WHO và FAO khuyến nghị "nguyên tắc vàng" trong ăn uống để đẩy lùi bệnh tật

Chế độ ăn uống khoa học là yếu tố hàng đầu để có một cuộc sống khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật.

Nếu muốn đẩy lùi bệnh tật, sống lâu hơn hãy làm theo các khuyến nghị của WHO (Tổ chức y tế Thế giới) và FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) sau đây:

Chế độ ăn đẩy lùi bệnh tật

Không có bất cứ loại thần dược nào có thể giúp chúng ta không bao giờ bị bệnh nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm rất nhiều điều để giảm nguy cơ đau ốm, bệnh tật. Cân nhắc những gì mình sẽ ăn, loại bỏ những thực phẩm không tốt cho sức khỏe là nguyên tắc đầu tiên để có sức khoẻ tốt.

WHO và FAO khuyến nghị nguyên tắc vàng trong ăn uống để đẩy lùi bệnh tật - Ảnh 1.

Chế độ ăn uống sẽ quyết định sức khỏe và tuổi thọ của bạn (Ảnh minh họa)

Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Medical Journal of Dr. D.Y. Patil Vidyapeeth, đa dạng chế độ ăn uống là thói quen ăn uống tốt nhất giúp giảm nguy cơ mắc và giảm mức độ nghiêm trọng của các bệnh mạn tính.

Đa dạng chế độ ăn uống giúp đảm bảo nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, đồng thời giảm thiểu được các rủi ro trong quá trình tiêu thụ thực phẩm.

Một nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 12/2016 tới tháng 1/2017 trên 216 người trưởng thành về đa dạng chế độ ăn uống, cho thấy gần 45,4% người tham gia đã có sự đa dạng trong chế độ ăn uống. Các tác giả của nghiên cứu nhận thấy tuổi tác, nơi cư trú, đặc điểm gia đình và nghề nghiệp cũng có tác động đáng kể đến việc thực hiện sự đa dạng trong chế độ ăn uống hàng ngày. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc đa dạng các loại thực phẩm trong khẩu phần ăn uống là điều cần phải thực hiện ngay từ giai đoạn đầu đời để cơ thể có đủ nguồn dinh dưỡng để tăng trưởng và phát triển tốt.

Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng chất lượng dinh dưỡng tổng thể sẽ được cải thiện khi mọi người có một chế độ ăn uống đa dạng. Một chế độ ăn thiếu sự đa dạng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần như làm giảm năng lực thể chất, giảm khả năng chống nhiễm trùng và giảm sự phát triển nhận thức, giảm khả năng sinh sản,...

WHO và FAO khuyến nghị nguyên tắc vàng trong ăn uống để đẩy lùi bệnh tật - Ảnh 2.

Đa dạng thực phẩm là nguyên tắc ăn uống để bảo vệ sức khỏe (Ảnh minh họa)

Thêm vào đó, các loại thực phẩm khác nhau có chứa các vitamin, chất dinh dưỡng, khoáng chất và hợp chất thực vật hoạt động như chất chống oxy hóa khác nhau. Bạn có thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết để nâng cao sức khoẻ và giảm nguy cơ bệnh tật bằng việc duy trì 1 chế độ uống ăn đa dạng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi tuần chúng ta nên tiêu thụ ít nhất từ 20-30 loại thực phẩm khác nhau về mặt sinh học để có một chế độ ăn uống lành mạnh.

Theo các chuyên gia của Đại học British Columbia, ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ quan điểm cho rằng đa dạng chế độ ăn uống (từ 5-6 nhóm thực phẩm) có liên quan đến việc giảm nguy cơ trầm cảm, tiểu đường loại 2, hen suyễn, dị ứng thực phẩm, hội chứng chuyển hóa, loãng xương và thậm chí tử vong.

Đa dạng chế độ ăn uống, đặc biệt là đa dạng rau và trái cây, cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư bao gồm ung thư miệng, họng, thanh quản, phổi và bàng quang.

Làm thế nào để đa dạng chế độ ăn một cách hợp lý?

WHO và FAO khuyến nghị nguyên tắc vàng trong ăn uống để đẩy lùi bệnh tật - Ảnh 3.

Hướng dẫn đa dạng chế độ ăn uống của FAO (Ảnh: FAO)

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), ''Điểm Đa dạng Chế độ Ăn uống Hộ gia đình - HDDS'' là một cách đo lường sự đa dạng trong chế độ ăn uống. Điểm này được tính bằng cách ghi lại những thức ăn mà bạn đã tiêu thụ trong 24h theo các nhóm thực phẩm: Ngũ cốc; các loại củ; các loại rau; trái cây; thịt; trứng; cá và các loại hải sản khác; các loại đậu, quả hạch và hạt; sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu và chất béo; đồ ngọt; gia vị và đồ uống.

Ngoài đa dạng loại thực phẩm, bạn cũng nên đa dạng cách thức chế biến thực phẩm. Đồng thời, hãy ăn thực phẩm có nhiều màu sắc khác nhau để tăng cường các chất dinh dưỡng cũng như chất chống oxy hóa khác nhau.

(Nguồn: Eat This, The Conversation)