PGS.TS.BS Đào Việt Hằng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu Hóa, Gan mật cho biết, trong những năm gần đây, số người mắc gan nhiễm mỡ có xu hướng tăng. Lí do là tỷ lệ các rối loạn chuyển hóa ở nước ta như béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường có xu hướng gia tăng. Vì vậy, tỉ lệ người mắc gan nhiễm mỡ không liên quan đến uống rượu (hay thuật ngữ mới là gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa) có xu hướng tăng lên.
(Ảnh minh họa).
Nhiều người nghĩ gan nhiễm mỡ là bệnh chỉ dành cho người béo phì, thừa cân, tuy nhiên, thực tế cả những người gầy vẫn có thể mắc bệnh. Bởi gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa phát triển qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 là chỉ phát hiện ra tình trạng gan nhiễm mỡ, chưa gây tăng men gan; giai đoạn 2 là bắt đầu có tình trạng tăng men gan; giai đoạn 3 là có tình trạng xơ hóa và giai đoạn cuối cùng là có biến chứng xơ gan, ung thư gan.
Gan nhiễm mỡ hay thoái hóa mỡ gan (sự tích lũy chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan) là bệnh rất hay gặp trong xã hội hiện đại. Tỉ lệ người bị gan nhiễm mỡ trung bình trên thế giới chiếm 2,4-24% dân số. Tại Việt Nam, căn bệnh này đang có xu hướng tăng nhanh.
Triệu chứng của bệnh rất ít, hầu như không có dấu hiệu đáng lưu ý. Một vài bệnh nhân có thể cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược hoặc có cảm giác hơi tức ở vùng dưới sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lệch sang phải. Tuy nhiên, đây không phải là triệu chứng đặc hiệu nên thường bị bỏ qua. Bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ sau xét nghiệm máu hoặc men gan tăng cao, sau khi có kết quả siêu âm.
Điều đáng lưu ý là ban đầu bệnh không ảnh hưởng đến các hoạt động cơ thể, song nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến viêm gan, xơ gan và có một tỷ lệ nhỏ biến chứng ung thư gan..
Với gan nhiễm mỡ, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là do uống rượu bia nhiều. Ngoài ra có rất nhiều nguyên nhân khác như virus viêm gan C, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường… Bệnh được chia thành hai nhóm: Thoái hóa mỡ gan do rượu và thoái hóa mỡ gan không do rượu. Việc điều trị ban đầu luôn ưu tiên điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động, nếu không hiệu quả mới can thiệp bằng thuốc.
Hiện đang có nhiều sai lầm trong quan niệm về bệnh gan, khiến nó trở thành rào cản trong việc phòng và điều trị bệnh này. Không ít người cho rằng, bệnh gan không ảnh hưởng tới các cơ quan khác, trong khi thực tế hoạt động của gan có mối liên hệ chặt chẽ với các bộ phận khác như mật, thận… Do đó, khi gan bị tổn thương, các cơ quan khác cũng sẽ bị tổn thương theo.
Với nhóm bệnh nhân này điều quan trọng nhất là phải quản lý rất tốt các rối loạn chuyển hóa nền. Ví dụ người tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, phải có một chế độ tập luyện chủ yếu là kiểm soát được cân nặng, hạn chế sử dụng bia rượu, đồ dầu mỡ, chiên xào… Hiện chưa có thuốc nào chứng minh được tính ưu việt trong việc kiểm soát bệnh lý gan nhiễm mỡ này. Bởi vậy vẫn tập trung vào chẩn đoán, đánh giá giai đoạn và lời khuyên liên quan đến chế độ ăn uống và tập luyện.