Yuki Iozumi hết sức sầu não với suy nghĩ trông đôi vai mình sẽ như thế nào khi diện một bộ váy cưới.
“Em nghĩ là mình hơi bị cơ bắp quá. Không được nữ tính lắm thì phải” - đó là lời của một cô gái 20 tuổi nhỏ nhắn khi nhớ lại bạn bè từng nói việc tập karate đã thay đổi cơ thể cô thế nào.
Iozumi trong bộ váy cưới trước phần thi chung kết hoa khôi Đại học Aoyama Gakuin hồi tháng trước.
Mục tiêu của Iozumi là dáng vẻ nữ tính truyền thống. Lý do cô sinh viên năm 2 phải mặc váy cưới cũng không phải vì chuẩn bị kết hôn, mà là để tham dự một cuộc thi sắc đẹp tại Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo.
Định kiến giới, tiêu chuẩn ngoại hình khắt khe, “bình hoa di động”
Những cuộc thi hoa khôi này thường được gọi với cái tên “Miss Con” (viết tắt cho Miss Contest ở Nhật) được tổ chức tại nhiều trường đại học khắp đất nước, bao gồm cả các ngôi trường danh giá như Đại học Tokyo hay Đại học Keio.
Theo New York Times, các cuộc thi hoa khôi này thường được tài trợ bởi các hội sinh viên với tuyên bố thúc đẩy các giá trị trí tuệ và là sự chuẩn bị cho một cuộc sống chuyên nghiệp cho thí sinh. Thực tế thì chưa chắc.
Một thí sinh vào chung kết cuộc thi hoa khôi Aoyama đang chào khán giả. Họ phải tuân theo rất nhiều quy tắc khắt khe về ngoại hình.
Người hâm mộ tập trung với những tấm biển "fansign" trong phần thi.
Tại Nhật Bản, những thí sinh lọt vào vòng chung kết của mỗi cuộc thi Miss Con đều thu hút thêm hàng nghìn lượt người theo dõi trên các trang mạng xã hội, thậm chí được mời hợp tác tài trợ. Những cơ hội này tiếp tục mở ra triển vọng nghề nghiệp trong ngành người mẫu, giải trí hoặc truyền hình. Trong lúc đó, thành tích học tập hoặc công tác xã hội ít khi được nhắc đến hoặc là điều kiện tiên quyết cho các cuộc thi.
Những thí sinh tham dự sẽ có tiềm năng tiến thân trong các ngành trên với vị trí dẫn chương trình hoặc “talent” - người có sức ảnh hưởng trong các chương trình tạp kỹ, hài kịch hoặc tin tức, tất nhiên phần nhiều là dựa vào ngoại hình hơn là kỹ năng hay sự hiểu biết. Bản thân việc phải mặc váy cưới trong cuộc thi sắc đẹp có lẽ đủ khó hiểu và gợi ra hàng loạt suy nghĩ về hành vi đóng đinh vai trò giới tính.
Một yếu tố giải thích cho hiện tượng trên là, mặc dù có cả cuộc thi cho 2 giới, nhưng các cuộc thi cho nữ giới gần như chiếm trọn sự chú ý. “‘Miss Con’ là một trong những nguồn khách hàng lớn nhất cho chúng tôi. Những cô gái dễ thương và xinh xắn đều tập trung tại đó. Chúng tôi còn chẳng cần phải đi tìm họ” - Tasuku Ito, một quản lý công ty “talent” ở Tokyo cho biết.
Phần thi vũ đạo của các thí sinh trong một cuộc thi hoa khôi.
Trái ngược với nữ giới, thí sinh nam tham dự các cuộc thi sắc đẹp thường không được tuyển dụng, bởi lẽ theo Ito, những người xuất hiện trên các bản tin hay chương trình truyền hình vốn là chuyên gia rồi.
Để phản ánh sâu hơn sự chú trọng ngoại hình của các cuộc thi, New York Times chỉ ra khán giả hay người xem thường bầu chọn cho những thí sinh mang nhiều vẻ đẹp nữ tính truyền thống nhất.
Ở quốc gia Đông Á, vẻ đẹp nữ tính được định nghĩa khá hẹp: Bạn phải có những nét nữ tính, với đôi mắt to tròn, dáng người mong manh, phù hợp với văn hóa “kawaii” hay “dễ thương” và có tiềm năng ăn khách trên các bộ phim truyền hình, nhóm nhạc pop, quảng cáo…
Quay trở lại với cuộc thi tại Đại học Aoyama Gakuin, những video được đăng tải quảng bá cho các thí sinh và “tiếp sức” cho phần thi chính vẫn mang thông điệp sáo mòn khi cho thí sinh nữ bàn luận về mục tiêu trong hôn nhân, cùng nướng bánh, nấu ăn; còn thí sinh nam đi tập thể hình.
