Hỏi bài "đàn anh" khóa trên rồi... đổ luôn!
ThS. BS Lê Chí Hiếu (Hiện công tác tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố), trước đây học ĐH Y Phạm Ngọc Thạch. Còn BS. CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc (Hiện công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1) thì lại là học viên trường ĐH Y Dược TPHCM. Tuy học ở 2 ngôi trường khác nhau, nhưng đến khi học bác sĩ nội trú, anh Hiếu và chị Phúc có cơ duyên gặp nhau. Từ việc hỏi bài, học hỏi kiến thức chuyên môn của "đàn anh" Chí Hiếu, cô bác sĩ trẻ Hồng Phúc dần dần thấy có cảm tình với anh từ lúc nào không biết.
Đều có một tình yêu trẻ con và nhiều điểm chung trong sự nghiệp, cuộc sống, Hiếu và Phúc nhanh chóng từ một đôi bạn trở thành người yêu của nhau, và tiến đến hôn nhân. "Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau cả ngày không chán, không bao giờ hết đề tài. Nói chuyện về chuyên môn, về ca bệnh, về những đứa bé... cùng chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Để tìm được một người thấu hiểu mình như thế không phải dễ, có lẽ vì thế mà chúng tôi mới có thể ở bên nhau lâu vậy", cả hai cho biết.
Hiện tại, lịch trực của cả hai đều khá dày đặc, sau khi tan làm, Hiếu và Phúc trở về bên phòng khám của mình, tiếp tục đón nhận những bệnh nhi vào chữa trị, đến 8h tối mới đóng cửa nghỉ ngơi, hôm sau lại tiếp tục đi làm. Bác sĩ Hiếu hóm hỉnh nói: "Thời gian dành cho phòng khám cũng là thời gian hai vợ chồng dành cho nhau, thay vì hẹn hò ở ngoài thì mình hẹn hò ở... phòng khám, một công đôi việc. Cuối tuần nếu có thời gian rảnh thì chúng tôi mới chở nhau đi dạo phố thư giãn".
Vì muốn tập trung cho sự nghiệp và cho các bệnh nhi nên hai vợ chồng đều chưa có kế hoạch có em bé dù rất yêu thích con nít. Bác sĩ Phúc chia sẻ: "Bây giờ chưa có con nhưng chúng tôi cũng đã xem các em bé như con của mình rồi".
Những phút chạnh lòng nhìn các bé chỉ còn vài tuần để sống...
Suốt những năm tháng thực tập, làm đề tài cho đến khi công tác tại các bệnh viện lớn, vợ chồng bác sĩ Hiếu và Phúc chữa trị cho nhiều ca bệnh từ đơn giản đến phức tạp, có những em bé mà theo bác Hiếu nói "nhìn vào cũng biết bé chỉ còn 3, 4 tuần nữa là phải nói lời tạm biệt rồi". Với những trường hợp đó, cả hai đều phải động viên bố mẹ các bé rất nhiều vì mất mát này không phải ai cũng có thể vượt qua.
"Nhiều bé không phải mắc bệnh nan y, ung thư, mà chỉ là những bệnh nặng của tiêu hóa như xơ gan, viêm tụy cấp nặng không thể mổ hoặc điều trị kháng sinh kém đáp ứng, thì bác sĩ như chúng tôi cũng không thể cứu chữa. Tự nói với bản thân và người nhà các bé rằng có lẽ duyên của các con ở thế giới này chưa đủ", bác sĩ Hiếu xót xa kể lại.
Quan niệm của bác sĩ Hiếu và Phúc khi làm bác sĩ Nhi là phải lạc quan, không để tinh thần của mình bị ảnh hưởng thì mới giúp được cho các bệnh nhi và người nhà các bé.
"Mình bi quan theo người thân bệnh nhi thì mình không vực họ dậy được. Ngày trước, khi phải đi trại tiêu hóa ở các bệnh viện để làm đề tài, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều đôi vợ chồng bỏ công ăn việc làm để theo con nằm viện suốt 2-3 năm trời mà xót xa. Đó là các bé mắc hội chứng ruột ngắn, phải trải qua nhiều lần phẫu thuật. Ngày nào vào viện cũng gặp người thân và các bé, công việc của chúng tôi không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn phải động viên để gia đình không buông xuôi", bác sĩ Phúc kể lại.
Hiện tại, cả hai mới mở phòng khám Nhi đồng Hiếu Phúc được nửa năm nhưng đã có nhiều bệnh nhi đến thăm khám. Hỏi về việc ngành Y đã cho anh chị những gì và lấy đi những gì, bác sĩ Hiếu cười: "Ngành Y đã lấy của chúng tôi điều gì ư? Không, chúng tôi chỉ có 'được' chứ không có mất. Mỗi sáng ngủ dậy, nghĩ rằng hôm nay sẽ được gặp và chữa trị cho các thiên thần nhỏ là thấy cuộc đời ý nghĩa rồi, đây có lẽ là điều mà chúng tôi 'được' nhất khi chọn theo Y và theo Nhi khoa".