Sáng 18/8 vừa qua, cuộc họp báo khởi động phần thi trang phục dân tộc của cuộc thi Miss Grand Vietnam 2022 đã được diễn ra với sự tham gia của dàn người đẹp đình đám.
Sau thành công của các loạt trang phục dân tộc như: "Blue Angel" của Nguyễn Thúc Thùy Tiên tại Miss Grand 2021, "Huyền Đăng Hội" của Á hậu Kiều Loan tại Miss Grand 2019, "Lá Ngọc Cành Vàng" của Á hậu Ngọc Thảo tại Miss Grand 2020, BTC Miss Grand Vietnam 2022 đã quyết định sẽ tổ chức vòng thi trang phục dân tộc với quy mô lớn, hoành tráng để tạo sân chơi cho các nhà thiết kế, đồng thời tìm kiếm tác phẩm thắng giải để tân Miss Grand Vietnam 2022 sẽ mang tới đấu trường Miss Grand International 2022 ở Indonesia vào tháng 10 tới.
Được biết, sẽ có tới 60 bộ trang phục dân tộc đặc sắc tham gia trong phần thi này, hứa hẹn sẽ tạo nên một phần trình diễn cực kỳ mãn nhãn và lộng lẫy. BTC sẽ lựa chọn ra 2 giải chiến thắng để cân nhắc đem đi thi đấu ở Indonesia.
Ngay sau khi phát động, BTC Miss Grand Vietnam đã nhận được rất nhiều tác phẩm dự thi của các nhà thiết kế đến từ mọi miền tổ quốc với những ý tưởng vô cùng độc lạ.
Những yếu tố văn hóa dân tộc được lồng ghép khéo léo vào các tác phẩm. Điểm qua có thể thấy những ý tưởng về con cò, cá chép, bánh xèo...được đưa vào những bộ trang phục khiến công chúng thích thú.
Cùng ngắm qua những ý tưởng trang phục dân tộc độc đáo của Miss Grand Vietnam 2022:
Thiết kế "Ngàn hoa Hà Nội" lấy ý tưởng từ những chiếc xe đạp cũ kỹ, chở hoa rong ruổi khắp các nẻo đường mang đến cho Hà Nội vẻ đẹp dịu dàng, trong trẻo. Khi những cánh sen tỏa hương thơm ngát khắp các đầm ở khu vực Hồ Tây cũng là lúc những xe hoa chở sắc hồng mùa hè đến với người dân Hà Nội. Mùa về trên những cánh hoa. Bởi chỉ cần nhìn sắc hoa trên những chiếc xe rong trên phố, bạn cũng có thể biết được mùa Hà Nội.
Tác phẩm "Tranh cá chép" lấy ý tưởng từ tác phẩm Tranh cá chép Đông Hồ. Tác phẩm là hình ảnh một chú cá chép lớn đầy màu sắc rực rỡ. Xung quanh là những đàn con tung tăng bơi lội những con đều có chuyển động khác nhau nhưng chúng đều hướng về mẹ. Cảm giác giúp cho người xem thấy được sự vui vẻ, rộn ràng.
Tác phẩm "Châm kim chỉ phiến" lấy cảm hứng từ chiếc quạt sừng giấy Dó Châm Kim, làng nghề truyền thống 200 năm lịch sử từ làng Vác, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Mỗi chiếc quạt gợi lên ký ức tuổi thơ gần gũi người dân Việt.
Tác phẩm "Mẹ cò" lấy cảm hứng từ hình ảnh người mẹ tảo tần lo lắng chăm sóc cho đàn con, nhằm nhắn nhủ công ơn sinh thành nuôi dưỡng của người mẹ. Hãy trân trọng những gì mẹ đã hi sinh cho mình hãy luôn yêu thương và chăm sóc mẹ như mẹ đã chăm sóc mình.
"Chiến thần bánh xèo" lấy cảm hứng từ món ăn quen thuộc với mọi người Việt Nam, cùng với hình ảnh kỹ thuật chiên 10 chảo bánh xèo cùng lúc nhằm quảng bá du lịch cùng với món ăn ngon của Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Bộ trang phục thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt nữ công gia chánh sự khéo léo để có một món bánh xèo ngon.
"Vũ khúc thủy đình" lấy ý tưởng từ văn hóa múa rối nước vừa xen giữa những nét đẹp truyền thống với những đường nét kiến trúc sắc sảo kết hợp với nó là sự phá cách hiện đại tạo nên tổng thể vô cùng độc đáo nhưng lại rất tinh tế và mang nét đẹp truyền thống dân tộc.
Tác phẩm "Điệu lý kiều dừa" lấy cảm hứng từ dừa nước, loại quả dân dã gắn liền với tuổi thơ sông nước.