Bệnh nhân là nam giới, 44 tuổi, vào khoa Cấp cứu bệnh viện huyện ở Hà Nội trong tình trạng nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp...
Trước đó, theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội về tác dụng của thuốc sốt rét dự phòng Covid-19, bệnh nhân đã mua dự trữ ở nhà 100 viên. Sau khi uống 15 viên chloroquine 250mg, bệnh nhân đã phải nhập viện.
Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc nhập viện. (Ảnh minh họa)
Tại đây, bệnh nhân đã được rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, thở máy không xâm nhập kịp thời. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc xác nhận có tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc điều trị sốt rét vì uống để phòng Covid-19. Hiện bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét được ghi nhận tại Việt Nam.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua thuốc sốt rét về uống dự phòng hay điều trị. Biện pháp dự phòng Covid-19 tốt nhất là thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người, bổ sung dinh dưỡng, luyện tập thể thao...
Các chuyên gia khuyến cáo, Hydroxychloroquine và chloroquine là thuốc kê đơn và có chỉ định chặt chẽ khi dùng. Tuyệt đối không dùng hydroxychloroquin và chloroquin cho các bệnh nhân có tiền sử bệnh võng mạc; người nhạy cảm với các thành phần của thuốc hoặc đang điều trị các liệu pháp ức chế tủy xương.
Đối với một số bệnh nhân có các bệnh lý khác đi kèm, thầy thuốc buộc phải cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ khi sử dụng cho những người có bệnh nền như: Suy thận, bệnh gan, bệnh máu, thiếu G6PD, bệnh lý thần kinh cơ, bệnh tâm thần, vảy nến.
Bên cạnh việc điều trị, thuốc có thể gây những bất lợi không mong muốn khi dùng. Ngay cả liều điều trị thông thường vẫn có thể gây rối loạn tiêu hóa nhẹ, chán ăn, nhức đầu.
Nếu dùng liều cao có thể gây rối loạn tiêu hóa nặng hơn, độc với thần kinh và tâm thần như viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn thính giác, thị giác, tổn thương da, suy tim, suy gan, suy thận, thiếu máu, tan máu...
Các chuyên gia khuyến cáo, việc người dân đổ xô tìm mua thuốc này về dùng khi không có chỉ định của bác sĩ sẽ gây nguy hiểm. Vì, cho đến nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào được hoàn toàn công nhận là đặc hiệu với Covid-19.
Hydroxychloroquine vẫn chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế công nhận và chính thức đưa vào phác đồ điều trị và khuyến cáo sử dụng.
Do đó, người dân tuyệt đối không nên tích trữ thuốc, tránh tạo tình trạng khan hiếm hàng, đội giá. Trong khi dù có tích trữ thuốc cũng không dùng được gây lãng phí tiền của và gây ảnh hưởng môi trường, vì đây là những thuốc có nguồn gốc tổng hợp hóa học và có độc tính.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |