CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”

Túi mẫu dùng thử nghiệm được một tháng thì hỏng, thương hiệu hoạt động đến 6 tháng nhưng lợi nhuận thu về chỉ là con số 0, đôi khi lỗ… là những khó khăn mà cô gái 8X - Trần Kiều Anh phải đối mặt khi mong muốn làm ra một thương hiệu thời trang bền vững.

Nếu chỉ dùng 3 tính từ để miêu tả về những chiếc túi của Dòng Dòng, Kiều Anh có thể nhanh chóng trả lời: Thông minh - Độc đáo - Bền vững. Đây không phải là những chiếc túi tote hay balo thông thường, mỗi sản phẩm của Dòng Dòng đều có một câu chuyện để kể: Vừa “cõng” trên lưng nắng mưa của Sài Gòn, vừa gắn với những chiếc biển hiệu nhiều màu sắc trên đường phố, lại chứa cả thông điệp về về môi trường…

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 1.

Là một giảng viên và designer, lý do nào khiến chị hình thành một thương hiệu balo, túi xách từ vải bạt?

Sau hơn 10 năm làm thuê trong ngành sáng tạo, tôi mong muốn được thực hiện một dự án cho riêng mình, tự mình làm chủ, thiết kế, sản xuất và quảng bá sản phẩm. Không phải là những gì quá lớn lao, có thể thay đổi cả thế giới nhưng tôi chắc chắn đó sẽ là một sản phẩm ít nhiều phải làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Làm việc trong lĩnh vực thiết kế tôi nhận ra sau mỗi sự kiện một số lượng lớn bạt từ banner, backdrop chỉ dùng một đêm và bỏ đi. Tại thời điểm đó, tôi nảy ra ý tưởng sử dụng số bạt này để may túi. Bởi bạt nhựa là vấn đề nhức nhối ai cũng muốn tìm cách giải quyết nên nguồn bạt được cung cấp rất nhiều từ những người bạn trong ngành truyền thông.

Tuy nhiên chuyện không đơn giản như vậy, sau khi lên mẫu và may chiếc túi đầu tiên, chúng tôi sử dụng được một tháng thì túi hỏng. Tôi hoang mang bởi tái chế bạt cũ thành túi là ý tưởng trung tâm, giờ may túi không dùng được thì coi như dự án này “chết từ trong trứng nước’’ (cười).

Tuy nhiên khi cả đội ngũ ngồi xuống và nhìn lại thì nhận ra có nhiều loại bạt khác nhau. Chúng tôi thử nghiệm và chuyển sang sử dụng bạt mái hiên thì may mắn đạt được kết quả tốt. Với lựa chọn này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải đối mặt với khó khăn về nguồn bạt.

Đội ngũ của Dòng Dòng sẽ phải đi tìm nguồn vật liệu ở tận các cơ sở kinh doanh, cửa hàng để có thể mua lại bạt cũ. Khó khăn nối tiếp khó khăn, cuối cùng vào cuối năm 2019, túi mẫu cũng vượt qua được những bài test về khả năng chịu lực, tính chống mưa và chống sốc. Những sản phẩm đầu tiên đạt tiêu chuẩn chính thức ra đời. Tháng 3/2020 Dòng Dòng đăng ký thương hiệu và mở bán chính thức.

Cái tên Dòng Dòng có ý nghĩa là gì?

Dòng Dòng là phát âm miền Nam cho từ “vòng vòng”, ngụ ý chỉ bạn bè chiều cuối tuần đi chơi phố. Chúng tôi muốn cái tên phải thật thân thiện và dễ nhớ nên cố ý đặt tên thương hiệu theo âm điệu địa phương.

Ngoài ra, cái tên còn chỉ một quy trình khép kín của những tấm bạt từ nhà máy sản xuất ra đến biển hiệu và cuối cùng lại thành một chiếc túi. Bên cạnh đó Dòng Dòng còn mang ý nghĩa của biểu tượng tam giác bền vững với 3 đỉnh: Reduce, Reuse, Recycle.

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 2.

Tại sao chị lại lựa chọn hình thành một thương hiệu thời trang bền vững?

Vốn là một người sống xanh, trong cuộc sống hàng ngày tôi vẫn thường có ý thức như mang bình nước riêng, không lấy túi nilon… nên khi muốn thực hiện một sản phẩm của riêng mình chắc chắn đó phải là thứ hạn chế làm hại thêm môi trường nhất có thể.

