Cartier đỉnh cỡ nào mà có người nói họ mua đồng hồ của hãng vì nó xứng đáng chứ không phải để đeo?

Nếu như Tiffany & Co. trở nên phổ biến trong văn hóa đại chúng cùng màu xanh trứng sáo thì ở trục đối trọng, Cartier cùng chiếc hộp đỏ thắm mang đậm tinh thần Art Deco chính là đối thủ lớn nhất mà thương hiệu trang sức xa xỉ của xứ cờ hoa phải kiềng nể.

Nghệ thuật của những kẻ tiên phong

Cartier là một ngôi nhà di sản của nghệ thuật làm đồng hồ và trang sức cao cấp (watches & jewelry) - một thế lực khét tiếng đại biểu cho tính Hoàng gia của vương công hoàng thất tại châu Âu. Hiểu một cách đơn giản, Cartier giống như một giới hạn cần phải vượt qua của những thương hiệu đồng hồ & trang sức cao cấp khác: Từ Tiffany & Co, cho tới Bvlgari (về quy mô thị và kích cỡ thị trường) hay là Chopard, Chaumet (tiếng tăm "cao cấp" - chỉ phục vụ Hoàng Gia)… Với Cartier, tính nghệ nhân tinh xảo, sức sáng tạo và mức độ biểu tượng (iconic) đạt đến sự hài hòa tuyệt đối.

Cửa hàng flagship kinh điển của Cartier ở 13 Rue de la Paix xưa và nay

Ra đời vào năm 1847, tôn chỉ của Cartier luôn xoay quanh trọng tâm là Sự Sáng Tạo (creativity). Ba anh em Louis, Jacques và Pierre Cartier (cháu nội của nhà sáng lập Louis-Francois Cartier) được coi là những bậc công thần biến Cartier từ một hộ kinh doanh gia đình nhỏ tại Paris trở thành một ngôi nhà quyền lực của những thiết kế trang sức cao cấp xa xỉ tại châu Âu trong suốt nhiều thập niên qua.

Nhờ vào bộ ba này cùng hệ thống kiến thức/ tư tưởng kết hợp hài hòa giữa triết lý kinh doanh và tầm nhìn vượt khỏi thị trường trang sức làm đẹp thông thường, Cartier đã được điều hướng nhắm tới tập khách hàng mục tiêu mới (thay cho tầng lớp quý tộc kiểu cũ) được coi là tinh hoa của giai cấp tư sản cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại châu Âu. Tập khách hàng mới này sở hữu phương thức sản xuất trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, vậy nên Cartier cũng hướng tới những khám phá hay cách thức bán hàng mới để tiếp cận tầng lớp này.

Đơn cử, Louis Cartier - người được coi là bộ óc sáng tạo cốt cán của Cartier với lối suy nghĩ không tưởng đối với thị trường trang sức - đã đưa ra quyết định mang chất liệu platinum (một thứ kim loại trắng, dễ dát mỏng, không bị oxy hóa hay rỉ sét dù ở bất cứ nhiệt độ nào hay khi tiếp xúc với các hợp chất có tính acid) vào các thiết kế trang sức của mình. Đây là một quyết định có tính cách mạng, mở ra thời kì platinum được trưng dụng & khai thác triệt để trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp.

Tầm nhìn vượt trội của Louis Cartier cũng mở ra những hướng đi độc đáo cho thương hiệu: ông tuyển dụng những thợ thi công trang trí trên kim loại sắt về để thực hiện các bản thiết kế vương miện quý giá; thay vì chỉ tập trung bán tại châu lục già, ông cùng hai người anh em của mình hành hương tới Ấn Độ để bán trang sức châu Âu sang vùng đất Phật này, mở rộng thị trường ở vào một thời điểm còn nhiều định kiến và luật lệ trong lịch sử thế giới;...

Các mẫu đồng hồ của Cartier được yêu thích bởi các đời Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ như Jackie Kennedy (trái) và Michele Obama (phải)

Ngay từ những ngày đầu trên đà phát triển, Louis Cartier đã có sự chú trọng vào các nhân viên bán hàng - những người trực tiếp đại diện cho thương hiệu tiếp xúc với khách hàng. Ở vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhân viên bán hàng của Cartier phải nói được ít nhất hai ngôn ngữ (tiếng Pháp & tiếng Hà Lan), phải ăn vận như những quý ông thực thụ và phải có các mối quan hệ đủ mạnh để biết được vương công tôn thất vào ra Paris gồm những ai. Chưa hết, các nhân viên bán hàng của Cartier thời đó phải có đầy đủ kiến thức để tiếp chuyện khách hàng về các nguồn cảm hứng thiết kế, khoáng sản, đá quý hay hội họa… - một điều hiếm gặp trong giai đoạn hình thành và phát triển thuở sơ khai của các nhà mốt di sản.

