Uống nước mía thay nước lọc có tốt không?

Nước mía là loại đồ uống được nhiều người yêu thích, vậy nhưng mỗi ngày 1 cốc nước mía có tốt không?

Nước mía là loại đồ uống giải khát được nhiều người yêu thích trong mùa hè, nhất là những ngày nhiệt độ tăng cao. Nhiều người có thói quen uống giải khát, thậm chí uống thay nước lọc, vậy mỗi ngày 1 cốc nước mía có tốt không và uống nước mía thay nước lọc có được không?

Tác dụng của nước mía

Mía còn gọi là cam giá, tên khoa học Saccharum officinarum L., thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

Vào mùa nắng nóng rất nhiều người thích uống nước mía, vừa giải nhiệt, vừa bổ dưỡng, tăng thêm sinh lực để cơ thể chống chọi với cái nắng nóng. Mía vốn có nguồn gốc Ấn Độ. Trên thế giới nước sản xuất mía nổi tiếng là Cuba, Ấn Độ.

Tại Việt Nam mía được trồng nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi… Ở miền Bắc, mía xuất hiện nhiều ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa.

Uống nước mía thay nước lọc có tốt không? - Ảnh 1.

Mía được trồng ở những nơi đất phù sa (nhẹ và sâu, có chất vôi) trồng bằng ngọn hay cả cây. Sau 11 đến 18 tháng thu hoạch. Thường người ta trồng mía lấy nguyên liệu làm đường.

Làm thuốc, người ta dùng cả cây tươi cắt thành từng khúc ngắn 2-3cm, chẻ hai hay chẻ 4, với tên cam giá.

Theo sách Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, nước mía có tác dụng tiêu đờm, hết khát, bổ dưỡng.

Mía còn là nguyên liệu chế đường, mật dùng làm thực phẩm và chế thuốc, chế rượu.

Uống nước mía thay nước lọc có tốt không?

Báo VnExpress dẫn lời Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, nước mía rất ngọt, với người có thể trạng bình thường, uống nhiều dễ dẫn đến tăng cân. Người đường ruột yếu, hay đầy bụng và tiêu chảy cũng không nên sử dụng thường xuyên. Người bệnh nền như tiểu đường, mỡ máu, gout cần hạn chế.

Bạn không nên uống nước mía liên tục thay nước, nên luân phiên thay đổi bằng các nước hoa quả khác nhau như cam, ổi, chanh leo, dưa hấu. Bạn có thể thêm một chút muối vào đồ uống sẽ giúp tăng hương vị và bổ sung chất điện giải bị mất qua đổ mồ hôi.

Để đảm bảo sức khỏe, đơn giản nhất chỉ cần uống nước đun sôi để nguội, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng uy tín trên thị trường. Nhiều người không thích uống nước lọc vì chúng không có hương vị, có thể thêm vài lát chanh, dâu tây, dưa chuột, lá bạc hà vào bình nước.

Những điều cần lưu ý khi uống nước mía

Không nên để nước mía quá lâu trong tủ lạnh

Nhiều người mua nước mía về nhưng chưa uống ngay hoặc vô tình quên mất. Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc.

Ngoài ra, nước mía có tính lạnh và hàm lượng đường cao nên nếu bảo quản quá lâu trong tủ lạnh có thể gây rối loạn tiêu hóa. Do đó, những người tì vị hư yếu, hay đầy bụng, đi lỏng và những người bị tiểu đường không nên uống nước mía, đặc biệt là nước mía quá lạnh.

Không uống nước mía khi đang sử dụng một số loại thuốc

Chất policosanol trong nước mía giúp làm giảm cholesterol xấu của cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, nếu đang sử dụng các loại thuốc như thuốc bổ sung, chống đông máu thì không nên uống nước mía. Bởi các loại thuốc này sẽ cản trở tác dụng của policosanol, khiến công dụng của nó trở nên vô nghĩa.

Những người béo phì không nên uống nhiều nước mía

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đường chiếm 70% lượng dinh dưỡng trong nước mía, còn lại là chất béo, đạm và bột. Vì vậy, nước mía cung cấp rất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng, dễ gây tăng cân, béo phì. Những người đang muốn giảm cân nên hạn chế loại thức uống này. Đồng thời, những người có nguy cơ bị tiểu đường cũng không nên uống nước mía.

(Tổng hợp)