Tối 22/3, báo chí Hong Kong đưa tin diễn viên Lưu Khải Trí không may mắn bệnh ung thư dạ dày, đã tạm dừng công việc và đang tích cực điều trị. Ở tuổi 66, Lưu Khải Trí có hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và giành không ít giải thưởng cao.
Diễn viên Lưu Khải Trí.
Kể từ khi phát hiện bệnh, Lưu Khải Trí rất lạc quan và tin rằng mình có thể vượt qua được. Ông cũng gửi lời cảm ơn đến mọi người đã quan tâm trong suốt thời gian qua.
Từ viêm dạ dày đến ung thư dạ dày chỉ 4 bước
Tháng 10 năm 2019, một bài báo đăng trên Tạp chí Y khoa quốc tế “The Lancet” chỉ ra rằng, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á là những khu vực có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao. Trong đó, chế độ ăn nhiều natri, nam giới hút thuốc lá là 2 nguyên nhân chính gây bệnh. Ngoài ra, nhiễm khuẩn Helicobacter pylori cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng của ung thư dạ dày.
Dạ dày có chức năng tiêu hóa thức ăn, khi nó bị tổn thương, nếu không được kiểm soát và điều trị, quá trình phát triển thành ung thư dạ dày sẽ theo 4 giai đoạn: Không teo viêm dạ dày, teo viêm dạ dày, chuyển sản ruột ở dạ dày, loạn sản, cuối cùng là dẫn tới ung thư.
Bác sĩ Trương Bắc Bình, chuyên Khoa Lá lách và Dạ dày tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc tỉnh Quảng Đông cho biết: “Dạ dày giống như một mảnh đất màu mỡ được sử dụng để trồng trọt (dạ dày bình thường), nhưng do khai thác quá mức (tuổi cao, ăn uống kém) sẽ gây xói mòn đất (các tuyến bị co lại), cây trồng không phát triển sau khi đất bị xói mòn (lớp niêm mạc dạ dày bình thường mất dần), sau đó bị cỏ dại xâm chiếm (loạn sản), khi cỏ dại đã hút hết chất dinh dưỡng, kết cục cả vùng đất bị sa mạc hóa (chết vì ung thư)”.
Thường mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm để phát triển từ viêm dạ dày teo mãn tính thành ung thư dạ dày, và chỉ một phần rất nhỏ trong số đó có thể phát triển thành ung thư dạ dày (khoảng 1%).
Chỉ viêm teo dạ dày mức độ trung bình đến nặng kèm theo chuyển sản hoặc dị sản ruột, nguy cơ ung thư dạ dày có thể tăng lên rất nhiều.
Bác sĩ Trương Mẫn, phó trưởng khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Tôn Trung Sơn nói rằng: “Hầu hết bệnh nhân bị viêm dạ dày teo không có triệu chứng và những người có triệu chứng chủ yếu là biểu hiện khó tiêu, đau bụng trên, chướng bụng và sau bữa ăn. Sau khi ăn no có thể ợ hơi, buồn nôn. Một số bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng tâm thần như sụt cân, mệt mỏi, hay quên, lo lắng và trầm cảm”.
8 thói quen xấu đang hủy hoại dạ dày
1. Thịt nướng, đồ chiên rán
Bác sĩ Tôn Hạo, trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa tại Bệnh viện Ung thư Trùng Khánh cho biết, hơn 1 nửa số bệnh nhân ung thư dạ dày từ 30 đến 40 tuổi thích ăn thịt nướng hoặc đồ cay. Thực phẩm sau khi nướng hoặc hun khói rất dễ sinh ra các chất như benzopyrene và hydrocacbon thơm, chúng đều là những chất gây ung thư.
2. Ăn mặn
Bác sĩ Tôn cho biết, WHO quy định lượng muối ăn hằng ngày của mỗi người là 6g. Nếu vượt quá lượng này, hàm lượng natri cao sẽ phá hủy niêm mạc dạ dày, theo thời gian rất dễ dẫn tới ung thư dạ dày. Vì vậy, các món như xúc xích, thịt hun khói, đồ muối chua, đồ ăn chế biến sẵn đều là thực phẩm chứa nhiều muối, cần phải ăn ít.
3. Ăn uống không điều độ
Dương Học Nông, trưởng khoa Ung bướu tại Bệnh viện 906, Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang Health Times: “Nguy cơ ung thư dạ dày ở những người có bữa ăn thất thường gấp 1,3 lần so với người bình thường, tức giận gấp 1,5 lần, ăn nóng gấp 4,2 lần. Nếu các yếu tố này cùng lúc xảy ra trong thời gian dày, nguy cơ ung thư dạ dày tăng lên đáng kể”.
4. Thường xuyên thức khuya
Bác sĩ Dương cho biết thêm, mặc dù hiện nay rất khó xác định được mối liên hệ giữa ung thư dạ dày và thiếu ngủ, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu ngủ có thể làm giảm lưu lượng máu tới dạ dày, làm giảm khả năng tự bảo vệ và tăng nguy cơ loét dạ dày.
5. Hút thuốc và uống rượu
Hút thuốc cũng liên quan đến ung thư dạ dày. Khói thuốc chứa nhiều chất gây ung thư như benzopyrene và hydrocacbon thơm đa vòng, là những yếu tố dễ gây ung thư dạ dày. Uống rượu bia dễ làm tổn thương niêm mạc và gây chảy máu dạ dày.
6. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
Vi khuẩn Helicobacter pylori được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào danh sách các chất gây ung thư chính, đặc biệt là ung thư dạ dày. Vì vậy, tốt nhất nên chia nhỏ các bữa ăn trong sinh hoạt, người lớn không nhai thức ăn cho trẻ, tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn Helicobacter pylori.
7. Căng thẳng kéo dài
Mã Cận Bình, bác sĩ phẫu thuật Tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Tôn Trung Sơn, cho biết, tại phòng khám ngoại trú, ông thường gặp những bệnh nhân bị bệnh dạ dày do áp lực lớn trong công việc và cuộc sống. Những bệnh nhân này bị căng thẳng tinh thần quá mức lâu ngày dẫn đến rối loạn tự chủ, rối loạn bài tiết dịch vị, giảm cung cấp máu cho niêm mạc dạ dày… Trường hợp nhẹ có biểu hiện kém ăn, trường hợp nặng có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, thậm chí xuất huyết cấp tính.
8. Béo phì
Ngày càng có nhiều người bị trào ngược dạ dày, nếu dạ dày liên tục bị kích thích, nguy cơ ung thư sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy, việc kiểm soát cân nặng không chỉ có lợi cho việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch, mạch máu não mà còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày.