Nếu như cách đây nửa thế kỷ, chỉ những người giàu có mới có thể mua được những món hàng hiệu đắt đỏ, thì giờ đây, kinh tế không ngừng phát triển khiến xa xỉ phẩm trở thành cơn khát của không chỉ riêng ai. Nhanh chóng nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, các nhãn hàng bắt tay vào cuộc chiến khẳng định mức độ xa xỉ ở sản phẩm của họ, thông qua hàng loạt tiêu chí như sau:
Một show diễn xa xỉ của thương hiệu Prada
1. Sử dụng kỹ thuật thủ công đỉnh cao, tạo ra những sản phẩm người ta phải tấm tắc trong từng đường kim mũi chỉ
Mọi sản phẩm phải được làm thủ công từ những chất liệu tốt và tuân theo tiêu chuẩn khắt khe nhất của nghệ thuật may mặc. Chính thao tác làm việc thủ công đã đẩy cao giá trị của sự tỉ mỉ, là hiện thân của tính sang trọng. Tính nghệ thuật, sự khéo léo và độ bền bỉ đã chiều lòng con mắt sành sỏi và khó tính của những người lắm tiền nhiều của.
Đó là lý do tại sao Louis Vuitton tự hào rằng những chiếc vali hoặc túi xách của thương hiệu đã phải trải qua hơn 1000 công đoạn trước khi đến tay khách hàng. Và Ermenegildo Zegna điều hành các nhà máy riêng để dệt các loại vải mà họ sử dụng riêng trong trang phục của mình. Hay như Chanel, luôn có những chiếc đầm may đo cao cấp mà các nghệ nhân phải mất nhiều ngày chỉ để đính kết vài tiểu tiết tinh tế lên đó.
Tất nhiên, một tay nghề sắc sảo sẽ là nhân tố không thể thiếu trong những xưởng may trang phục cao cấp. Gucci nhấn mạnh điều này trong chiến dịch quảng cáo kỷ niệm 90 năm thành lập, nơi họ giới thiệu những bức ảnh đen trắng về xưởng của họ từ thập niên 50. Kiến thức chế tác hoàn hảo được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác chính là kim chỉ nam trong sự nghiệp của nhãn hiệu.
2. Dùng sự khan hiếm để kích thích tâm lý mua sắm
Thứ gì càng hiếm lại càng có giá. Đối với xa xỉ phẩm, độ khan hiếm sẽ đẩy giá trị sản phẩm tới mức ''dương vô cùng". Nhiều thương hiệu đã phân bổ sản phẩm và kiểm soát số lượng hàng hoá bán ra để chúng không bị bão hoà.
Việc khách hàng phải chờ đợi hàng năm trời, cố gắng mua ít nhất vài trăm triệu tiền hàng hoá để sở hữu một chiếc túi Hermès Birkin là cái giá phải trả cho sự khan hiếm. Nó khiến người ta nghĩ: nếu nhiều người chờ đợi nó đến vậy thì nó phải thực sự đáng sở hữu. Bài học về Pierre Cardin - thương hiệu từng rất có giá nhưng vì mất kiểm soát về chất lượng và thiết kế, mà sau cùng tự tay làm làm giảm giá trị thương hiệu.
Ngược lại, chiến lược giới hạn số lượng túi bán ra của Chanel và Louis Vuitton gần đây cũng tạm cảm giác khan hiếm, thôi thúc cơn khát hàng hiệu trong lòng giới mộ điệu càng thêm bức bối hơn.
Người ta sẵn sàng trả cái giá thật đắt, chờ đợi trong sự nóng ruột để sở hữu chiếc túi Hermès
3. Bắt tay với người nổi tiếng
BLACKPINK đã tạo nên kỳ tích, khi trở thành nhóm nhạc nữ đầu tiên mà mọi thành viên đều nắm trong tay vị trí đại sứ của 4 nhãn hàng cao cấp nhất nước Pháp. Cụ thể, Jisoo là đại sứ toàn cầu của Dior, Jennie là đại sứ thương hiệu của Chanel, Rosé là đại sứ toàn cầu của Saint Laurent và Lisa giữ vững danh phận đại sứ của Celine và Bvlgari. Các ngôi sao K-pop là những nghệ sỹ toàn diện. Họ là con át chủ bài của nghành tiếp thị hiện đại vì họ có thể tiếp cận khán giả ở rất nhiều quốc gia trên tất cả các nền tảng khác nhau.
Liên tục phủ sóng ở các tuần lễ thời trang nước Pháp, cũng như góp mặt trong các chiến dịch quảng cáo đình đám, BLACKPINK đem về doanh thu khủng cũng như mở rộng độ phủ của các thương hiệu
Chính bộ máy quản lý chặt chẽ, sự đa diện của các ngôi sao từ làng giải trí Hàn Quốc (và cả Trung Quốc) khiến họ trở thành quyết định đầu tư kinh tế cho các thương hiệu toàn cầu. Riêng với các nghệ sĩ Kpop, sức hút rộng rãi của họ đặc biệt ảnh hưởng tới Hoa Kỳ và Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là hai thị trường tăng trưởng chính cho các thương hiệu xa xỉ, đặc biệt là trong và sau thời kỳ đại dịch.
Quan Hiểu Đồng - Sunmi dự show diễn của Prada. Dẫu gây tranh cãi về khí chất non nớt không phù hợp thương hiệu, nhưng không thể phủ nhận rằng sức ảnh hưởng của họ đã giúp người ta chú ý tới sản phẩm của Prada nhiều hơn nữa
Đầu năm 2021, Louis Vuitton đăng tải bài viết xác nhận nhóm nhạc BTS chính thức đảm nhận vị trí đại sứ thương hiệu (House Ambassador) cho hãng. Trước đó, nhóm nhạc đã nhiều lần diện các thiết kế của hãng và gây tình trạng ''cháy hàng'' bởi sức hút riêng
4. "Lấy lòng" các thượng đế bằng trải nghiệm ở cửa hàng
Một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi đến với các thương hiệu hàng đầu thế giới, đó là cảm giác được đắm mình trong không gian hoành tráng, trà bánh cùng cung cách phục vụ tận tâm và bạt ngàn đồ hiệu tại các showroom. Cũng chính vì trải nghiệm đỉnh cao này, mà không ít khách hàng cảm thấy mất hứng thú khi phải lựa chọn cách mua sắm trực tuyến trong thời kỳ đại dịch.
Mua một chiếc nhẫn từ Cartier, một chiếc áo choàng tuyệt đẹp từ Valentino không chỉ là giao dịch thuần tuý, mà là cách các thương hiệu cung cấp cho khách hàng cảm xúc để mua thêm nhiều hơn nữa. Vì vậy, hãng Abercrombie & Fitch và Hollister thuê những người mẫu nam ngực trần, Burberry lắp đặt công nghệ tương tác hiện đại ở Viễn Đông và Alfred Dunhill đi tiên phong trong hình thức tổ chức câu lạc bộ dành cho quý ông, với phòng ăn riêng, rạp chiếu phim, tiệm cắt tóc và spa, cho phép khách hàng đắm mình hoàn toàn vào thương hiệu.
Đến với sự kiện của Dior, "thượng đế" có thể được thưởng trà và bánh tại khu vực sang trọng, thậm chí còn được chụp ảnh và in ngay tại chỗ
Chính những chiêu thức này đã giúp thương hiệu xa xỉ những thứ họ cần, sự chú ý, trọng vọng, và đặc quyền được đưa ra những mức giá cao ngất ngưởng.
Nguồn: Tổng hợp