Vì thế, việc hình thành một thương hiệu thời trang bền vững đến với tôi rất tự nhiên. Và khi bắt đầu đi sâu hơn vào lĩnh vực này tôi mới thực sự nhận ra nhiều thứ. Đầu tiên, thời trang là thị trường cạnh tranh khốc liệt, rất ít thương hiệu mới ra mắt có thể gây dựng được tên tuổi. Tại Việt Nam, nếu để mô tả được tính cách riêng của thương hiệu thời trang nào đó thì rất hiếm. Trong khi đó, mỗi năm, hàng trăm thương hiệu được ra đời. Điều này khiến một nhãn hiệu còn non trẻ ghi được dấu ấn với khách hàng không phải dễ dàng.

Nhìn lại Dòng Dòng, tôi thấy rằng ngoài sở hữu sản phẩm độc đáo, việc đi theo hướng thời trang bền vững cũng giúp thương hiệu “dễ thở” hơn. Dẫu nhu cầu sử dụng sản phẩm bền vững tại Việt Nam không cao như thị trường nước ngoài song Dòng Dòng vẫn có những lợi thế nhất định khi chọn đi theo ngách này.

Lợi thế là vậy, còn khó khăn là gì?

Tôi luôn nghĩ việc vận hành Dòng Dòng giống như chơi tung hứng với ba vấn đề: nguồn nguyên liệu, đầu ra và khả năng sản xuất. Việc làm của chúng tôi là phải cân bằng được cả ba. Tôi hay nói đùa đó là 3 đỉnh của tam giác Bermuda, không cẩn thận thì nguy hiểm ngay.

Sản xuất bằng bạt cũ khiến việc tìm mua vật liệu không ổn định. Khi tìm được nhiều bạt thì phải có đầu ra, bởi bạt để lâu sẽ bị cũ, mốc. Khi có nhiều đơn hàng thì phải cân bằng với năng lực sản xuất của một doanh nghiệp startup tất cả đều tự làm.

Thậm chí, một thương hiệu ra đời nhưng 6 tháng đầu lợi nhuận chúng tôi có được là con số 0, đôi khi là lỗ. Bởi khoảng thời gian này Dòng Dòng bị ảnh hưởng bởi năm Covid-19 thứ nhất. Khi đó chúng tôi chỉ tập trung vào quảng bá sản phẩm, lên mẫu các dòng phụ kiện. May mắn thời gian sau thương hiệu bắt đầu có được doanh thu và dần thu về lợi nhuận. Khi ngồi tổng kết thành tựu sau năm đầu tiên, chúng tôi mừng vì chính Dòng Dòng đã tự nuôi được mình, còn chuyện lời lãi không có nhiều.

Sau năm đầu tiên, tôi cũng mới chính thức được nhận lương từ Dòng Dòng nhưng đó cũng chỉ là khoản tiền tượng trưng, chứ còn sống được với mức lương đó thì không thể (cười).

Thậm chí thời gian đầu tôi nghĩ không chỉ là 1 năm mà phải mất đến vài năm. Nên nếu có phải đợi lâu hơn nữa tôi cũng không quá ngạc nhiên. Vì quy mô sau 1 năm của Dòng Dòng vẫn còn rất nhỏ (vỏn vẹn 6 người) nên nếu muốn đi đường dài, tôi buộc phải tái đầu tư để thuê thêm thợ và mua máy móc.

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 3.
 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 4.

Từ vải bạt, quy trình để cho ra đời một chiếc túi diễn ra như thế nào?

Đầu tiên Dòng Dòng sẽ liên hệ và tìm gặp các tiệm lắp bạt mái che tại Sài Gòn để mua lại bạt cũ hoặc bạt vụn. Đôi khi công việc giải cứu bạt khỏi thùng rác này còn được hiểu theo đúng nghĩa đen, vậy nên những chuyến đi thu gom bạt thường được gọi đùa là chuyến móc bạt.

Bạt thu về được tẩy rửa sạch sẽ bằng các chất tẩy rửa có chứa men vi sinh, thân thiện với môi trường như baking soda, giấm ăn, cồn sát trùng, hay các loại chất tẩy rửa làm từ nhựa hoa quả… Sau khi những vết bẩn được làm sạch, các vết sờn, xước vẫn được giữ nguyên để tấm bạt nhựa được kể tiếp câu chuyện của mình.

