Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn, và tỉ lệ các ca bệnh đậu mùa khỉ vẫn tiếp tục gia tăng, thì mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về 1 loại virus có tên là Marburg.
2 trường hợp tử vong có kết quả dương tính với virus Marburg
Theo tờ Washington Post, vào ngày 17/7 vừa qua đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong (một người 26 tuổi và một người 51 tuổi) có kết quả dương tính với virus Marburg ở vùng Ashanti phía Nam Ghana. Cả 2 trường hợp này đều có triệu chứng như sốt, buồn nôn, tiêu chảy trước khi qua đời.
Giới chức y tế nước này đã phản ứng nhanh chóng để cách ly những người tiếp xúc nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus. Hiện, đã có ít nhất 90 người tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân này đã được nhận diện và phải theo dõi y tế.
Theo Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi: "Cơ quan y tế đã phản ứng nhanh, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị mọi tình huống cho đợt bùng phát có thể xảy ra. Điều này rất cần thiết bởi nếu chúng ta không hành động ngay lập tức và dứt khoát, Marburg có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi đang chuẩn bị thêm nguồn lực để ứng phó".
Virus Marburg là gì?
Theo WHO, bệnh do virus Marburg là một bệnh có độc lực cao, gây sốt xuất huyết, với tỷ lệ tử vong lên đến 88%. Loại virus này cùng họ với virus gây bệnh Ebola. Thời gian ủ bệnh do virus Marburg giao động từ 2 đến 21 ngày.
Marburg có lẽ đã được truyền sang người từ dơi ăn quả châu Phi do tiếp xúc lâu dài từ những người làm việc trong các hầm mỏ và hang động có đàn dơi Rousettus. Nó không phải là một bệnh lây truyền qua không khí.
Một khi ai đó bị nhiễm, virus có thể lây lan dễ dàng giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể người như máu, nước bọt hoặc nước tiểu. Nhân viên y tế là đối tượng rủi ro cao nhất khi họ phải tiếp xúc với bệnh nhân, cùng các thi thể vẫn có khả năng lây nhiễm.
Các trường hợp đầu tiên của virus Marburg được xác định ở châu Âu vào năm 1967. Đã có 2 đợt bùng phát ở Đức và Serbia, có ít nhất 7 trường hợp tử vong đã được báo cáo. Trong 2 đợt bùng phát này, nguồn lây nhiễm được xác định là do khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Uganda hoặc mô của chúng trong khi tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Các triệu chứng khi nhiễm virus Marburg như thế nào?
Theo WHO, bệnh bắt đầu “đột ngột”, với biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội và khó chịu. Đau nhức cơ và chuột rút cũng là những dấu hiệu phổ biến.
Những trường hợp tử vong thường xảy ra từ 8 đến 9 ngày sau khi bệnh khởi phát. Người bệnh tử vong vì mất máu, xuất huyết nghiêm trọng, rối loạn chức năng đa cơ quan.
CDC Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng vào khoảng ngày thứ năm sau khi mắc bệnh, có thể xuất hiện phát ban không ngứa trên ngực, lưng và vùng bụng. Quá trình chẩn đoán lâm sàng của virus Marburg "có thể khó khăn" bởi triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt rét, thương hàn...
Nhiễm virus Marburg có thể được điều trị không?
Hiện nay, không có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được chấp thuận để điều trị bệnh do virus Marburg.
Tuy nhiên, chăm sóc y tế có thể cải thiện tỷ lệ sống sót như bù nước bằng đường uống hoặc dịch truyền tĩnh mạch, duy trì nồng độ oxy, sử dụng liệu pháp điều trị bằng thuốc và điều trị các triệu chứng cụ thể khi chúng phát sinh. Một số chuyên gia y tế cho biết các loại thuốc tương tự như thuốc được sử dụng cho Ebola có thể có hiệu quả.
CDC Hoa Kỳ cho biết một số "phương pháp điều trị thử nghiệm" cho người nhiễm virus Marburg đã được thử nghiệm trên động vật nhưng chưa bao giờ được thử nghiệm trên người.
WHO cho hay, các mẫu virus được thu thập từ bệnh nhân để nghiên cứu là một “nguy cơ sinh học cực kỳ nguy hiểm” và việc kiểm tra trong phòng thí nghiệm nên được tiến hành trong “các điều kiện ngăn chặn sinh học tối đa”.
Động thái của WHO trong việc ứng phó với virus Marburg
Trong tuần này, WHO sẽ cử chuyên gia đến Ghana, gửi các thiết bị bảo vệ cá nhân, tăng cường giám sát dịch bệnh và sẵn sàng ứng phó. Thông tin chi tiết có thể sẽ được chia sẻ tại cuộc họp giao ban trực tuyến của WHO Châu Phi diễn ra vào thứ năm hàng tuần.
“Bệnh do virus Marburg là một bệnh nhiễm trùng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao. Điều quan trọng là cần phải tìm hiểu cách mà virus xâm nhập vào con người để ngăn chặn bất kỳ trường hợp nào tiếp theo. Hiện tại, nguy cơ lây lan của dịch ra bên ngoài vùng Ashanti của Ghana là rất thấp", Giáo sư Jimmy Whitworth, thuộc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London nói với tờ Washington Post hôm 18/7.
(Nguồn: WHO, Washington Post)