Gần đây, Hội nghị thượng đỉnh Sun Valley, hay còn được biết đến là "Trại hè Tỷ phú" - đã diễn ra tại Idaho (Mỹ). Được tổ chức bởi Ngân hàng Đầu tư Allen & Co., sự kiện này được tổ chức thường niên, kéo dài suốt 39 năm.
Những người tham dự đều là những tên tuổi "máu mặt" của thế giới trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và truyền thông. Một số nhân vật có thể kể đến như Elon Musk, Bill Gates, Warren Buffett,...
Những tỷ phú này sở hữu khối tài sản đủ để mua vài chiếc siêu xe, du thuyền, chuyên cơ, hay bất kỳ món đồ hàng hiệu nào. Thế nhưng, nếu quan sát kỹ trang phục khi tham dự hội nghị năm nay, ai cũng có thể thấy được sự trở lại của một thứ khá giản dị: những chiếc áo sơ mi kẻ sọc.
Michael Bloomberg - người từng 3 lần giữ chức Thị trưởng New York, đồng thời là người sáng lập Bloomberg - cũng như Nirav Tolia - đồng sáng lập mạng xã hội Nextdoor - đều diện trên mình những chiếc sơ mi tương tự.
Chiếc áo sơ mi kẻ sọc đã trải qua biết bao thăng trầm. Từ trang phục của tầng lớp lao động chân tay, nó đã trở thành một biểu tượng thời trang mới được lòng giới đại gia.
Trang phục của người lao động biến thành biểu tượng của quý tộc
Ban đầu, sơ mi kẻ sọc được thiết kế như một kiểu áo cơ bản dành cho tầng lớp lao động, chủ yếu có tác dụng bảo hộ. Chiếc sơ mi flannel Buffalo được hãng Woolrich tung ra vào năm 1850 đã mở đầu cho trào lưu này.
Họa tiết kẻ sọc vốn được người Scotland mang đến vào cuối thế kỷ 18. Nó xuất hiện trên những chiếc áo Tartan, được dân địa phương mặc để phân biệt đẳng cấp.
Đến cuối thế kỷ 19, họa tiết kẻ sọc trở thành biểu tượng của các gia đình truyền thống có địa vị tại Anh. Công tước Windsor nổi danh là một trong những người quảng bá rộng rãi cho xu hướng này.
Trong hoàng gia Anh, áo sơ mi kẻ sọc luôn là món đồ phổ biến, được truyền từ đời này sang đời khác. Khi Thái tử Charles còn trẻ, ông đã mặc cùng Hoàng tử William. Khi Hoàng tử William lên chức, anh lại tiếp tục diện đồ đôi cùng Hoàng tử Louis.
Tại Mỹ, áo sơ mi kẻ sọc đã được tầng lớp trung lưu chấp nhận từ những năm 1960. Đến thập niên 70-80, phong cách thời trang này đã trở thành một trào lưu mới cùng với sự bùng nổ của Rock n’ Roll. Tuy nhiên, phải đến khi Internet xuất hiện, nó mới thực sự bùng nổ toàn cầu.
Vào thời kỳ đầu khởi nghiệp, nhiều ông lớn công nghệ cũng diện áo sơ mi kẻ sọc. Trong bức ảnh chụp Bill Gates năm 1990, vị tỷ phú này đã mặc một chiếc áo sơ mi kẻ sọc tím nhã nhặn nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ.
Elon Musk - người giàu nhất thế giới - cũng từng có một thời miệt mài viết code trong chiếc áo tương tự.
Người sáng lập Google - Larry Page cũng hay sử dụng áo sơ mi kẻ sọc ngoại cỡ Madras để khoác bên ngoài. Cho đến tận bây giờ, phong cách này vẫn chưa hề lỗi thời.
Ngoài ra, hình ảnh của những ngôi sao trong thế giới lập trình cũng thường gắn liền với chiếc áo sơ mi kẻ sọc. Ví dụ, Bjarne Stroustrup - cha đẻ của C - cũng hay mặc loại trang phục này.
Thậm chí, nhiều lập trình viên coi sơ mi kẻ sọc như một loại "đồng phục". Đây chính là sự kế thừa tinh thần của những tượng đài công nghệ đi trước.
Nhờ sự nổi tiếng của các đại gia công nghệ, áo sơ mi kẻ sọc trở nên phổ biến trên phạm vi toàn thế giới. Nó trở thành trang phục được mọi tầng lớp ưa chuộng, đặc biệt là trong thời buổi Internet phát triển như vũ bão.
Trang phục tưởng dễ mặc nhưng hóa ra rất kén người
Sơ mi kẻ sọc là kiểu trang phục cơ bản của nam giới. Mọi người đều có thể mặc nó, nhưng không phải ai cũng mặc đẹp. Thực tế, sơ mi kẻ sọc cũng rất kén người mặc.
CEO Time Warner Jeff Bickers có thân hình khá chuẩn, do đó việc mặc sơ mi khiến ông trẻ ra thêm vài tuổi.
Đối với những người có thân hình đẫy đà, dù người mặc sơ-vin hay thả áo ra bên ngoài, việc lộ bụng là không thể tránh khỏi. Tỷ phú Tesla là một minh chứng. Ông có thân hình khá mập mạp, lại còn khoác lên người áo sơ mi kẻ sọc rộng bản, kết hợp cùng quần bó, khiến cơ thể như bị gói chặt lại.
Cách Elon Musk mặc là một thảm họa của giới thời trang. Thân hình mập mạp, lại còn khoác lên một chiếc áo kẻ sọc rộng bản, thêm quần bó khiến cơ thể ông như bị gói chặt lại.
Áo sơ mi kẻ sọc không chỉ yêu cầu cao về hình thể của người mặc, mà còn chú trọng cả vấn đề chất liệu. Nếu không nắm rõ, loại trang phục này rất dễ phản tác dụng. Nếu chọn chất liệu quá mềm, chiếc áo sẽ oặt xuống, lộ mọi khuyết điểm của người mặc.
Ngoài ra, một số đại gia muốn phá cách khi mặc những chiếc sơ mi kẻ sọc đắt tiền, ví dụ như tỷ phú Lưu Cường Đông - người sáng lập JD.com - và tỷ phú Đinh Lỗi - người sáng lập NetEase. Đáng tiếc họ lại thất bại, nhận về không ít lời chê từ giới mộ điệu.
Sau nhiều thảm họa thời trang, giới nhà giàu bắt đầu dè chừng hơn với loại trang phục này. Hiện tại, Elon Musk chủ yếu chỉ mặc những chiếc áo đơn giản có màu trơn.
Xu hướng vượt thời gian
Qua hàng trăm năm, chiếc áo sơ mi kẻ sọc vẫn còn hiện diện trong cuộc sống. Từ khu phố của những lao động nghèo cho đến thung lũng tập hợp các tỷ phú, món đồ này ngày càng trở nên phổ biến.
Điểm nổi bật của áo sơ mi kẻ sọc nằm ở sự thoải mái, linh động và đa năng. Ở Mỹ, người giàu hay người nghèo đều sẽ có ít nhất một chiếc áo sơ mi kẻ sọc trong tủ.
Dù xu hướng thời trang ở Thung lũng Silicon thay đổi ra sao, các vị đại gia vẫn rất yêu thích sơ mi kẻ sọc. Với các tỷ phú công nghệ, thời trang luôn phải nhường bước cho sự thoải mái. Còn với những doanh nhân phố Wall luôn gắn liền với phong cách thượng lưu, họ cũng đã bắt đầu chuyển mình sang những chiếc sơ mi kẻ sọc đơn giản.
(Theo 163)