Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực của máu lên thành động mạch trở nên cao hơn bình thường. Tăng huyết áp có thể do di truyền, tuổi cao hoặc chế độ ăn uống, béo phì, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia và lối sống ít vận động.
Có bằng chứng cho thấy việc giảm uống rượu có thể giúp giảm huyết áp ở những người bị tăng huyết áp và thậm chí ngăn ngừa sự phát triển của bệnh.
Bài viết này giải thích mối liên hệ giữa rượu và bệnh tăng huyết áp, khám phá tác động của các loại rượu khác nhau và thảo luận về việc tiêu thụ rượu an toàn.
1. Tăng huyết áp và rượu
Lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân phổ biến gây tăng huyết áp và có thể là nguyên nhân hàng đầu của tăng huyết áp thứ phát. Cơ chế của sự liên hệ này vẫn chưa được biết rõ. Trong hầu hết các trường hợp, các chỉ số tăng huyết áp có thể đảo ngược và trở lại bình thường khi ngừng sử dụng rượu, bia.
Rượu có thể gây tăng huyết áp.
Các nghiên cứu dịch tễ học, tiền lâm sàng và lâm sàng đã khẳng định có mối liên hệ giữa uống nhiều rượu bia và tăng huyết áp. Tuy nhiên, cơ chế mà rượu bia làm tăng huyết áp vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Các chuyên gia đều cho rằng rượu làm mất tính thư giãn mạch máu do viêm và tổn thương oxy hóa nội mô bởi Angiotensin II dẫn đến ức chế sản xuất oxit nitric (NO) phụ thuộc nội mô là những nguyên nhân chính gây ra tăng huyết áp khi uống nhiều rượu.
Uống rượu cũng có thể làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn ngay cả ở người khỏe mạnh. Dấu hiệu điển hình nhất của tăng huyết áp bao gồm đau tức ngực, nhức đầu hoặc cảm giác nóng bừng mặt, buồn nôn, nôn, choáng và chóng mặt. Những người uống quá nhiều rượu, theo thời gian có thể phát triển thành bệnh tăng huyết áp mạn tính. Tăng huyết áp dẫn đến tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm đột quỵ đau tim và bệnh tim.
ThS. BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia
Việc lạm dụng rượu bia vô cùng có hại cho sức khỏe. Đặc biệt có nguy cơ gây ra vỡ mạch máu ở người bệnh tăng huyết áp mà ngay cả khi uống thuốc cũng không kiểm soát được.
2. Có sự khác biệt giữa rượu mạnh, bia và rượu vang?
Thành phần chính của tất cả các sản phẩm có cồn, bao gồm bia, rượu vang và rượu mạnh là ethanol và sản phẩm chuyển hóa của nó đóng vai trò tương tự trong việc gây hại cho cơ thể con người. Theo một nghiên cứu về rượu vào năm 2022, bất kỳ mức tiêu thụ rượu nào cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim nhưng rủi ro khác nhau tùy theo lượng tiêu thụ.
Rượu vang đỏ có chứa chất chống oxy hóa gọi là resveratrol, một số nghiên cứu đã cho thấy chất này làm giảm cholesterol và giảm huyết áp. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy những lợi ích tiềm tàng của việc uống rượu vang đỏ vừa phải, gần đây người ta đã chứng minh rằng không có mức tiêu thụ rượu nào được coi là an toàn hoặc có thể làm giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Theo Tổ chức Huyết áp Vương quốc Anh (Blood Pressure UK) cho biết: Nồng độ cồn trong rượu vang dao động từ 11-14%, nghĩa là một ly rượu vang 175ml có thể chứa từ 1,9 - 2,4 đơn vị cồn và một ly 250ml có thể chứa từ 2,8 - 3,5 đơn vị cồn.
Có một lượng dữ liệu đáng kể cho thấy rằng uống một lượng lớn rượu, dù là rượu mạnh, bia hay rượu vang, đều có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp. Điều rõ ràng là không có lượng rượu nào được coi là an toàn để tiêu thụ, bất kể loại rượu nào.
3. Tiêu thụ bao nhiêu rượu là an toàn?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ báo cáo mối tương quan giữa việc tiêu thụ rượu và các nguy cơ sức khỏe ngắn hạn và dài hạn khác nhau. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy không có lượng rượu nào được coi là an toàn, vì rủi ro của nó dẫn đến mất đi sức khỏe là như nhau.
Một đánh giá có hệ thống được công bố trên tạp chí JAMA Network Open cũng cho thấy rằng những người uống rượu "vừa phải" không có nguy cơ tử vong thấp hơn những người không uống rượu.
Uống bất cứ loại rượu nào đều không tốt cho sức khỏe, kể cả rượu vang.
CDC cũng tuyên bố rằng để giảm thiểu rủi ro sức khỏe liên quan đến rượu, người lớn trong độ tuổi uống rượu hợp pháp nên hạn chế uống rượu ở mức 1 ly hoặc ít hơn một ngày đối với nam và 1 ly hoặc ít hơn đối với nữ.
Mọi người thường cho rằng uống rượu trong giới hạn được khuyến nghị thì rượu sẽ không gây tăng huyết áp nghiêm trọng. Theo nghiên cứu năm 2018, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lặp lại, không có lượng rượu uống vào nào là an toàn, vì vậy bất kỳ lượng rượu nào cũng có thể bị coi là quá nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn muốn uống chút rượu hãy tham khảo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ 2020–2025 và Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu (NIAAA) dưới đây:
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nên chú ý tuân thủ các khuyến nghị khi uống rượu bia. Nam giới chỉ nên uống dưới 2 đơn vị rượu/ ngày, 1 tuần không quá 5 ngày. Nữ giới không quá 1 đơn vị rượu 1 ngày, 1 tuần không quá 5 ngày. BS. Nguyễn Trọng Hưng gợi ý, để dễ dàng quy đổi, 1 đơn vị tương đương 30ml rượu (1 ly nhỏ)/ 1 lon bia 330ml.
4. Người tăng huyết áp cần lưu ý gì khi uống rượu bia?
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, bạn sẽ cần phải làm việc với bác sĩ để xây dựng kế hoạch kiểm soát nó. Trong một số trường hợp, tăng huyết áp có thể được cải thiện thông qua thay đổi lối sống, chẳng hạn như áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và giảm hoặc loại bỏ rượu.
Nếu bạn tiếp tục uống rượu, rượu có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc làm hạ huyết áp được kê đơn hoặc thậm chí gây ra tương tác y tế nghiêm trọng. Do đó, khi được chẩn đoán mắc tăng huyết áp, người bệnh cần giảm hoặc loại bỏ hẳn uống rượu để cải thiện sức khỏe lâu dài. Điều quan trọng là phải khám sức khỏe định kỳ vì chứng tăng huyết áp không gây đau đớn và nhiều người thậm chí không biết mình mắc bệnh này.