Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM: Biến thể SARS-CoV-2 trở thành siêu lây nhiễm khi có sự kiện

Các đột biến của SARS-CoV-2 vẫn đang xảy ra thường xuyên, liên tục nên vẫn có khả năng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng từ 27/04/2021
(Số liệu cập nhật lúc 10:30 28/05/2021) - Nguồn: Bộ Y tế
Việt Nam
  Ca mới hôm nay
  Tổng ca nhiễm
  Ca tử vong
STT Tỉnh Ca nhiễm mới
hôm nay
Tổng ca nhiễm Ca tử vong

Nước ta liên tục ghi nhận các biến thể mới

Dịch COVID-19 đang có những diễn biễn khó lường, ở nước ta liên tục ghi nhận các biến thể mới, số lượng ca bệnh đang gia tăng trong những ngày qua, đặc biệt là tại các khu vực điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh…

Tại TP.HCM, với sự xuất hiện của chùm ca bệnh liên quan đến một tổ chức tôn giáo cũng khiến tình hình dịch COVID-19 tại đây trở nên phức tạp hơn.

GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. (Ảnh: Khôi Nguyễn).

GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, các virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng, trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản có thể xuất hiện những biến đổi trong cấu trúc của gen, nghĩa là có sự thay đổi ở một hoặc một số vị trí trên bộ gen di truyền so với bộ gen ban đầu của virus, điều này được gọi là đột biến gen.

Khi quá trình lây nhiễm tăng nhanh, quá trình virus sao chép và nhân bản cũng gia tăng, các đột biến gen của virus có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến khả năng xuất hiện biến thể cao hơn.

Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gen của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.

Tại Việt Nam, ngay từ khi vụ dịch bùng phát đã phát hiện ra các biến thể mang đột biến D614G vào đầu tháng 3/2020 từ những công nhân từ nước ngoài về, tiếp đến là sự xuất hiện của các VOCs như biến thể B.1.1.7 và biến thể B.1.351 được ghi nhận vào tháng 10/2020 từ những công dân về nước từ Anh và hiện nay là biến thể B.1.617 từ ổ dịch Yên Bái, Hà Nam.

Như vậy, các biến thể đáng quan ngại xuất hiện, lưu hành thì sau 1 thời gian sẽ xuất hiện ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, làm cho dự phòng và kiểm soát càng đòi hỏi ở mức cao hơn nữa.

Tác động của biến thể SARS-CoV-2 chủ yếu trên 5 phương diện

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, hiện nay, các tác động của biến thể SARS-CoV-2 chủ yếu trên 5 phương diện là: Khả năng lây lan, độ nặng của bệnh, xét nghiệm, tránh miễn dịch, và điều trị.

Tuy nhiên, các đột biến của SARS-CoV-2 vẫn đang xảy ra thường xuyên, liên tục nên vẫn có khả năng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm trong tương lai và có thể dẫn đến kết quả âm tính giả. Do đó, cần thường xuyên cập nhật thông tin về ảnh hưởng của các đột biến và khi biện giải kết quả xét nghiệm cần xem xét và kết hợp các triệu chứng lâm sàng, dịch tễ học và tiền sử bệnh nhân.

Đối với vắc-xin, ông Lân cho biết, theo WHO, các vắc-xin COVID-19 hiện được cấp phép cung cấp sự bảo vệ nhất định chống lại các biến thể virus mới vì chúng tạo ra một phản ứng miễn dịch rộng rãi liên quan đến một loạt các kháng thể và tế bào. Do đó, những biến đổi hoặc đột biến của virus sẽ không làm cho vắc-xin mất hoàn toàn tác dụng.

Để dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, cần tập trung vào 3 mắt xích: Một là nguồn lây nhiễm, hai là đường lây truyền, ba là người cảm nhiễm. Nếu mắt xích nào chưa đảm bảo thì phải nỗ lực nhiều hơn nữa những mắc xích còn lại.

Đối với việc bảo vệ người cảm nhiễm bằng vắc-xin, hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực để có vắc-xin cho người dân và dựa trên hệ thống tiêm chủng sẽ nhanh chóng tiêm cho người trong diện tiêm chủng.

Cần phải tiêm sớm và tiêm đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có đủ miễn dịch bảo vệ.

Khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, không chỉ giúp cho cá nhân được bảo vệ bệnh nặng, tử vong mà còn giảm sự lây nhiễm SARS-CoV2, ngăn lây lan và phát sinh các biến thể mới.

Đối với nguồn lây nhiễm, hiện nay, nước ta đã kiểm soát chặt chẽ các ca nhập cảnh theo đường chính ngạch, tuy nhiên, việc kiểm soát nhập cảnh trái phép, nhất là với những đối tượng chỉ quá cảnh qua Việt Nam, nếu không phát hiện được sẽ hoàn toàn mất dấu, khó kiểm soát  nguồn lây; chưa kể việc không tuân thủ trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, là có thể xuất hiện các trường hợp F0, đặc biệt, khoảng 60% trường hợp mang virus, không có biểu hiện bệnh, không biết mình mang virus đi lại sẽ làm bệnh dễ dàng lây lan và khó phát hiện.

Với các ca F0 phát hiện trong cộng đồng, chúng ta đã ngay lập tức điều tra, truy vết, khoanh vùng và cách ly người tiếp xúc (F1).

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo: Để virus SARS-CoV 2 lan rộng cần dựa vào “sự kiện siêu lây nhiễm”, không phải bắt đầu từ một người như chúng ta thường nghe giải thích, họ mang một số lượng virus đặt biệt lớn và do đó lây nhiễm cho nhiều người. Đúng hơn là siêu lây nhiễm do các hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan.

Chẳng hạn: Nếu tổ chức buổi tiệc và mời 30 người khách, với những hành vi nguy cơ cao trong các bữa tiệc, sự kiện như: giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, trong thời gian lâu... là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, đó có thể là sự kiện siêu lây lan. Nếu chúng ta ngăn được các sự kiện siêu lây nhiễm như vậy, các vụ dịch khó có cơ hội bùng phát.

Mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ này. Nếu mỗi người dân đều thực hiện nghiêm quy tắc 5K: Đeo Khẩu trang – Khử khuẩn – Giữ Khoảng cách an toàn – Không tập trung – Khai báo y tế thì cho dù là biến thể nào của SARS-CoV-2 cũng khó có khả năng lây lan.

Thế giới Việt Nam Ấn Độ Braxin Thái Lan Campuchia Nhật Bản