Ngoài việc tập luyện thể thao và ăn uống đúng cách, theo y học cổ truyền, các bài tập nhẹ nhàng hay mát xa trước khi ngủ giúp phòng tránh nhiều loại bệnh tật, từ đó kéo dài tuổi thọ hiệu quả.
1. Thở bằng bụng giúp phòng ngừa bệnh tim, phổi
Phương pháp thở bằng bụng giúp mở rộng dung tích phổi và cải thiện chức năng tim, phổi thông qua chuyển động của cơ hoành. Hãy đứng thẳng, lần lượt đặt tay trái và tay phải lên bụng và ngực, hít vào bằng mũi, cố gắng căng bụng càng lớn càng tốt, thở ra bằng miệng và co cơ để hóp bụng hết mức có thể.
Thời gian của mỗi nhịp thở (kể cả nín thở) kéo dài 10-15 giây, trung bình 6-7 lần mỗi phút. Lưu ý rằng thời gian tập thở những lần đầu chỉ nên ngắn ở 10-12 phút, sau đó từ từ tăng lên để tránh phổi bị quá sức, tức ngực hoặc mất ngủ…
2. Uống nước ấm để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim
Chúng ta thường đổ mồ hôi khi ngủ sâu, dẫn đến thiếu nước và tăng độ nhớt của máu, điều này làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, nhồi máu cơ tim.
Hãy uống một cốc nước, tốt nhất là nước ấm vừa ở 30-40 độ C trước khi đi ngủ để đảm bảo độ nhớt của máu và giảm các nguy cơ đột ngột như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, huyết khối não. Nếu khó ngủ hoặc muốn thư giãn, bạn có thể thêm 1 lượng nhỏ muối hoặc mật ong và tăng nhiệt độ nước lên khoảng 40-50 độ C.
3. Chải tóc để ngăn ngừa đột quỵ
Đỉnh đầu là nơi hội tụ nhiều kinh mạch, đồng thời tập trung các huyệt đạo quan trọng. Bất kể là chải đầu hay dùng tay mát xa, ấn nhẹ đều có thể xoa dịu gan và điều khí, giúp ngủ sâu. Đặc biệt, duy trì trong thời gian dài thói quen này giúp kích thích các huyệt đạo trên đầu, khai thông khí huyết, cải thiện lưu thông máu ở đầu, chống đột quỵ.
Nếu bạn có các loại lược mát xa hoặc lược sừng thì quả là tuyệt vời, còn nếu không, hãy chọn loại lược có nhiều răng nhỏ, phân bố răng dày, sau đó chải răng lược sát da đầu từ trán ra sau gáy một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, thả lỏng tâm trí và lặp lại trong khoảng 5 phút.
4. Tập "đá bóng" để cải thiện lưu thông máu
Nếu khí và huyết chậm, không ổn định sẽ rất dễ gây ra mất ngủ cũng như các bệnh liên quan đến huyết khối. Hãy tìm 1 chỗ ngồi, sau đó đá chân về phía trước giống như đang đá bóng, lưu ý là cần chuyển động cả cổ chân và đầu gối, đá mỗi bên 10 lần sau đó đổi chân, tập trong vòng 5-10 phút.
Có 6 đường kinh mạch đi qua bàn chân, nên khi tập động tác "đá bóng" có thể kích thích sự lưu thông của khí và huyết trong các đường kinh mạch này, giúp âm - dương hợp nhất, thúc đẩy giấc ngủ sâu và ngon. Ngoài ra, "đá bóng" có thể cải thiện lưu thông máu khắp cơ thể, kéo căng cơ và dây chằng của chân, đầu gối, loại bỏ mệt mỏi.
5. Đấm bóp thắt lưng để có giấc ngủ sâu, thức dậy sảng khoái
Hãy thả lỏng tâm trí, sau đó nắm tay thành 2 nắm đấm và đập với lực mạnh vừa phải vào thắt lưng để kích thích các mô và huyệt đạo ở lưng. Lặp lại hành động này trong vòng 10 phút mỗi ngày giúp thúc đẩy tuần hoàn máu toàn bộ cơ thể, có lợi cho việc thư giãn cơ bắp, thúc đẩy giấc ngủ.
6. Vỗ nhẹ vào bắp chân để ngăn ngừa chuột rút ở chân
Vỗ nhẹ bắp chân nghe đơn giản nhưng nếu thường xuyên làm việc này trước khi đi ngủ sẽ giúp cơ bắp được thư giãn, làm ấm cơ và chống chuột rút chân rất hiệu quả. Hãy nằm trên giường, nâng cao bắp chân, làm ấm hai tay, vỗ nhẹ từ đầu gối đến mắt cá. Vỗ nhẹ mỗi bên chân trong vài phút cho đến khi cảm giác chân ấm lên.
7. Xoa bụng dưới để hết táo bón
Trước khi đi ngủ, dùng lòng bàn tay xoay theo chiều kim đồng hồ 50-100 lần sau đó đổi sang ngược chiều kim đồng hồ cũng 50-100 lần. Bạn nên đứng thẳng, không dựa vào tường khi thực hiện bài tập này và lặp lại quá trình này trong 10-15 phút để có hiệu quả tốt nhất.
Y học cổ truyền phương Đông cho rằng nếu xoa bụng theo chiều kim đồng hồ 81 lần và ngược chiều kim đồng hồ 81 lần có thể thúc đẩy nhu động ruột, không chỉ hết táo bón mà còn giảm nguy cơ hình thành sỏi và các bệnh dạ dày.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Style.udn, Healthline