Khi bạt được phơi khô, công việc tiếp theo là thiết kế và may. Các sản phẩm của Dòng Dòng tuy có cùng một hình dáng nhưng ít khi nào có 2 chiếc túi hay ví hoàn toàn giống nhau do mỗi sản phẩm đều được chọn phối và cắt riêng tùy theo màu sắc tấm bạt tìm thấy. Các công đoạn may thành phẩm đều được thực hiện thủ công, tỉ mỉ và hạn chế tối đa bạt vụn.

Cuối cùng sản phẩm của Dòng Dòng sẽ được giao tới khách hàng trong bao bì may bằng chất liệu hiflex, tái chế từ banner sự kiện, quảng cáo.

Với tất cả những thao tác này một chiếc balo sẽ được hoàn thành trong vòng 30 phút.

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 5.

Thu gom bạt

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 6.

Phân loại và xả bạt

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 7.

Vệ sinh - phơi bạt

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 8.

Thiết kế

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 9.

Ủi bạt

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 10.

May thành phẩm

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 11.

Sản phẩm hoàn thiện

Để có được quy trình này, Dòng Dòng đã phải thực hiện đến bao nhiêu chiếc túi hỏng?

Đến giờ, chiếc balo đầu tiên thành hình vẫn còn được giữ lại và treo trong xưởng. Chúng tôi đã phải may thử nghiệm hơn 100 chiếc túi méo mó để có được một sản phẩm hoàn chỉnh bán cho khách hàng.

Thực tế, hiện tại quy trình cho ra một chiếc balo vẫn đang liên tục hoàn thiện. Bạt cũ thường có nhiều hoa văn hoạ tiết độc đáo nên yêu cầu phải cắt bằng tay từng miếng. Việc sử dụng những tấm mica trong để cắt bạt theo mẫu là kết quả sau khi đã thử nghiệm với giấy bìa kính. Sau khi cắt bằng kéo, chúng tôi mới nhận ra cắt bằng dao sẽ nhanh hơn. Mỗi loại vết bẩn sẽ cần tới một dung dịch tẩy rửa khác nhau.

Ngay cả công đoạn may, người phụ trách công việc này cũng chưa từng may túi từ vải bạt trước đó. Dẫu may bạt còn cứng và khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên sau nhiều lần làm và liên tục hoàn thiện, những chiếc túi tối ưu nhất cũng được gửi đến tay khách hàng.

Thậm chí đến bây giờ sau hơn 2 năm hoạt động, chúng tôi vẫn không ngừng nâng cấp sản phẩm của mình, từ dây kéo, dây đai cho đến lớp lót để túi được êm hơn.

Có bao nhiêu phần trăm vật liệu tái chế trong chiếc túi của Dòng Dòng?

Tôi có thể ước tính khoảng 75% vật liệu tái chế trên mỗi chiếc túi của Dòng Dòng, gồm bạt và lớp lót từ vải vụn. Những chi tiết nhỏ như dây quai, dây kéo, khuy cài… được mua mới.

Chúng tôi cũng suy nghĩ đến các cách làm để chiếc túi của Dòng Dòng có phần trăm tái chế cao hơn như có thể ép bạt đã quá giòn nát thành ván và đem ra cắt thành các vật liệu mình đang cần. Tuy nhiên để làm được như vậy chúng tôi buộc phải thuê nhà máy làm theo một đơn hàng số lượng lớn. Việc này yêu cầu chi phí khá cao nên chúng tôi vẫn đang cân nhắc. Hy vọng trong tương lai quy mô của Dòng Dòng được mở rộng đồng nghĩa tỷ lệ phần trăm vật liệu tái chế trên mỗi sản phẩm ngày cũng tăng theo.

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 12.

Đối với những mảnh vải thừa, vụn khi đo cắt, Dòng Dòng xử lý thế nào?

Chúng tôi cố gắng hết sức có thể sử dụng những mảnh vải bạt thừa để may thành những sản phẩm nhỏ hơn như thẻ hành lý, móc khoá hay ví… Bởi đây là những đồ dùng có khổ nhỏ hơn, không cần phải chịu lực quá nhiều. Đây cũng chính là lý do Dòng Dòng có rất nhiều loại sản phẩm khác nhau từ balo, túi tote, ví hay các phụ kiện khác…

Còn những mảnh bạt không thể sử dụng được nữa vẫn là trăn trở của Dòng Dòng. Hiện chúng tôi đang tham gia các diễn đàn và công nghệ tái chế để hy vọng có thể sớm tìm ra giải pháp.