Trong một video đăng tải 2 năm trước, 6 thí sinh vào vòng chung kết của Aoyama Gakuin cùng tham gia vào “thử thách một ngày làm người đẹp” khi chẳng nói hay làm gì mấy ngoài việc đi loanh quanh ăn kem, chơi cầu lông, mua sắm quần áo, chơi trò chơi điện tử và ăn bánh ngọt cùng người lạ, đồng thời tạo dáng dễ thương trước camera. Chưa hết, video đó đặt ra câu hỏi cho người xem: “Bạn sẽ chọn hẹn hò với ai?”.
Các thí sinh đang được "tút tát" lại trước giờ thi.
Những năm gần đây, nhiều sinh viên và thành viên ban giáo vụ ở các trường học Nhật đã bắt đầu dấy lên câu hỏi về giá trị nền tảng của các cuộc thi sắc đẹp này. Những người chỉ trích phân tích rằng chúng áp đặt các tiêu chuẩn sắc đẹp mang đậm thành kiến, và rằng chúng không ăn nhập với giá trị giáo dục của các trường đại học.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng thi sắc đẹp giữa các sinh viên đại học đúng là một sự xúc phạm, bởi nó cổ vũ vẻ đẹp ngoại hình và khả năng làm hình ảnh của phụ nữ trẻ trong xã hội Nhật Bản vốn đã quá đề cao kiểu văn hóa và giá trị như thế” - Hae-bong Shin, giáo sư luật tại Đại học Aoyama Gakuin và hiện là nhà sáng lập một trung tâm nghiên cứu về giới cho biết. Nặng hơn, ông cho rằng “cả nền văn hóa đại học bị vấy bẩn vì điều đó”.
Đại học Aoyama Gakuin đưa ra trong một tuyên bố rằng tính đến năm ngoái, Miss Con không còn là một phần của các dịp lễ mùa thu chính thức trong trường, và rằng nhà trường đã thiết lập một trung tâm nghiên cứu về giới để “loại bỏ các nhận thức mang tính định kiến giới”.
Những tiêu chuẩn sắc đẹp khắt khe được cổ súy bởi các cuộc thi sắc đẹp kiểu này có thể dẫn tới nhiều hành vi thiếu lành mạnh. Trong một video đăng tải lên YouTube, một cựu thí sinh hoa khôi Đại học Rikkyo nói cô phải ăn kiêng đến mức bật khóc giữa đêm vì đói để mặc vừa một chiếc váy cưới.
Các thí sinh chờ đợi trong cánh gà buổi tổng duyệt một cuộc thi hoa khôi đại học ở Tokyo.
Dạng cuộc thi này gần đây tiếp tục hứng chịu chỉ trích sau khi có tin một thành viên ban tổ chức là nam giới tại Đại học Keio bị cáo buộc có hành vi tấn công tình dục một thí sinh nữ. Tại Đại học Tokyo, người chiến thắng năm 2020 - Asa Kamiya công khai lên tiếng cáo buộc ban tổ chức quấy rối tình dục các thí sinh, ví dụ như bằng cách hỏi họ đã từng có bao nhiêu bạn tình trong khi phỏng vấn.
Kamiya còn cho biết cô tận mắt thấy một thí sinh khác gục xuống khóc sau khi bị bắt phải uống 10 cốc rượu trước thành viên ban giám khảo phần lớn là nam - những người nắm quyền “sinh sát” chọn ra gương mặt vào chung kết.
Tại Đại học Aoyama Gakuin và nhiều trường khác, các hội sinh viên đứng ra tổ chức những cuộc thi nói trên không còn được thừa nhận bởi nhà trường.
Bản thân ban tổ chức các cuộc thi này cũng thừa nhận sự yếu kém của họ. Tại cuộc thi ở Đại học Tokyo, một thành viên tên Ryoma Ogawasara cho biết họ đã cố gắng chỉ định một “quản lý” nữ cho mỗi thí sinh để tránh việc quấy rối, nhưng “chúng tôi không thể làm thêm gì nhiều”.
Sau cáo buộc của Kamiya, ban tổ chức cuộc thi ở Đại học Tokyo phải lên tiếng xin lỗi công khai. Tréo ngoe là sau đó, chính cô này nói rằng mình không muốn cuộc thi bị hủy bỏ bởi nó đã “thay đổi cuộc đời cô” và cho cô cơ hội rộng mở trong ngành người mẫu, cũng như xuất hiện trên hàng loạt show truyền hình.
Thay đổi kiểu "ba chìm bảy nổi"
Tất nhiên, ban tổ chức các cuộc thi cũng không phải không nhận diện được vấn đề. Họ muốn tiếp tục bảo tồn các cuộc thi này bằng cách chuyển trọng tâm từ ngoại hình sang các giá trị về phẩm chất và thông điệp xã hội.
