Từ vụ 1 người tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid-19: Bác sĩ nêu 3 quy tắc tránh phản vệ ai cũng cần biết

Theo TS. BS Lê Quốc Hùng, trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm, vắc xin là một vũ khí hữu hiệu để chiến đấu lại virus.

Hai phản ứng thường gặp sau tiêm

Trước thông tin có trường hợp nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid-19, nhiều người có thể cảm thấy hoang mang về chất lượng của vắc xin.

TS. BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay vắc xin cũng là một loại thuốc. Tuy nhiên, vắc xin khá đặc biệt và khác so với thuốc chữa bệnh thông thường. Thuốc dùng để chữa bệnh, còn vắc xin có tác dụng để bảo vệ và phòng tránh bệnh cho người.

Ngay cả khi chúng ta ăn thực phẩm, hải sản, chúng ta cũng có khả năng bị dị ứng. Đó là phản ứng của cơ thể khi đưa chất bên ngoài vào nhưng cơ thể không thể dung nạp. Vắc xin là thuốc nên khi tiêm có phản ứng là điều dễ hiểu.

Một người khi tiêm vắc xin vào cơ thể sẽ xảy ra 2 phản ứng không mong muốn: Phản ứng thông thường: đau, sốt, đau bụng, mệt mỏi… sẽ tự hết sau từ 1-2 ngày sau tiêm; Phản ứng nguy hiểm: phản vệ, sốc phản vệ.

Từ vụ 1 người tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid-19: Bác sĩ nêu 3 quy tắc tránh phản vệ ai cũng cần biết - Ảnh 1.

TS. BS Lê Quốc Hùng.

"Tỷ lệ vắc xin Covid-19 gây ra phản vệ, sốc phản vệ thường không cao. Theo thống kê của Pfizer, 1 triệu người được tiêm thì 5 người có phản vệ ở mức độ nặng", TS. BS Hùng nói.

Để tránh phản vệ, người đi tiêm cần phải lưu ý:

- Trước khi tiêm người tiêm sẽ được khám sàng lọc, được hỏi hàng loạt các câu hỏi như: tiền sử phản ứng, có mắc bệnh lý nền hay không… có khoảng 20 câu hỏi người tiêm phải trả lời trong quá trình sàng lọc.

- Sau tiêm, người tiêm cần phải lưu ý ở lại nơi tiêm theo dõi 30 - 60 phút. Có một số ít trường hợp không có tiền sử dị ứng, không có bệnh lý nền, không có yếu tố nguy cơ nhưng vẫn xảy ra phản vệ. Trong khoảng thời gian theo dõi này, nếu người tiêm xảy ra vấn đề gì, nhân viên y tế cấp cứu tại chỗ.

- Người tiêm vắc xin cần theo dõi sức khỏe trong 3 ngày sau tiêm. Nếu có vấn đề bất thường cần mang sổ tiêm đến cơ sở gần nhất để bác sĩ hỗ trợ.

Vắc xin được tạo ra như thế nào?

Theo TS. BS Hùng, vắc xin chỉ có hiệu quả bảo vệ khoảng 75 - 95% do bản thân mỗi người có một lượng kháng thể khác nhau, dù tiêm vắc xin nhưng cơ thể không tạo đủ kháng thể thì vẫn có thể nhiễm bệnh. Ví dụ, 100 người tiêm sẽ chỉ có khoảng từ 75 - 95 người tạo ra miễn dịch để bảo vệ, và sẽ có khoảng từ 5 - 25 người không có kháng thể.

"Nhiều người cho rằng tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm bệnh là do chất lượng vắc xin. Tôi khẳng định không có gì là tuyệt đối, tiêm vắc xin nhưng cơ thể không tạo ra kháng thể thì vẫn bị nhiễm bệnh. Ngay cả người từng mắc Covid-19 vẫn bị mắc lại. Cho nên hiệu quả của tiêm vắc xin sẽ phụ thuộc vào cá thể từng người có tạo ra được kháng thể để phòng chống bệnh hay không.

Như vậy, để phòng chống bệnh, chúng ta không chỉ dựa vào vắc xin mà cần phải kết hợp thêm các biện pháp phòng ngừa (5K). 5K là biện pháp rẻ tiền có sẵn và mọi người đều có thể thực hiện được, cộng với vắc xin sẽ có hiệu quả cao nhất để phòng bệnh", TS. Hùng nói.

Từ vụ 1 người tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid-19: Bác sĩ nêu 3 quy tắc tránh phản vệ ai cũng cần biết - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

TS. Hùng cho hay, vắc xin được tạo bởi nhiều cách khác nhau:

- Vắc xin RNA: Lấy 1 đoạn chứa vật chất từ virus gây bệnh Covid-19 để tạo ra vắc xin.

- Vắc xin tạo từ một phần protein của virus, được khuếch tán.

- Vắc xin có thể tạo ra bằng cách lấy một virus khác không gây bệnh cho người và giảm đi độc tính. Sau đó, virus không gây bệnh được bơm gen virus gây bệnh và tiêm cho người cũng sẽ tạo ra kháng thể chống virus.

- Vắc xin được tạo ra từ chính virus gây bệnh nhưng giảm độc tính, không còn khả năng gây bệnh.

Vắc xin khi được tiêm vào trong cơ thể, hàng rào bảo vệ (hệ thống miễn dịch) sẽ nhận biết virus và tạo ra kháng thể nhưng không thể gây bệnh. Trong trường hợp nhiễm virus nhưng đã được tiêm vắc xin thì virus đó không thể nhân lên trong cơ thể (do hệ thống miễn dịch đã có kháng thể).