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 13.

Dòng Dòng tận dụng những mảnh bạt vụn còn sử dụng được để thiết kế các dòng sản phẩm khác nhau

Với những nguồn vải bạt thu gom về, dường như chính chị không có nhiều sự lựa chọn, vậy làm thế nào Dòng Dòng có thể làm mới sản phẩm của mình với nguồn vật liệu đó?

Là người thiết kế, đây là một thử thách mà tôi rất yêu thích. Nhìn vào các sản phẩm của Dòng Dòng, bạn sẽ thấy hiếm có những chiếc giống nhau. Bởi chúng tôi có rất nhiều công thức phối màu khác nhau để linh hoạt với nguồn bạt mình hiện có.

Thỉnh thoảng, chúng tôi tìm được những miếng bạt có in hình độc đáo, nhìn vào không ai biết sẽ phải làm kiểu gì với nó. Song đó lại là những mảnh bạt giúp chúng tôi làm nên những chiếc túi dí dỏm hay bắt mắt.

Ngoài ra 2 năm gần đây Dòng Dòng còn thêu hình lên bạt để làm mới nguồn vật liệu sẵn có. Thời điểm cuối năm 2020, chúng tôi muốn có một sản phẩm đặc biệt chào Tết nên nảy ra ý định thêu hình con giáp lên sản phẩm.

Thời gian đầu việc thử nghiệm cũng gặp khó khăn bởi không phải nhà xưởng nào cũng có thể làm được bởi họ thường chê việc thêu lên bạt sẽ làm gãy kim. Thậm chí khi có nơi nhận thêu, công đoạn này cũng phải thử nghiệm rất nhiều lần để tìm được số lượng mũi thêu, độ lớn của từng nét giúp không bị vụn bạt. Năm 2022 là lần thứ 2 chúng tôi lại tiếp tục thêu hình con cọp lên bạt cho sản phẩm Tết.

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 14.
 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 15.

Là một chiếc túi bằng vải bạt, việc bán được chiếc túi đầu tiên đối với Dòng Dòng có khó khăn không?

Thực tế, tôi không gặp khó để bán được chiếc túi đầu tiên. Tôi vẫn nhớ đó là ngày 9/3/2020, click nút launch website của Dòng Dòng lúc 8h. Khoảng 1 tiếng sau, chúng tôi có đơn hàng đầu tiên. Có được như vậy là nhờ trước đó tôi đã chia sẻ rất nhiều về ý tưởng, sản phẩm của Dòng Dòng và câu chuyện của mình trên trang cá nhân và các hội nhóm liên quan đến môi trường.

Bán chiếc túi đầu tiên không khó nhưng để bán được chiếc túi thứ 100 là một thử thách. Bởi cộng đồng yêu thích môi trường hay sản phẩm bền vững thực ra còn khá nhỏ ở Việt Nam. Thậm chí chất lượng sản phẩm của Dòng Dòng cũng khiến nhiều người nghi ngờ bởi túi bằng vải bạt ở Việt Nam dường như chưa có nhiều nên tâm lý của khách hàng nghi ngờ về độ bền chắc của sản phẩm là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, Dòng Dòng có chính sách bảo hành túi trong vòng 1 năm nếu khi sử dụng gặp vấn đề liên quan đến kĩ thuật của chiếc túi. Chúng tôi sẽ nhận lại sản phẩm, thay thế phần bạt bị hỏng và tận dụng chúng để sản xuất những sản phẩm nhỏ hơn.

Tại sao, sau 2 năm, đến nay Dòng Dòng vẫn chưa có cửa hàng chính thức?

Hiện tại, các sản phẩm của Dòng Dòng được bán ký gửi tại một số cửa hàng tại Sài Gòn, Phú Quốc, Hà Nội, Đà Nẵng và kênh online trên website chính thức của chúng tôi.

Lý do chưa có cửa hàng đến từ việc thương hiệu được ra đời trong giai đoạn Covid-19. Ngay sau dịch, chúng tôi bước vào thời kỳ phục hồi nên luôn phải cẩn trọng. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang ổn định về số lượng thành viên, năng lực sản xuất và mở rộng tệp khách hàng.

Với một thương hiệu mới ra đời, việc bán ký gửi là cách để chúng tôi có thể đưa sản phẩm đến nhiều nơi hơn, tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Từ đó, chúng tôi có thể lựa chọn được chính xác địa điểm mở bán, và phong cách cửa hàng cần phải thiết kế như thế nào.

