Việc Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với một số đơn vị khác thử nghiệm tiêm vắc-xin phòng lao BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch để phục vụ đề tài nghiên cứu đã được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Theo đó, dự kiến, đối tượng được tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng lao BCG là 800 y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 và người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương hiện chưa có bằng chứng khẳng định vắc-xin lao có thể phòng chống Covid-19.
Nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Theo ông Nhung, hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và dựa trên các bệnh nhân đã mắc, các nghiên cứu quan sát (chưa phải thử nghiệm lâm sàng) cho thấy, những nước có chính sách sử dụng vắc-xin phòng lao BCG phổ cập dường như ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, hiện trên thế giới có hai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Hà Lan, Australia, tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao nhất, đó là những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Nghiên cứu này sẽ đánh giá xem tác động của việc tiêm vắc-xin phòng lao BCG cho các nhân viên y tế chăm sóc người bệnh Covid- 19 lên tỷ lệ nhiễm cũng như mức độ nặng khi bị mắc Covdi- 19.
“Đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng nào khẳng định vắc-xin phòng lao BCG có thể phòng Covid-19. Hiện chưa có bất kỳ chỉ định nào về tiêm vắc-xin phòng lao BCG để phòng Covid-19 trên thế giới. Chúng tôi đã cảnh báo có tác dụng phụ đáng tiếc nếu tự ý sử dụng vắc-xin này. Người dân không nên quá nôn nóng, tự ý sử dụng mà cần chờ các nghiên cứu được công bố bởi các nhà khoa học và cơ quan quản lý”, ông Nguyễn Viết Nhung nói.
Tuy nhiên, đây là vấn đề nóng, các nhà nghiên cứu cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế có văn bản giao Bệnh viện Phổi Trung ương kết hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu đề xuất triển khai đánh giá vai trò của vắc xin phòng lao BCG trong phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam có mang lại lợi ích gì hay không.
Do đó, thực hiện chỉ đạo nêu trên, Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất Bộ Y tế hai hướng nghiên cứu, thứ nhất là Việt Nam tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phối hợp với Pháp và Campuchia đánh giá xem vắc-xin phòng lao BCG có tác dụng với phòng bệnh Covid-19 cho người có nguy cơ cao là cán bộ y tế hay không.
Với cách thức tính mẫu, dự kiến Việt Nam có thể thu nhận 800 mẫu, Campuchia thu nhận 400 mẫu, tại Paris là 1.000 mẫu.
Hướng thứ hai là nghiên cứu khảo sát trên 268 ca mắc tại Việt Nam, có thể làm ngay được mà không tốn kém.
Cụ thể, dựa trên những người này, chúng ta thử khảo sát xem mối liên quan giữa BCG với người mắc Covid-19, đồng thời khảo sát cả những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 nhưng lại không nhiễm virus SARS-CoV-2. Mối liên quan ấy được thể hiện xem người mắc bệnh nặng hay nhẹ và trường hợp nặng có phải do không tiêm BCG không.
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cũng cho biết: “Các đơn vị liên quan mới đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, xây dựng đề cương nghiên cứu. Bộ Y tế hiện chưa tiếp nhận hồ sơ, đề cương của nghiên cứu lâm sàng này. Do đó, nghiên cứu chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện”.
Cũng theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, hiện nay, có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng vắc-xin phòng lao BCG để tăng cường miễn dịch, chống lại virus SARS-CoV-2 đang được triển khai tại Australia và Đức với đối tượng nghiên cứu là các cán bộ y tế làm việc ở bệnh viện có nguy cơ cao bị nhiễm virus.
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho biết, thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối, phối hợp với chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) khẩn trương xem xét, đề xuất định hướng nghiên cứu và phương án triển khai ứng dụng vắc-xin phòng lao BCG phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |