Vỗ nhẹ 2 chỗ và làm 2 việc giúp lá gan của phụ nữ khỏe hơn, ứ khí gan tan biến

Đôi khi, không cần chạm vào gan mà tác động lực vừa đủ vào một số vị trí khác trên cơ thể cũng giúp giảm ứ đọng khí, thải độc gan.

Với chị em phụ nữ, ứ đọng khí gan là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra khó chịu, bệnh tật ở gan. Nói cách khác là gan bị nóng, khí huyết của gan không được lưu thông, gan bị tích tụ nhiều “chất thải” độc hại.

Những điều này có thể được hình thành từ những thói quen nhỏ trong cuộc sống. Nhất là thức khuya, ăn uống thiếu lành mạnh và tâm trạng tiêu cực, thất thường, hay tức giận. Đặc biệt, gan ứ khí lại càng khiến chị em dễ khó chịu trong người, hay tức giận và dễ rối loạn ăn uống - chúng như một vòng tròn luẩn quẩn bào mòn sức khỏe của chị em. Nếu muốn thoát khỏi tình trạng này, hãy vỗ nhẹ 2 chỗ và làm 2 việc sau đây mỗi ngày:

Vỗ nhẹ 2 vị trí để điều hòa khí gan

Hai vị trí nên được vỗ nhẹ để gan khỏe mạnh, ứ khí gan tan biến nhanh là nách và mu bàn chân.

Nách

Y học cổ truyền cho rằng gan tạo ra ác khí ở nách. Những người nóng nảy, cáu kỉnh, hay tức giận thường bị sưng hoặc/và đau ở nách. Có thể là do gan ứ trệ ảnh hưởng tới mạch máu, hạch bạch huyết, quá trình thải độc gây tắc nghẽn kinh mạch, sưng phù bạch huyết.

Vỗ nhẹ 2 chỗ và làm 2 việc giúp lá gan của phụ nữ khỏe hơn, ứ khí gan tan biến - Ảnh 1.

Vỗ nhẹ vào nách, nhất là tại chính huyệt Cực tuyền có thể giúp giảm ứ đọng khí gan (Ảnh minh họa)

Ở nách có một huyệt gọi là huyệt Cực Tuyền là điểm khởi đầu của kinh tim. Khi vỗ nhẹ vào nách và kích thích huyệt này một cách vừa phải không chỉ có tác dụng xoa dịu gan, đả thông kinh mạch mà còn có thể làm giảm ứ đọng khí trong tim và cải thiện các vấn đề về tim như đau thắt ngực và bệnh tim mạch vành. Vì vậy, khi tim cảm thấy khó chịu, bạn có thể vỗ nhẹ vào nách để nhanh chóng giảm bớt tình trạng tim đập nhanh và các vấn đề khác.

Với nữ giới, nên vỗ nhẹ vào cả hai bên nách hàng ngày để giải độc ứ đọng gan, kiểm soát nhịp tim và tâm trạng. Đồng thời cũng có thể cải thiện các vấn đề phụ khoa như tăng sản vú, kinh nguyệt không đều và đau bụng kinh do ứ đọng gan khí.

Khi vỗ nách có thể dùng lòng bàn tay hơi khum hoặc nắm tay thành nắm đấm. Khi vỗ không dùng nhiều lực, mà nhẹ nhàng và đều đặn, trong trạng thái cơ thể thư giãn. Mỗi lần vỗ nách nên kéo dài từ ba đến năm phút, luân phiên từ trái sang phải.

Mu bàn chân

Sở dĩ chị em nên vỗ nhẹ vào mu bàn chân khi muốn giảm ứ đọng khí gan là bởi nó tác động vừa phải tới đường Kinh can và tập trung vào huyệt Thái xung. Đây là 2 yếu tố tác động rất lớn tới sức khỏe, nhất là khí huyết gan trong y học cổ truyền.

Để xác định vị trí của huyệt thái xung, hãy để chân song song dưới sàn nhà, đưa tay lên tìm điểm sau của khe giữa ở ngón chân cái và ngón thứ 2. Từ vị trí khe giữa đó lên 1.5 thốn chính là huyệt thái xung. Huyệt nằm ở vùng lõm của hai xương ngón chân 1 và 2. Khi vỗ nhẹ bằng nắm đấm tay hoặc massage theo vòng tròn bằng ngón tay với lực nhẹ có thể giúp cải thiện tâm trạng tức thời. Đây cũng là huyệt đạo giúp giải độc gan, tăng cường lưu thông khí huyết cho gan, giảm nóng gan. Nên làm khoảng 3 - 5 phút mỗi ngày ở cả hai chân.