Một điểm đặc biệt của Dòng Dòng là do sự đa dạng về mẫu mã của từng dòng sản phẩm, nên không gian cửa hàng buộc phải đủ rộng để có thể trưng bày được thật nhiều sản phẩm. Vì thế một cửa hàng chính thức của Dòng Dòng ra đời trong tương lai yêu cầu nhiều sự chỉn chu hơn.

Với một chiếc balo từ vải bạt thân thiện với môi trường, Dòng Dòng muốn truyền đi thông điệp gì đến người dùng?

Sau khoảng thời gian sống ở Anh, được trải nghiệm những sản phẩm thời trang bền vững chất lượng, khi về Việt Nam tôi muốn có thể làm ra những chiếc túi tương tự như vậy nhưng do người Việt Nam sản xuất, có sự tinh tế, thông minh và cả công năng sử dụng lớn.

Với từng chiếc túi của Dòng Dòng, tôi muốn dẫu có quan tâm đến môi trường hay không, khách hàng vẫn muốn sở hữu sản phẩm vì công dụng chứ không chỉ ý nghĩa môi trường của nó.

Bên cạnh đó, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp làm về thời trang bền vững ở Việt Nam chưa phát triển. Chính vì vậy tôi muốn Dòng Dòng là một trong những tiếng nói mạnh hơn để nhiều người thấy lĩnh vực này là thị trường tiềm năng.

Khi nhiều người cùng làm, chắc chắn công nghệ tái chế sẽ được cải tiến. Tôi đã nghiên cứu đến việc sử dụng vải làm từ nhựa tái chế để sản xuất túi. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa có đơn vị làm được việc này. Nếu nhập nguồn nguyên liệu từ nước ngoài về, chi phí cho mỗi sản phẩm phải trả rất cao.

 CEO Trần Kiều Anh - Người tái sinh bạt cũ ra tiền: “Làm thời trang bền vững là con đường dài, tôi mừng vì được nhận lương chỉ sau 1 năm”  - Ảnh 16.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến Dòng Dòng như thế nào?

Ảnh hưởng của dịch bệnh là tình hình chung nên Dòng Dòng không phải là trường hợp ngoại lệ, đặc biệt với một doanh nghiệp mới thành lập nên áp lực càng nhiều. Trong suốt 4 tháng giãn cách của Sài Gòn, chúng tôi lên kế hoạch cho ra mắt những sản phẩm mới như thiết kế các món đồ gia dụng trong gia đình từ vải bạt và nhiều đồ dùng thú vị khác.

Dẫu khó khăn song tôi vẫn luôn tự hào vì team Dòng Dòng vẫn giữ nguyên số lượng người từ đầu đến cuối dịch và mọi người đều vui vẻ được quay trở lại làm việc.

Sau khi dịch kết thúc, may mắn, tình hình kinh doanh dần khởi sắc bởi các sự kiện bắt đầu được tổ chức trở lại, nhiều công ty cũng có những chương trình offline và Dòng Dòng là cái tên sáng giá để các bên hợp tác sản xuất những quà tặng đồng hành. Ngoài ra, khi kết thúc giãn cách, du lịch mở cửa trở lại, mọi người cũng sắm sửa túi mới cho những chuyến đi.

Câu chuyện tương lai của Dòng Dòng sẽ là như thế nào?

Trong tương lai, tôi sẽ mở rộng nguồn nguyên vật liệu và đa dạng các sản phẩm từ vải bạt. Đối với nhiều thương hiệu quốc tế, việc sử dụng các dòng vải làm từ chai nhựa để sản xuất sản phẩm đang là xu hướng. Tôi cũng đang nghiên cứu đến việc sử dụng loại vải này để sản xuất túi.

Ngoài ra, chúng tôi đang cân nhắc đến việc sử dụng bao xi măng hay bao thực phẩm cho gia súc để mở rộng nguồn vật liệu làm túi. Bên cạnh đó, các phụ kiện thời trang khác, hay những đồ dùng gia dụng có thể may được bằng vải bạt đang được Dòng Dòng lên mẫu và thử nghiệm.

Trong thời gian đó Dòng Dòng đang tìm cách tiếp cận các thị trường nước ngoài. Hiện nay, chúng tôi đã có cơ sở phân phối tại một số quốc gia châu Âu. Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường tiềm năng tiếp theo chúng tôi mong muốn tiếp cận.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!