Như một lẽ thường: xã hội càng hiện đại thì nhu cầu ăn mặc càng tăng cao, thời trang nhanh theo đó càng bành trướng như loài quái vật trăm đầu vốn chỉ hiện diện trong thần thoại xưa kia - cứ mỗi cái đầu bị chặt bỏ là lại mọc thêm hai cái đầu khác! Cả thập niên vừa qua, các chuyên gia đã tốn nhiều tâm huyết để vạch rõ bao tai hại chí mạng nảy sinh từ thời trang nhanh bên cạnh vài lợi ích nhỏ nhoi trước mắt người tiêu dùng.
Tuy nhiên một khi bám rễ quá sâu vào đời sống, chuyện thay đổi chẳng thể một sớm một chiều. Một câu hỏi lớn khác còn được đặt ra là, liệu đời sống của hàng triệu công nhân may mặc tại các nước thuộc thế giới thứ ba sẽ ra sao nếu thời trang nhanh bị TẨY CHAY đến tận cùng?
Tẩy chay thời trang nhanh là một phong trào đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Và dù diễn ra ở đâu thì tất thảy đều chung một ý niệm: Không có thứ thời trang nào xứng đáng được hiện diện trên một hành tinh chết vì ô nhiễm.
Tẩy chay thời trang nhanh có tạo nên thay đổi?
Có một tranh luận vốn đau đáu trong cộng đồng thời trang bền vững: Liệu phát động tẩy chay các hãng thời trang nhanh có giúp cải thiện đời sống của công nhân may mặc hay chăng? Trong trường hợp xấu, nhỡ đâu kế sách này phản tác dụng và có thể khiến hàng triệu miệng ăn tại các quốc gia nghèo rơi vào cảnh chết đói...
Ayesha Barenblat, người sáng lập và Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Remake, từng chia sẻ: "Không ít người nghĩ hành động quyết liệt, như kiểu tẩy chay hoặc giảm tối đa nhu cầu mua, với các hãng thời trang nhanh sẽ khiến công nhân may mặc mất việc. Và rồi, ừ thì bị bóc lột thì đáng sợ thật nhưng chẳng phải như thế vẫn tốt hơn là không có việc gì để mưu sinh sao?".
Hàng triệu công nhân may mặc tại các nước nghèo đang sống nhờ vào đồng lương ít ỏi từ chuỗi "sweatshop" - các công xưởng bóc tàn tệ người lao động với điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, chật chội và tồi tàn.
Thực tế thì những chuyên gia nắm rõ điều kiện lao động của các công nhân may mặc thời trang nhanh đều hiểu rõ đây là dạng công việc không-bền-vững ngay từ đầu. Đói kém, không đạt quy chuẩn vệ sinh trong khi thời gian làm việc kéo dài liên miên chỉ là một số hiểm nguy thường trực mà giới công nhân phải chịu đựng. Thậm chí vào năm 2020, nhiều công xưởng ở Bangladesh còn phớt lờ quy trình chống dịch Covid-19.
Giới chuyên gia đều đồng tình rằng động thái tẩy chay thời trang nhanh là quan trọng và nên được xúc tiến, tuy nhiên không nhất thiết phải đẩy các công ty đến tình trạng phá sản vì điều đó cũng... chẳng thể xảy ra. Làm gì có tập đoàn tỷ đô nào mà tan tành chỉ sau một đêm?
Và cũng quả thật có việc để làm còn hơn là chết đói vì thất nghiệp, tuy nhiên cũng cần phải suy ngẫm, liệu thứ logic này có đáng để chúng ta phải thỏa hiệp với thực trạng hiện tại?
Thay đổi góc nhìn về hệ thống
Đừng nghĩ rằng tẩy chay thời trang nhanh sẽ nghiền nát cánh công nhân, bởi thực tế thì hệ thống bóc lột này đã nghiền nát cuộc sống của họ sẵn rồi. Muốn tạo nên thay đổi thật sự thì chỉ tẩy chay không ăn thua, thay vào đó là cùng thay đổi góc nhìn của người trong cuộc (cánh công nhân) lẫn người ngoài cuộc (giới khách hàng).
"Tôi nghĩ rằng lối logic thà chịu đựng còn hơn thất nghiệp là một cái bẫy để hệ thống thực dân lôi kéo sự cảm thông", nhà hoạt động nhân quyền Neumann cho biết, "Nếu mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên và thay đổi tới ngưỡng ai nấy đều bình đẳng thì chẳng phải chúng ta sẽ tiến xa hơn một chút sao? Đó mới chính là sự thay đổi trong hệ thống".
Xem ra tẩy chay thời trang nhanh chưa chắc tạo ra thay đổi. Điều cần làm là người công nhân lẫn giới khách hàng hiểu rõ quyền lợi cũng khả năng tạo sức ảnh hưởng từ bản thân.
Bên cạnh đó, một quan niệm sai lầm vẫn hiển hiện: người lao động ở các nước nghèo có thể sống ổn với mức lương thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Có thể mức sống của họ thấp hơn, tuy nhiên tất thảy mọi người trong chuỗi cung ứng đều xứng đáng với thu nhập bình đẳng để giúp họ sống cũng như phát triển. Chi phí để sống ĐÚNG NGHĨA và mức chi phí chỉ để tồn tại vật vờ hoàn toàn khác nhau. Cho đến hiện tại, hầu hết các hãng thời trang nhanh thu bộn tiền nhưng chỉ nhả ra một khoản vừa đủ để cánh công nhân may mặc sống thoi thóp qua ngày. Đó chính là bất công.
Những cách thiết thực để giúp công nhân may mặc có cuộc sống tốt hơn
Vậy làm sao để chúng ta có thể chống lại hiện trạng từ thời trang nhanh mà không gây phản tác dụng tới cánh công nhân? Dưới đây là ba gạch đầu dòng quan trọng nhất. Có thể chúng chỉ là những hành động nhỏ nhoi nhưng suy cho cùng, mọi cơn gió đều có thể góp thành bão.
- Thay vì ngấm ngầm tẩy chay, chúng ta hãy hành động bằng cách chỉ rõ cho các mối quan hệ xung quanh tai hại lâu dài của thời trang nhanh. Động thái này tích cực hơn hẳn việc từ chối mua sắm. Ngoài ra, chính các công nhân may mặc cũng cần lên tiếng vì hơn ai hết họ hiểu rõ chi phí và nhu cầu của bản thân. Họ chính là đầu tàu trong công cuộc minh bạch hóa chuỗi cung ứng.
- Với giới khách hàng, việc mua sắm có ý thức là vô cùng cần thiết. Thay vì chăm chăm chống lại các tập đoàn khổng lồ thì người mua có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nhưng đề cao đạo đức và hướng tới thời trang bền vững. Việc này tuy không làm sụp đổ các "ông lớn" thời trang nhanh nhưng lại góp phần thay đổi cục diện của làng mốt toàn cầu theo hướng tốt hơn.
- Cuối cùng và quan trọng không kém, chúng ta hãy có cái nhìn trân trọng hơn tới cánh công nhân may mặc thông qua việc trân trọng công sức lao động của họ. Tuy chỉ là thời trang nhanh nhưng từng món đồ bình dân đều xứng được nâng niu và sử dụng hiệu quả. Chỉ có thế chúng ta mới góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này tiến bộ hơn.