Trong tiết trời se lạnh vào thu, một tà áo dài thướt tha có làm bạn xao xuyến cả tâm hồn? Với thiết kế đơn giản mà tinh tế, sự thanh lịch và mĩ miều của tà áo dài từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Từ chiếc áo giao lãnh, áo dài tứ thân (từ thế kỷ XVII), ngũ thân (thời vua Gia Long 1802-1819), áo dài cách tân (từ 1934),... cho tới áo dài hiện đại (1970), áo dài Việt Nam đã trải qua những cải biến sâu sắc từ kiểu dáng cho tới chất liệu. Nhưng dù giai đoạn nào, chiếc áo dài vẫn luôn gắn liền và tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cùng điểm lại 1 số cách tân sâu sắc của những tà áo dài qua các thời kỳ nhé!
Áo dài Le Mur, áo dài Lê Phổ
Áo dài Lemur do hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường khởi xướng được trưng bày tại Triển lãm Duyên dáng Áo dài TP.HCM
Những năm đầu thập niên 20, trong xu thế Âu hoá, cuộc cách tân áo dài diễn ra và có bước chuyển mình sâu sắc vào cuối thập niên 30. Họa sĩ Lê Phổ và hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường chính là 2 cái tên tiên phong trong công cuộc cách tân áo dài, đưa áo dài ngũ thân xưa thành kiểu áo gọn gàng, giản dị và tạo nét riêng.
Áo dài Lemur được đặt tên theo bút danh tiếng Pháp của hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường
Hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường đã đưa ra những quan niệm về việc cải cách chiếc áo dài nhằm phù hợp với khí hậu, tôn lên vẻ đẹp sang trọng, yêu kiều của người phụ nữ Việt nhưng vẫn thoải mái linh hoạt. Từ đó, ông tạo ra áo dài Lemur với đường pince (đường chiết) thu nhỏ eo, tạo đường khối giúp tôn triệt để vóc dáng người phụ nữ.
Áo dài Lemur có rất nhiều sáng tạo mới lạ so với những chiếc áo đương thời như cổ tròn hoặc cổ lá sen, nhún bèo, viền đăng ten, vai áo phồng, cổ tay xoè... tuỳ thuộc vào vóc dáng người mặc để thêm bớt chi tiết. Áo được mặc với quần loa cài khuy hông. Màu sắc vải đa dạng với gam màu tươi sáng theo mỹ thuật phương Tây.
Áo dài Lê Phổ
Hoạ sĩ Lê Phổ với áo dài Lê Phổ đã cải tiến phần cổ áo nhỏ lại nhằm tôn triệt để phần cổ 3 ngấn kiều diễm của người phụ nữ, tay không phồng, thu nhỏ vạt áo, may ôm sát cơ thể tạo sự gọn gàng, linh hoạt và tôn dáng hơn. Áo thường được mặc với quần ống loe màu trắng và rất được ưa chuộng rộng rãi. Đây là kiểu áo được coi là “vật tổ” của các áo dài sau này.
Áo dài bà Nhu
Diễn viên Thẩm Thuý Hằng, bà Trần Lệ Xuân và diễn viên Kiều Chinh sang trọng trong tà áo dài bà Nhu
Mẫu áo dài cổ decolate (cổ thuyền) này được gọi là áo dài bà Nhu, xuất hiện đầu tiên vào thập niên 60 do đạo diễn Thái Thúc Nha thiết kế theo lệnh của Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân. Vì vậy, mẫu áo này còn có tên gọi là áo dài Trần Lệ Xuân.
Kiểu cổ áo decolate được lấy ý tưởng từ áo tầm vông của người Khơmer chưa lập gia đình, phần eo chít thon gọn giúp tôn lên vóc dáng thon thả và phần cổ 3 ngấn kiêu kỳ của người phụ nữ.
Mẫu áo này được bà Trần Lệ Xuân đặc biệt yêu thích và "lăng xê" khi diện sang Paris (Ảnh: John Leongard)
Ban đầu, thiết kế này nhận được rất nhiều chỉ trích vì bị cho rằng không hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Tuy nhiên, càng về sau, áo dài bà Nhu ngày càng được ưa chuộng trong giới thời trang quý bà, được phổ biến rộng rãi đến tận ngày nay.
Áo dài Raglan
Áo dài Raglan do ông Đỗ Thành (tự là Dung) ở Đakao, Sài Gòn thiết kế vào khoảng thập niên 60. Dưới ảnh hưởng của cấu trúc Tây Phương, ông Đỗ Thành đã áp dụng lối ráp tay raglan xéo vai trong âu phục vào áo dài để cải tiến giúp vai áo bớt nhăn (đường ráp nách đi xéo từ cổ xuống nách giúp ôm vừa vặn phần vai). Kiểu áo này vẫn được ưa chuộng đến ngày nay.
Cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái hơn, giải quyết được nhược điểm ở phần nách của áo dài can tay, can vai trước đó (áo dài Lê Phổ). Phần cổ áo khá to và dày, phần eo được đặc biệt chú trọng với 1 sợi dây thun mỏng kéo vòng qua eo, hai bên tà hông được cố định bằng 2 hàng cúc ôm khít cơ thể, tà áo dài chạm chân.
Vào cuối thập niên 1960, do ảnh hưởng của trào lưu văn hóa thời trang Hippies bắt nguồn từ Mỹ, áo dài Hippies (mini-raglan) xuất hiện. Ngay lập tức, nó trở thành mốt thời thượng với chất liệu nhẹ nhàng, kiểu dáng gọn gàng với phần vạt ngắn, dễ dàng di chuyển, đặc biệt phù hợp với nữ sinh thường xuyên phải sử dụng xe đạp đến trường, màu sắc cũng sặc sỡ với các họa tiết cỏ cây hay hình khối lập thể.