Lúc đầu, anh Lý có biểu hiện đau họng nhưng do thời tiết đang chuyển từ mùa xuân sang hè nên anh nghĩ là do cảm lạnh. Anh nghĩ mình còn trẻ, sức đề kháng tốt nên sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên, đến hôm sau, cơn đau rát họng ngày càng trở nên trầm trọng hơn, anh bắt đầu sốt cao đến 40 độ C và thấy ớn lạnh. Lúc này, anh Lý mới vội ra hiệu thuốc để mua thuốc cảm về uống nhưng các triệu chứng khó chịu vẫn không thuyên giảm. Đi kèm với đó là biểu hiện chán ăn, đau nhức cơ, đau đầu, tinh thần uể oải và mệt mỏi toàn thân khiến anh Lý gần như nằm bẹp một chỗ.
Ảnh minh họa
Càng nghĩ càng thấy lo lắng nên anh Lý quyết định đến Khoa Hô hấp và Chăm sóc Sức khỏe, Bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam để điều trị.
Tại đây, anh Lý được chụp CT và thực hiện các hội chẩn đa khoa khác. Kết quả kiểm tra cho thấy amidan của anh bị phì đại cấp độ 2, phù nề, mủ trên bề mặt chảy nhiều, không có dấu hiệu đặc biệt ở ngực và bụng, bạch cầu tăng. CT ngực đã loại trừ trường hợp anh Lý bị viêm phổi, chẩn đoán cuối cùng là anh mắc viêm amidan hốc mủ cấp tính.
May mắn là anh Lý đã đến bệnh viện để điều trị kịp thời nên bệnh không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng nào khác.
Bác sĩ cảnh báo: Nhiều người trẻ bị viêm amidan hốc mủ cứ nghĩ là cảm lạnh!
Giáo sư Giang, Trưởng Khoa Hô hấp và Chăm sóc Sức khỏe, Bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam cho biết: Viêm amidan hốc mủ là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp rất phổ biến. Bệnh thường gặp hơn vào mùa xuân và mùa thu, phát triển khi nhiệt độ thay đổi, người mệt mỏi, hoặc bị nhiễm lạnh hay các hệ thống miễn dịch khác suy giảm.
Các vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là liên cầu tan máu beta, tụ cầu, liên cầu pneumoniae, trực khuẩn cúm…. Các vi rút gây bệnh phổ biến bao gồm adenovirus, rhinovirus, vi rút herpes simplex...thể lây nhiễm tại cùng thời gian. Bệnh này khi không điều trị kịp thời có thể thể gây áp xe hầu họng, viêm tai giữa, viêm xương chũm và các biến chứng nguy hiểm khác do sốt như thấp khớp, thấp tim, viêm thận cấp…
Hình ảnh chụp miệng bệnh nhân bị viêm amidan hốc mủ
GS Giang cũng nhấn mạnh trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao. Đặc điểm lâm sàng của bệnh này khởi phát nhanh, đau họng rõ rệt, thường kèm theo sốt cao và ớn lạnh, thân nhiệt có thể lên tới 39 độ C trở lên, rất dễ tái phát.
Tuy nhiên, giống như anh Lý, rất nhiều người khi gặp những triệu chứng trên đều cho là cảm lạnh do thay đổi thời tiết nên tự ý mua thuốc hoặc xử lý chậm trễ, không đúng cách. Vậy làm thế nào để phòng ngừa căn bệnh tưởng chừng phổ biến nhưng cũng rất nguy hiểm này?
- Thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân rất quan trọng.
- Ngủ đủ giấc và tập thể dục điều độ cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
- Theo dõi tình hình thời tiết để luôn có sự chuẩn bị tốt nhất.
- Vào thời điểm giao mùa, nên hạn chế tiếp xúc nơi đông người, thực hiện các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…để tránh lây nhiễm các bệnh đường hô hấp.
Nếu có các biểu hiện đau rát họng rõ rệt, đau nhức cơ, ho, sốt thì đừng chủ quan cho qua hoặc tự mua thuốc bừa bãi. Hãy đến các cơ sở y tế chính quy để thăm khám sớm nhất. Khi phát hiện bệnh, cần tiến hành điều trị chuyên môn kịp thời, điều trị dứt điểm, tránh để amidan bị viêm nhiễm, tái phát nhiều lần.
Nguồn và ảnh: QQ, Sohu, Healthline