Cartier đỉnh cỡ nào mà có người nói họ mua đồng hồ của hãng vì nó xứng đáng chứ không phải để đeo? - Ảnh 4.

Không bao giờ bắt chước, luôn luôn kiến tạo (Never Imitate, always innovate) - tôn chỉ này của Cartier đã và đang được duy trì bởi những người tiếp quản thương hiệu. Kể cả khi, Cartier không còn thuộc sở hữu của gia tộc Cartier mà được mua lại bởi tập đoàn Richemont (vào năm 1988), thương hiệu này vẫn được phát triển theo tôn chỉ trên, phá vỡ mọi giới hạn sáng tạo của thị trường hiện đại. Chẳng vậy mà trên mọi mặt trận từ đồng hồ, thiết kế trang sức đỉnh lưu cho tới kích cỡ thị trường và tham vọng là kẻ đứng đầu một cõi, Cartier luôn là một thế lực đối trọng đáng gờm với những ngôi nhà di sản khác như Tiffany & Co, Chaumet hay là Bvlgari…

Hai nam diễn viên Austin Butler (Trái) và Paul Mascal lịch lãm cùng những chiếc đồng hồ của Cartier

Những sáng tạo phá vỡ nhiều giới hạn của Cartier

Trước sức ép của những đối thủ lớn như Tiffany & Co, hay Bvlgari trong công cuộc làm thương hiệu, marketing, kết hợp cùng các nhà thiết kế lớn hay các biểu tượng thời trang, trao danh phận đại sứ cho các thần tượng châu Á… Cartier của thời điểm hiện tại đang có những bước chuyển mình để thích nghi với thời đại và duy trì vị thế huyền thoại của mình.

Trước đây dù trung thành với việc chỉ sử dụng các sáng tạo của các nghệ nhân được đào tạo và gắn bó lâu dài với Cartier nhưng trong năm qua, thương hiệu này đã cho ra mắt BST kết hợp cùng nhà thiết kế Chitose Abe (Sacai). Đồng thời, Cartier cũng đã tuyên danh phận Đại sứ Toàn cầu cho hai thần tượng hàng Hàn Quốc hàng đầu thế giới hiện nay là Jisoo (BLACKPINK) và V (BTS).

Căn bản Cartier vẫn là một ngôi nhà di sản với những thiết kế trang sức mang tính biểu tượng, vĩnh cửu cùng kĩ thuật nghệ nhân hiếm có khó tìm. Những bước đi chiến lược này là cần thiết để điều chỉnh sự hiện diện của thương hiệu và độ phủ đối với khách hàng hiện thời nhưng không mang tính thay máu, thay đổi bản chất của thương hiệu. Sáng tạo của Cartier thì nhiều, nhưng khuôn khổ nội dung bài viết, tôi xin liệt kê ra một vài thiết kế (bên cạnh những thiết kế kinh điển như vòng tay Love; nhẫn Trinity) có thể coi là avant-garde góp phần đưa Cartier lên tầm nghệ thuật - xứng đáng một suất lưu trú trong viện bảo tàng.

Thiết kế đồng hồ Classic Tank

Cartier đỉnh cỡ nào mà có người nói họ mua đồng hồ của hãng vì nó xứng đáng chứ không phải để đeo? - Ảnh 7.

Classic Tank là một thiết kế có tính đại diện hoàn hảo cho sự sáng tạo của Cartier - luôn tìm kiếm nguồn cảm hứng ở những nơi không ai ngờ tới nhất. Louis Cartier đã thiết kế Tank dựa trên mẫu xe tăng Renault FT-17 trong Thế Chiến thứ Nhất. Mặt đồng hồ Tank chính là một phiên bản thu gọn của mẫu xe tăng này khi được nhìn từ trên cao. Hoạ sỹ nổi tiếng Andy Warhol từng nói về mẫu đồng hồ này như sau: "Tôi không đeo Tank để xem giờ. Thậm chí, tôi còn chẳng bao giờ vặn nó cho đúng. Tôi đeo Tank vì đó là một chiếc đồng hồ xứng đáng để bạn đeo".

