Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 11/10, đã ghi nhận tổng cộng 58 trường hợp mắc bệnh do virus Marburg (MVD), trong đó có 13 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong theo ca bệnh tại Rwanda hiện là 22%. Trong số các bệnh nhân, 15 trường hợp đã hồi phục, trong khi 30 trường hợp còn lại đang được điều trị tại các trung tâm y tế chuyên biệt.
WHO đánh giá nguy cơ bùng phát bệnh Marburg là rất cao ở cấp quốc gia, cao ở cấp khu vực Châu Phi và thấp ở cấp độ toàn cầu. Tổ chức này cũng khuyến cáo các quốc gia không nên áp dụng bất kỳ hạn chế nào về đi lại và thương mại đối với Rwanda trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
(Ảnh minh họa).
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh do virus Marburg có khả năng lây truyền từ động vật, đặc biệt là dơi và các loài linh trưởng, sang người. Bệnh cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết cơ thể như nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ và tinh dịch. Ngoài ra, virus cũng có thể tồn tại trong môi trường hoặc trên các vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc bệnh.
Thời gian ủ bệnh dao động từ 2 đến 21 ngày. Người bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu và cảm giác khó chịu. Sau đó, có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn mửa và xuất huyết. Hiện tại, bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.
Bệnh này được xếp vào loại đặc biệt nguy hiểm do có khả năng lây truyền cao và tỷ lệ tử vong đáng lo ngại, có thể lên tới 88%. Theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm Việt Nam, bệnh này thuộc nhóm A.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đây là căn bệnh đã được ghi nhận trên động vật từ lâu, không phải bệnh mới.
Đặc điểm của virus Marburg là khi lây bệnh, tỉ lệ tử vong khá cao, thậm chí đến 70-80%. Chính vì vậy với người mắc, đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm. Nhưng đối với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, do đó căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Ngoài ra, khi nhiễm virus Marburg, bệnh nhân thường nặng, nằm bệt một chỗ nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng, quốc gia. Nhìn chung, tỉ lệ lây virus Marburg thấp hơn so với nhóm bệnh có thời gian ủ bệnh dài hoặc bệnh không có triệu chứng.
Dấu hiệu nhiễm virus Marburg
Bệnh do virus Marburg gây ra có biểu hiện ban đầu giống như sốt virus thông thường như: cơ thể sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mỏi cơ khớp, buồn nôn…
Sau đó bệnh nặng lên, bệnh nhân có thể có rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, tử vong tương đối nhanh chóng trong vòng 7 ngày, tương tự virus Ebola.
Nhưng người nhiễm virus Marburg thường có triệu chứng và được cách ly theo quy định. Vì vậy, khả năng bị lây của người Việt Nam do tiếp xúc từ người cũng thấp.
Đến nay, bệnh do virus Marburg gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị, chủ yếu chữa triệu chứng. Bệnh cũng chưa có vắc-xin dự phòng.
Marburg chỉ lây qua tiếp xúc với máu, dịch tiết Theo WHO, virus Marburg lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp qua da hoặc niêm mạc bị tổn thương với máu, dịch tiết, hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh; có thể thông qua giường ngủ, quần áo bị dính các chất dịch này của người bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày, triệu chứng khởi phát bao gồm sốt cao, đau đầu dữ dội, khó chịu nghiêm trọng. Các biểu hiện xuất huyết có thể xuất hiện từ 5-7 ngày sau khi khởi phát. Mặc dù không có vắc-xin hoặc thuốc kháng virus nào được phê duyệt, nhưng Remdesivir đang được sử dụng dưới hình thức thử nghiệm ở một số cơ sở chăm sóc. Việc kiểm soát bùng phát dịch bệnh do Marburg dựa vào một loạt các biện pháp bao gồm cách ly nhanh chóng và quản lý ca bệnh; giám sát bao gồm tích cực xác định ca bệnh, điều tra và truy vết; hoạt động xét nghiệm tối ưu; phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm bao gồm việc chôn cất an toàn; nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp bảo vệ cá nhân; vệ sinh môi trường bao gồm có đủ nước sạch. |