uống nước lọc, nước chanh đá hay các loại nước trái cây nguyên chất để giải khát mà không lo ảnh hưởng đến sức khỏe.
4. Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa luôn là thực phẩm bồi bổ sức khỏe cho mọi nhà, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bạn sẽ dễ bị đau dạ dày, khó tiêu và mệt mỏi nếu thuộc nhóm người mắc hội chứng không dung nạp lactose (một loại đường có trong sữa). Hiện nay trên thế giới có đến 65% dân số mắc phải tình trạng này. Vậy nên nếu bạn bị đau bụng, tiêu chảy khi uống sữa hoặc dùng các chế phẩm từ nó thì phải tránh xa càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, người khỏe mạnh cũng không nên uống sữa khi bụng đói vì lúc này dạ dày đang co bóp mạnh, sữa bị đẩy xuống ruột do chưa tiêu hóa hết và gây rối loạn đường ruột.
5. Nước sốt cà chua
Nhiều gia đình rất thích ăn các món sốt, đặc biệt là sốt cà chua. Chỉ với một chén nước sốt cà chua, bạn đã cung cấp cho cơ thể 1/4 lượng vitamin A và 1/2 vitamin C được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày. Nó cũng giàu chất chống oxy hóa lycopene và chất xơ có lợi cho sức khỏe.
Tuy có nhiều công dụng vậy nhưng bạn cũng đừng lạm dụng sốt cà chua, đặc biệt là những người đang có bệnh về tiêu hóa. Theo chuyên gia dinh dưỡng Kelly Jones, chủ trang web sức khỏe kellyjonesnutrition, trong loại nước sốt này chứa natri có vị chua nên ăn quá nhiều sẽ gây đau và trào ngược dạ dày, hệt như trường hợp của các loại trái cây vị chua.
Cần làm gì khi bị đau dạ dày dài ngày?
Các chuyên gia cho biết, đau dạ dày rất khó điều trị vì nó liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như chế độ ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ hay mức độ căng thẳng… Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một vài cách sau để "đánh bay" chứng đau dạ dày mà không phải dùng thuốc:
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đúng giờ đúng bữa, không ăn cay và ăn chua, hạn chế uống rượu bia, nhai kỹ nuốt chậm để làm giảm gánh nặng lên hệ tiêu hóa.
- Không nên thức khuya hoặc dậy sớm quá vì sẽ khiến cho tình trạng đau dạ dày của bạn càng nghiêm trọng hơn. Nên đi ngủ sớm và dậy đúng giờ, ngủ đủ 7 - 9 tiếng mỗi đêm.
- Tâm trạng vui vẻ, thoải mái và hạn chế sự căng thẳng cũng giúp cho tình trạng đau dạ dày của người bệnh giảm bớt đi.
- Đi bộ nhẹ nhàng sau khi ăn, tránh nằm yên một chỗ.
- Nếu vẫn không khỏi thì nên đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt, tuyệt đối không tự mua thuốc về uống bừa bãi.
Theo Eat This, Webmd