Thiết kế đồng hồ Cartier Crash

Cartier đỉnh cỡ nào mà có người nói họ mua đồng hồ của hãng vì nó xứng đáng chứ không phải để đeo? - Ảnh 9.

Cho tới tận bây giờ, Cartier Crash vẫn được coi là một trong những thiết kế avant-garde nhất của ngạch đồng hồ & trang sức cao cấp thế giới. Nguồn cảm hứng cho Cartier Crash đến từ việc một vị khách hàng mang chiếc Baignoire đã bị vỡ trong một vụ tai nạn xe hơi của họ tới cửa hàng flagship Cartier tại London để sửa (năm 1967). Jean-Jacques Cartier đã dựa vào chiếc đồng hồ Baignoire bị vỡ đó để tạo nên mẫu Cartier Crash bằng cách kéo dài, vặn xoắn phom dáng mặt đồng hồ oval căn bản. Tuy mẫu Cartier Crash khá giống với chiếc đồng hồ bị bóp méo trong tác phẩm The Persistence Of Memory của danh họa Salvador Dali nhưng thực tế hai tuyệt tác này lại không có mối liên kết nào cả.

Cartier đỉnh cỡ nào mà có người nói họ mua đồng hồ của hãng vì nó xứng đáng chứ không phải để đeo? - Ảnh 10.

"Momager" Kris Jenner cùng với chiếc đồng hồ Cartier Crash trị giá 150,000 đô la Mỹ

Motif báo đốm Panthères de Cartier

Hai Đại sứ của Cartier Jisoo (hàng trên) và V (hàng dưới) trong những bức hình quảng bá cho dòng Panthère de Cartier

Bất cứ một ngôi nhà di sản nào của thời trang cao cấp cũng sẽ có cho mình những phom dáng, motif đại biểu cho thương hiệu qua nhiều thập niên. Với Chanel đó là hoa trà trắng, Bvlgari là mãng xà, Hermes là hình tượng chú ngựa… thì Cartier có motif báo đốm Panthères de Cartier. Đầu thế kỷ 20, motif báo đốm biểu trưng cho sự quý hiếm, sang trọng và thường được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nội thất, hội họa phục vụ tầng lớp quý tộc. Năm 1914, Cartier lần đầu tiên sử dụng motif này cho mẫu đồng hồ Catier Panther Watch gồm kim cương và đá onyx đen được khảm vào platinum.

Nhưng phải đến năm 1917, khi Jean Toussaint - người tình của Louis Cartier và có biệt danh "La Panthère" - ra nhập đội ngũ sáng tạo của Cartier thì motif báo đốm mới được triển khai và nhân rộng trở thành một trong những DNA quan trọng của thương hiệu.

Dua Lipa và Anne Hathaway cùng chiếc đồng hồ iconic Panthère de Cartier bằng vàng

Motif Clash de Cartier

Cartier đỉnh cỡ nào mà có người nói họ mua đồng hồ của hãng vì nó xứng đáng chứ không phải để đeo? - Ảnh 13.

Là một trong những sáng tạo mới nhất & "chiến nhất" của Cartier trong một thập niên trở lại đây. Ra mắt lần đầu vào năm 2019, Clash de Cartier được lấy cảm hứng từ nhiều mã nguồn DNA khác nhau của ngôi nhà Cartier: đinh tán, chuỗi hạt, thiết kế hình học… Bản chất motif Clash de Cartier được cấu tạo từ các chi tiết hạt, đinh tán có thể chuyển động và thay đổi phom dáng tùy vào nhu cầu của người sử dụng. Đối với một số thiết kế, Clash de Cartier còn được gia cố thêm các phần hạt onyx đen để tạo hiệu ứng như những đầu đạn bọc vàng kết lại xung quanh ngón tay hay cổ tay người đeo.

Cartier đỉnh cỡ nào mà có người nói họ mua đồng hồ của hãng vì nó xứng đáng chứ không phải để đeo? - Ảnh 14.
Cartier đỉnh cỡ nào mà có người nói họ mua đồng hồ của hãng vì nó xứng đáng chứ không phải để đeo? - Ảnh 15.