Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn 2018 - 2030, số ca mắc mới ung thư cổ tử cung hàng năm trên thế giới dự kiến sẽ tăng từ 570 nghìn lên 700 nghìn ca, số ca tử vong tăng từ 311 nghìn lên 400 nghìn ca.
Đặc biệt, phụ nữ ở các nước thu nhập thấp và trung bình có tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh này cao gấp 3 lần so với phụ nữ ở những nước thu nhập cao. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100 nghìn phụ nữ thì có 20 người mắc ung thư cổ tử cung, và 11 trường hợp trong số đó tử vong.
Để giải thích cho sự gia tăng đột biến số người mắc ung thư cổ tử cung trong độ tuổi dưới 30, WHO liệt kê 3 nguyên nhân hàng dưới đây.
1. Nhiễm HPV
Nhiễm virus u nhú ở người (HPV) được WHO xếp loại là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Có khoảng 200 loại virus HPV, trong đó có 15 loại gây ra ung thư. HPV 16 và HPV 18 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Đáng lo ngại là khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất 1 lần trong đời. Độ tuổi dễ nhiễm nhất là từ 20 đến 30 tuổi. Những bạn nữ bắt đầu quan hệ tình dục sớm hơn hoặc có nhiều bạn tình có nguy cơ nhiễm virus HPV cao hơn.
Hiện nay đã có vắc xin HPV chuyên biệt để phòng tránh ung thư cổ tử cung, nhưng tỷ lệ người tiêm nó trước 20 hoặc 25 tuổi lại chưa cao, nhất là các nước nghèo và đang phát triển.
2. Tăng sản nội mạc tử cung
Chứng tăng sản nội mạc tử cung xảy ra do lượng estrogen tăng quá mức nhưng lại thiếu progesterone. Sự thiếu hụt này khiến lớp nội mạc tử cung không bị bong ra mà tiếp tục tăng sản, các tế bào của lớp nội mạc có thể tích tụ thành các khối u, nhiều nguy cơ phát triển thành ung thư.
Ngoài ra, nhiễm virus HPV 16, 18, 45, 56 cũng là nguyên nhân gây ra hoặc đẩy nhanh quá trình tăng sản nội mạc tử cung. Các triệu chứng chủ yếu của chứng tăng sản nội mạc tử cung bao gồm:
- Chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn hoặc kéo dài hơn bình thường.
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày.
- Chảy máu âm đạo sau mãn kinh.
Chứng tăng sản nội mạc tử cung thường xảy ra trong giai đoạn từ 20 đến 30 tuổi, sau đó mới tiến triển thành ung thư. Vì vậy, bạn hãy tiêm đầy đủ vắc xin HPV, thăm khám sức khỏe sinh sản ít nhất 6 tháng 1 lần; khi có 1 trong 3 triệu chứng kể trên, hãy đi gặp bác sĩ chuyên môn.
3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung
Ngoài 2 nguyên nhân trực tiếp trên, còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở các bạn nữ, bao gồm:
- Tình dục không lành mạnh: Số lượng bạn tình tỷ lệ thuận với nguy cơ nhiễm virus HPV, tức bạn càng có nhiều bạn tình thì nguy cơ lây nhiễm càng cao. Ngoài ra, quan hệ tình dục ở trẻ vị thành niên khiến nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn hẳn vì tử cung rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
- Mang thai sớm hoặc mang thai nhiều lần: Mang thai và sinh nở trước 17 tuổi khiến cơ quan sinh dục và tử cung chưa phát triển hoàn toàn bị tổn thương nặng. Bên cạnh đó, việc sinh con trên 4 lần cũng làm tử cung bị tổn thương, dễ gây ung thư cổ tử cung.
- Hút thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá làm giảm hệ miễn dịch, mất cân bằng ADN khiến cơ thể dễ bị ung thư tấn công.
Cuối cùng, suy giảm miễn dịch hay vệ sinh cá nhân kém, thường xuyên dùng thuốc tránh thai… cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh khủng khiếp này.
Nguồn và ảnh: QQ, WHO, Asian One