Tối 15/7 (giờ địa phương), ông Donald Trump tham dự tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee, tiểu bang Wisconsin, Mỹ, với miếng băng màu trắng trên tai phải, dùng để che vết thương do đạn sượt qua trong vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania.
Ông Trump đeo băng trắng dự Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa. Ảnh: Tamara Beckwith.
Không lâu sau khi ông Trump đến, “băng trắng” bắt đầu xuất hiện ở vị trí tương tự trên cơ thể những người trong đám đông.
Đại biểu Joe Neglia (63 tuổi), đến từ Arizona, gấp chiếc phong bì màu trắng dán vào tai mình.
“Đây là xu hướng thời trang mới nhất. Tôi đang thực hiện điều này. Mọi người trên thế giới sẽ sớm mang thứ này. Tôi đang thiết lập nền tảng thời trang mới ở đây”, ông Neglia chia sẻ với CBS News.
Ông Neglia nói thêm đã chuẩn bị món phụ kiện mới trên đường tới đại hội bằng xe buýt.
“Đó chỉ là sự đồng cảm với Donald Trump. Tôi đã chứng kiến người đàn ông đó bị bắn. Tôi nghĩ ông ấy gần như đã hy sinh mạng sống của mình cho đất nước. Ông ấy xứng đáng được tôn trọng vì điều đó”, ông trả lời phỏng vấn The Guardian.
Một đại biểu khác của Arizona, Stacey Goodman, cũng dán giấy lên tai. Bà khẳng định với The Hill cách làm này là để thể hiện tinh thần đoàn kết với ứng viên mà bà ủng hộ, không hề có ý nghĩa chính trị nào sâu xa.
Đại biểu Joe Neglia dùng phong bì giả làm băng tai để bày tỏ sự ủng hộ ông Trump, còn dự đoán nó thành xu hướng thời trang mới. Ảnh: Reuters.
Một phụ nữ tham dự đại hội cũng dán miếng giấy lên tai phải theo ông Trump. Ảnh: Getty Images.
Đoạn video đăng trên X ghi lại cảnh một người ủng hộ ông Trump hóa trang thành Chú Sam (biệt hiệu và hình tượng nhân hoá của Mỹ) đeo băng tai có dòng chữ: “Đấu tranh! Đấu tranh! Đấu tranh!”. Đây là từ mà cựu Tổng thống Mỹ hô vang sau khi đối mặt với sinh tử vào ngày 13/7.
Ông Trump đeo băng tai cũng là chủ đề thảo luận nóng trên mạng xã hội. Một bộ phận cho rằng miếng băng quá lớn so với vết thương thực tế của ông Trump và nghi ngờ đây là chiêu trò thu hút truyền thông cũng như lôi kéo sự ủng hộ.
Bên cạnh đó, không ít người chỉ trích cư dân mạng "vạch lá tìm sâu", cố tình soi mói chi tiết nhỏ nhặt nhằm hạ bệ ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Họ chỉ ra ông Trump vừa bị trúng đạn nhưng ra ngoài chỉ với miếng băng trên tai là tín hiệu đáng mừng, không nên bị mang ra làm chất liệu cho thuyết âm mưu.