Theo BoF, tòa án Milan thông báo kết quả về vụ điều tra các xưởng sản xuất túi cho Dior túi xách ở Milan và Brianza nhiều tháng qua. Tài liệu của tòa án cho biết từ tháng 3 đến tháng 4, cảnh sát Italy đã tiến hành kiểm tra các nhà cung cấp Pelletteria Elisabetta Yang SRL, New Leather Italy SRLS, AZ Operations SRLS và Davide Albertario Milano SRL. Trong đó, Pelletteria Elisabetta Yang và Davide Albertario Milano là nhà cung cấp trực tiếp cho Dior.
Trong phán quyết dài 34 trang, thẩm phán cho biết các công nhân bị buộc phải ngủ tại nơi làm việc để đảm bảo có "nhân lực sẵn sàng 24 giờ một ngày", sống và làm việc "trong điều kiện vệ sinh và sức khỏe dưới mức tối thiểu". Bảng dữ liệu về mức tiêu thụ điện cho thấy "chu kỳ sản xuất ngày đêm liền mạch, kể cả trong những ngày nghỉ lễ". Ngoài ra, các thiết bị an toàn đã được loại bỏ khỏi máy móc để cho phép chúng hoạt động nhanh hơn.
Người mẫu Elsa Hosk xách túi Dior ở Tuần thời trang Paris năm 2023. Ảnh: Instagram Elsa Hosk
Theo tài liệu, tất cả điều này giúp Dior và nhà thầu hạn chế chi phí, đảm bảo hãng chỉ tốn 53 Euro để sản xuất một chiếc túi xách, sau đó bán lẻ trong các cửa hàng với giá 2.600 Euro. Theo tạp chí NSS, tiết lộ này khiến nhiều người sốc. Một số người đặt câu hỏi với chi phí này, chất lượng của chiếc túi liệu có đúng như quảng cáo.
Kết quả của cuộc điều tra cho thấy Dior không thực hiện kiểm tra định kỳ các nhà sản xuất túi cho hãng trong nhiều năm. Hãng được cho là "dửng dưng" trước hành vi bóc lột các công nhân Trung Quốc tại các nhà máy sản xuất túi xách ở chi nhánh Milan và Brianza. Nhà mốt tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tiết kiệm chi phí lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bóc lột bằng cách không xác minh việc tuân thủ các quy định lao động ở những xưởng sản xuất hãng đã thuê.
Chủ sở hữu của các nhà thầu tiếp tục bị các công tố viên Milan điều tra vì bóc lột công nhân và thuê người ngoài sổ sách, Dior không phải đối mặt với cuộc điều tra hình sự nào. Hãng mốt Pháp được yêu cầu trả 138.000 euro tiền phạt, đình chỉ hoạt động đối với bốn đơn vị nhà thầu. Hiện LVMH và Dior chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
Thương hiệu Dior do huyền thoại thời trang Christan Dior thành lập năm 1946, hiện thuộc LVMH - tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Hãng kinh doanh quần áo nam, nữ, túi xách, trang sức, giày dép, nước hoa, mỹ phẩm. Theo Fashion United, doanh thu của nhà mốt năm ngoái đạt 86,2 tỷ Euro.
(theo Reuters, BoF)