Chương trình y tế nổi tiếng Đài Loan (Trung Quốc) The Doctor Is Hot số gần đây khiến nhiều người bất ngờ khi chia sẻ lý do khó có con của 1 nam đầu bếp 30 tuổi. Người chia sẻ ca bệnh đặc biệt này là tiến sĩ đã chuyên khoa thận Hong Yongxiang tại Bệnh viện Đa khoa Quân y số 3. Để bảo mật thông tin cá nhân, bệnh nhân sẽ được gọi với tên là anh Trần.
Được biết, anh Trần theo học chuyên ngành Dinh dưỡng và ẩm thực tại 1 trường đại học khá nổi tiếng. Tốt nghiệp không bao lâu, anh kết hôn với bạn gái đã quen nhiều năm ở tuổi 23 và sinh đứa con đầu lòng ngay trong năm đó.
Khoảng 2 năm tiếp theo, mặc dù luôn không dùng biện pháp tránh thai nhưng vợ chồng anh vẫn không thấy tin vui. Nhưng vì cả 2 còn trẻ, nhà hàng mới mở rất bận rộn và nghĩ "con cái là trời cho" nên họ không áp lực gì.
Đến khi con đầu lòng được 7 tuổi, gia đình nội ngoại 2 bên cũng bắt đầu giục vợ chồng anh Trần sinh đứa thứ 2. Sức khỏe của cả 2 vợ chồng đều rất tốt, sinh hoạt tình dục cũng đều đặn nên việc không thể có thai khiến cả hai vô cùng lo lắng.
Tuy nhiên, tất cả mọi người trong nhà đều cho rằng vấn đề nằm ở cô vợ khó thụ thai. Cũng vì thế mà anh Trần bắt đầu tìm hiểu và chế biến nhiều món ăn bồi bổ cho vợ, nhất là những món hỗ trợ cho việc thụ thai. Nhưng mãi mà không thấy kết quả nên cả 2 quyết định đi khám sức khỏe sinh sản. Lúc này mới vỡ lẽ khi chị vợ hoàn toàn khỏe mạnh trong khi tinh trùng của anh chồng lại có vấn đề.
Tiến sĩ Hong cho biết, số lượng tinh trùng của anh Trần không đủ và khả năng di chuyển của tinh trùng cũng rất kém. Đó là lý do suốt 7 năm sau khi sinh đứa con đầu, 2 người họ mãi không thể có con thứ hai.
Nguyên nhân khó có con đến từ nghề đầu bếp của anh Trần
Theo tiến sĩ Hong, thông thường mỗi lần xuất tinh thì nam giới xuất khoảng 1.5 - 5ml tinh dịch, trong đó chứa tối thiểu khoảng 40 triệu tinh trùng. Như vậy, nồng độ tinh trùng dao động bình thường tối thiểu 15 triệu trên mỗi ml tinh dịch. Nếu ít hơn 15 triệu tinh trùng trên mỗi 1ml tinh dịch hoặc ít hơn 39 triệu tinh trùng mỗi lần thì được gọi là tinh trùng ít.
Tinh trùng khỏe mạnh là trong số đó phải có ít nhất 40% tinh trùng có thể di chuyển hoặc 32% tinh trùng bơi về phía trước. Đồng thời có ít nhất 04% tinh trùng có hình dạng bình thường với tỷ lệ tinh trùng sống là 58% trở lên. Nếu thấp hơn các chỉ số này thì tức là nam giới có tinh trùng yếu.
Sau khi điều tra bệnh sử, phát hiện nguyên nhân gây ra tình trạng tinh trùng ít và tinh trùng yếu của anh Trần đến từ đặc thù nghề nghiệp. Cụ thể, anh thường xuyên làm việc với nhiệt độ cao hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Các món của nhà hàng chủ yếu liên quan đến lò nướng và cũng không quá đông khách nên anh Trần thường làm việc 1 mình trong bếp. Chỉ thuê thêm nhân viên phục vụ và thu ngân.
Hơn nữa, nghề nghiệp cùng sở thích ăn uống khiến anh Trần bị thừa cân khá nhiều. Từ 1 cậu sinh viên mảnh khảnh năm nào, sau 7 năm đã trở thành 1 người đàn ông mập mạp, bụng phệ khi mới bước vào tuổi 30. Tiến sĩ Hong nhấn mạnh rằng, dù chưa tới mức béo phì nhưng thừa cân cũng là 1 trong những yếu tố làm giảm chất lượng tinh trùng của nam đầu bếp này.
Nghe lời bác sĩ, anh Trần thuê thêm 1 phụ bếp để giảm thiểu khối lượng công việc cũng như thời gian tiếp xúc với lò nướng. Đồng thời, anh cũng bắt đầu điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, ăn kiêng và tập thể dục để giảm cân. May mắn là sau đó khoảng gần 1 năm thì chất lượng tinh trùng của anh đã cải thiện rất nhiều, gia đình anh cũng đón tin vui khi chị vợ mang thai lần thứ hai.
6 chất dinh dưỡng chính giúp cải thiện tinh trùng
Thông qua trường hợp của anh Trần, Tiến sĩ Hong cũng nhắc nhở các cặp vợ chồng dù là còn trẻ, nhất là nam giới hãy quan tâm và cởi mở hơn trong sức khỏe sinh sản. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thói quen ăn uống, béo phì, căng thẳng, lười vận động, hút thuốc hay bia rượu, tình dục không lành mạnh, dùng chất kích thích… có thể làm suy giảm khả năng sinh sản của nam giới.
Đồng thời, cũng có nhiều chất dinh dưỡng có thể cải thiện chất lượng tinh trùng, đặc biệt là khả năng vận động của tinh trùng.
Vì vậy, nam giới đang muốn có con hãy thường xuyên bổ sung thực phẩm theo 6 nhóm chất sau đây:
- Kẽm: có nhiều ở hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt, sữa…
- Folat: bổ sung bằng cách ăn nhiều rau lá xanh đậm, trái cây đặc biệt là cam, hạt các loại đậu, bánh mì, mì ống…
- Nhóm Vitamin E, C, B12: vitamin B12 có trong cá, hải sản đặc biệt là nghêu, thịt và gan gia cầm, sữa, trứng, nấm… Vitamin C có trong trái cây và nước ép, ớt chuông, kiwi, rau họ cải, khoai tây… Còn vitamin D có nhiều trong dầu thực vật (dầu bắp, hướng dương), hạt và đậu, rau xanh lá đậm, bơ thực vật…
- Axit béo Omega-3: bổ sung qua việc ăn cá và hải sản, các loại hạt, dầu thực vật…
- Coenzyme Q10 và Axit aspartic: có trong thịt đỏ, thịt gia cầm, cá biển sâu, các loại hạt như đậu phộng, hạt hướng dương và dẻ cười…
Nguồn và ảnh: Skypost, Asia One, Family Doctor