Trong 1 video trên mạng xã hội Tiktok do tài khoản @chungng1964 đăng tải https://vt.tiktok.com/ZS2oBsyTQ/, 1 người phụ nữ ở khoảng độ tuổi trung niên nói lời cảm ơn "thầy" vì đã truyền cho năng lượng, giúp bà tiết thực (nhịn ăn) 26 ngày qua.
Theo nội dung video, người phụ nữ kể trên có bệnh ung thư tuyến giáp, ung thư đại tràng, parkinson. Sau 26 ngày tiết thực, người phụ nữ này được uống 1 cốc nước gạo rang, vừa uống vừa nói: "Dạ dày, đại tràng ơi! Hôm nay mình uống nước gạo, chúng ta cùng đồng hành để ăn uống nhá…. Cảm ơn các bạn đã chiến đầu cùng 26 ngày qua. Bây giờ mình khỏi hết bệnh rồi. Bây giờ mình được uống nước gạo. Mình với các bạn đồng hành với nhau để ăn uống nhá. Bạn giúp mình nhé, để ăn uống cho khỏe mạnh nhá, cơ thể bình thường, khỏe mạnh".
Những người phụ nữ chia sẻ về việc tiết thực để trị bệnh ung thư. Ảnh chụp màn hình.
Cũng trong video này, 2 người phụ nữ khác cùng độ tuổi với người phụ nữ nói trên cho biết hai người đã tiết thực 24 ngày và 15 ngày. Người tiết thực 24 ngày bị ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến yên, có cục máu đông 4x6. Người tiết thực 15 bị ung thư trực tràng, chị này chia sẻ bản thân thấy mệt, nhưng cũng cố gắng để qua tất cả bệnh tật.
Trong 1 video khác cũng do tài khoản @chungng1964 đăng tải với nội dung "kết quả học viên 3 ka tiết thực 24 ngày", người phụ nữ trong video cũng cho biết bản thân đã khỏi bệnh.
Sau khi những video kể trên được lan truyền, nhiều người cho rằng, nội dung video không được kiểm chứng, không đáng tin. Tuy nhiên, nhiều người lại tỏ ra đồng tình và tán thành việc tiết thực để chữa bệnh, vì cho rằng cơ thể đói thì "bệnh cũng đói", cơ thể bị bỏ đói thì các tế bào ung thư cũng sẽ bị triệt tiêu.Nhịn ăn để chữa ung thư là thiếu cơ sở khoa học, nguy hiểm cho người bệnh
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Hòa – Trưởng khoa Nội 2, Bệnh viện K khẳng định: Nhịn ăn nhiều ngày để chữa bách bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư là không có cơ sở khoa học chứng minh. Hành động không giúp bệnh nhân chữa khỏi bệnh, mà còn có thể khiến bệnh nhân bị suy kiệt nặng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Hòa cho biết, đối với ung thư, hiện có các phương pháp chữa bệnh chính thống, đã được khoa học chứng minh bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và 1 số liệu pháp điều trị toàn thân.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Hòa chia sẻ trong một buổi Hội thảo cập nhật các tiến bộ trong điều trị ung thư phổi.
Dinh dưỡng cũng đóng 1 vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Dinh dưỡng đúng, đầy đủ giúp cho bệnh nhân có đủ sức khỏe để có thể tiếp cận được các liệu pháp điều trị chính thống. Và khi tiếp cận được các liệu pháp này bệnh nhân mới có cơ hội kéo dài được thời gian sống, với những bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể sẽ khỏi bệnh.
"Nếu chữa bệnh ung thư bằng những phương pháp không đúng, thiếu cơ sở khoa học, sẽ không giúp bệnh nhân khỏi bệnh, mà còn khiến bệnh nhân bị suy kiệt. Khi cơ thể suy kiệt thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm và tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh hơn. Bệnh vì thế sẽ nặng lên, có thể khiến bệnh nhân mất đi cơ hội sống…", PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Hòa nói.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Hòa cũng cho hay, tế bào ung thư không ăn thức ăn giống như cơ thể con người. Chính vì vậy việc nhịn ăn sẽ không có hiệu quả làm triệt tiêu tế bào ung thư.
"Tế bào ung thư phát triển theo cách tự nhân đôi theo cấp số nhân, từ 1 tế bào ung thư sẽ nhân lên thành 2, từ 2 nhân lên thành 4, từ 4 nhân lên thành 16… Tế bào ung thư không sử dụng chất dinh dưỡng mà con người ăn vào để nuôi sống, mà nó sẽ tự nhân lên. Tế bào ung thư chỉ có thể chết đi khi người bệnh được điều trị bằng các liệu pháp điều trị chính thống", PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Hòa khẳng định.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Hòa, có một số khối u phụ thuộc vào nội tiết như u xơ tử cung, u xơ vú…, các thức ăn làm tăng nội tiết tố nữ có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của khối u. Tuy nhiên, đây là những khối u lành, còn đối với ung thư thì hoàn toàn khác, chúng không hề phụ thuộc vào thức ăn, mà sẽ tự nhân đôi theo cấp số nhân để phát triển.
"Đối với tất cả loại ung thư, bệnh nhân đều phải ăn uống đủ chất. Việc kiêng một số thực phẩm trong quá trình điều trị còn phải phụ thuộc vào loại thuốc bệnh nhân sử dụng. Như việc sử dụng loại thực phẩm đó sẽ làm tăng hoặc giảm nồng độ thuốc trong máu thì sẽ phải thận trong trong khi điều trị. Và để biết bệnh nhân cần kiêng loại thức ăn, thực phẩm gì thì chắc chắn trước khi điều trị bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn và dặn dò kỹ lưỡng", Trưởng khoa Nội 2, BV K Trung ương cho biết.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Hòa cũng khuyến cáo, trong khi điều trị ung thư, bệnh nhân cần phải được ăn uống đủ chất. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, hóa trị, xạ trị,.. bệnh nhân cũng cần phải thường xuyên phải trao đổi với bác sĩ của mình về chế độ dinh dưỡng, hay các sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc đông y, thuốc nam… mà bệnh nhân tự mua về dùng thêm trong quá trình điều trị.
"Bệnh nhân tuyệt đối không nên tin vào những thông tin thiếu cơ sở khoa học được lan truyền trên mạng. Cần tin vào những phương pháp điều trị chính thống, không tự ý mua các sản phẩm thuốc nam, lá cây… không rõ nguồn gốc về để sử dụng. Nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư đã bị suy thận, suy gan khi tự ý sử dụng những sản phẩm này, làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị của bệnh nhân", PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Hòa nhấn mạnh.