Vỗ nhẹ 2 chỗ và làm 2 việc giúp lá gan của phụ nữ khỏe hơn, ứ khí gan tan biến - Ảnh 2.

Muốn dưỡng gan, chị em có thể vỗ nhẹ hoặc massage nhẹ nhàng ở huyệt Thái xung trên bàn chân (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, việc vỗ nhẹ hoặc đấm nhẹ vào mu bàn chân còn là để tác động tới đường Kinh can, được nối tiếp giáp với huyệt Thái xung. Đường này kéo dài từ mu bàn chân lên tận ngực, nhưng phần ở bàn chân là quan trọng nhất với khí gan. Ngoài ra, cũng có thể vỗ nhẹ hoặc massage nhẹ từ đùi trong thẳng xuống tận huyệt Thái xung để tăng hiệu quả giảm ứ gan, bồi bổ gan.

2 việc nên làm mỗi ngày để giải tỏa ứ đọng khí gan

Như đã nói, nếu muốn xoa dịu gan, giải tỏa ứ đọng thì việc điều chỉnh tâm trạng, tránh tức giận rất quan trọng. Nhưng điều đáng lo là khi gan ứ đọng khí thường sinh ra cảm giác khó chịu, dễ tức giận hơn bình thường rất nhiều. Chính vì vậy, chị em nên làm 2 việc sau đây để cải thiện sức khỏe gan trước, xoa dịu gan và để nó phục hồi nhanh hơn:

Đi ngủ sớm, dậy sớm

Các chức năng nội tiết và ngoại tiết của gan đều sẽ thực hiện tốt nhất khi cơ thể trong trạng thái ngủ say. Vì vậy, khung giờ làm việc quan trọng nhất của gan mật là từ 23h - 3h. Trong đó, từ 1h - 3h, bạn cần ngủ sâu để gan có thể thanh lọc cơ thể tốt nhất. Từ 3h - 5h, gan sẽ hoàn thành quá trình thanh lọc và nghỉ ngơi. Còn 5h - 7h là thời điểm vàng để thức dậy và vệ sinh cá nhân để cơ thể đào thải độc tố ra ngoài.

Chưa kể, việc thức khuya làm tăng gánh nặng cho gan do tăng sinh phản ứng oxy hóa sản sinh nhiều chất trung gian độc hại, kích hoạt tế bào kupffer độc hại. Nên nếu chúng ta thức khuya, ngủ sau 23h và dậy quá muộn thì tức là đồng hồ sinh học của gan bị trục trặc, gây rối loạn chức năng, ứ đọng khí gan là điều dễ hiểu.

Thức khuya còn khiến cơ thể tiết adrenalin nhiều hơn so với người bình thường, dẫn tới gia tăng gánh nặng cho gan và thận. Thói xấu này làm hệ miễn dịch suy yếu, giảm khả năng tự sửa chữa phục hồi của gan yếu đi.

Uống nhiều nước và uống nước rải rác trong ngày

Y học cổ truyền thường coi “lấy nước dập lửa” là một cách giảm nóng gan, giải tỏa khí gan, tăng cường thải độc gan nhờ uống nước đúng cách. Uống nước đúng cách và tốt cho gan ở đâu không chỉ là uống đủ nước, uống nhiều nước hơn bình thường mà còn phải uống một cách chậm rãi, rải rác vào nhiều thời điểm trong ngày.

Nước giúp quá trình chuyển hóa các tế bào mỡ diễn ra tốt hơn, ngược lại lượng nước trong cơ thể thấp sẽ làm tăng quá trình tích tụ mỡ. Nếu không có đủ nước, các chức năng của thận sẽ hoạt động không đầy đủ và đẩy bớt phần việc qua cho gan. Trong khi đó chức năng chính của gan là chuyển hóa các chất béo, khi phải đảm nhận thêm vai trò của thận, hiệu suất của chức năng chính bị giảm xuống.

Vỗ nhẹ 2 chỗ và làm 2 việc giúp lá gan của phụ nữ khỏe hơn, ứ khí gan tan biến - Ảnh 3.

Uống nước lọc chậm rãi, rải rác vào nhiều thời điểm trong ngày giúp chị em ít tức giận, gan khỏe hơn (Ảnh minh họa)

Nếu thiếu nước, cơ thể sẽ bị suy kiệt. Các độc tố trong gan, thận không được thanh lọc và đào thải ra bên ngoài gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, mỗi ngày bạn nên uống trung bình 2 lít nước để cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Cũng nên lưu ý chọn nguồn nước sạch, đã được lọc các chất bẩn.

Nguồn và ảnh: NetEase Health, Sohu, ETtoday