Tại Đại học Sophia ở Tokyo, ban tổ chức yêu cầu mỗi thí sinh tự chọn một thử thách xã hội làm chủ đề cá nhân và đăng tải các thông điệp lên mạng xã hội. Họ cũng thống nhất cuộc thi sắc đẹp nam nữ và chào đón cả các thí sinh nằm ở bất kỳ đâu trên “quang phổ giới tính”.
Trong cuộc thi năm ngoái của Đại học Sophia được tổ chức trực tuyến, một thí sinh nữ thậm chí còn giấu mặt, cố truyền đi thông điệp rằng sắc đẹp không còn là trọng tâm của sự kiện nữa - tất nhiên là cô không giành giải.
Một buổi tổng duyệt cho cuộc thi của Đại học Sophia
Nhưng đúng là bắt đầu có những thay đổi. Hoa khôi năm nay của trường này là Mihane Fujiwara, một sinh viên 19 tuổi ngành công tác xã hội với lợi thế là nhận thức về vấn đề rác thải tại các cộng đồng nghèo ở Campuchia, hay thành tích làm tình nguyện tại bếp ăn tình thương tại Los Angeles suốt mùa hè.
Tuy nhiên, kể cả khi các thí sinh và ban tổ chức nỗ lực thay đổi, vẫn còn một động lực làm rào cản: người xem.
Á khôi năm ngoái, Mai Egawa, một sinh viên 21 tuổi ngành nghiên cứu châu Phi cho biết bất cứ khi nào cô đăng tải sự quan tâm của cô về các vấn đề ở Rwanda chẳng hạn, cô đều nhận được những bình luận kiểu “Bạn thật dễ thương” hoặc “Bạn xinh quá”.
Người xem đang đắn đo "chọn mặt gửi vàng" trong cuộc bầu chọn người chiến thắng hoa khôi Đại học Sophia.
“Nếu người xem các cuộc thi không thay đổi, thì sẽ rất khó để thay đổi nhận thức về chúng”, cô nêu ý kiến.
Ở Aoyama Gakuin, ta lại thấy một khung cảnh hơi khác.
Vào tuần cuối tháng 10 vừa rồi, vòng chung kết cuộc thi Miss Mister Aoyama đã được tổ chức trong một khán phòng tối trên tầng 9 của một tòa tháp ở quận Shibuya, Tokyo. Iozumi, cô gái ở đầu bài viết, và 5 ứng viên nữ lọt vào chung kết khác diễu hành dọc sân khấu trong trang phục dạ hội được cung cấp bởi các nhà tài trợ.
Mỗi thí sinh có một màn trình diễn ngắn với các tài năng như trang trí bánh, hát ca khúc hip-hop tự soạn hoặc, như trong trường hợp của Iozumi, là biểu diễn một bài quyền karate cùng một bạn diễn.
Phần thi trong trang phục váy cưới của các thí sinh Aoyama.
Trong lúc chăm chú xem chương trình, một khán giả nam 47 tuổi tên Masayuki Yamanaka - vốn đã “chai mặt” với các cuộc thi kiểu này, vừa bình phẩm “Họ đều quá dễ thương”, lộ rõ vẻ phân vân khi bình chọn người chiến thắng, vừa tỉ mẩn dò xét sơ yếu lý lịch của các thí sinh. Ông đội chiếc mũ phớt, trên đùi là hàng đống thú nhồi bông làm quà đợi sẵn.
Vào đêm diễn thứ 2 của cuộc thi, 3 thí sinh nữ còn lại xuất hiện trong trang phục váy cưới bồng bềnh, đội vương miện lấp lánh trong khi song hành cùng một thí sinh nam trên thảm đỏ. Iozumi “khéo léo” che phần vai với một chiếc váy cổ cao và tay dài.
Phần thi diễn ra gợi cảm giác như một đám cưới tập thể với các cặp đôi trưng ra khuôn mặt gượng gạo.
Đến cuối chương trình, khi được xướng tên là hoa khôi Đại học Aoyama, Iozumi vẫn còn “đứng hình”.
Iozumi lộ rõ vẻ lo lắng trước phần thi.
Một thí sinh khác đang khóc ở hậu trường khi cuộc thi kết thúc với vương miện chung cuộc thuộc về Iozumi.
Ngồi ở phía sau khán phòng với người bạn cùng lớp từ một trường đại học ở tỉnh Chiba, Nodoka Ogawa 21 tuổi cho biết cô sẽ không bao giờ tơ tưởng tới việc tham gia “Miss Con”. “Tôi nghĩ tất cả họ đều phải rất dũng cảm, vì rất nhiều người sẽ nhìn vào và bạn phải cực kỳ xinh đẹp”.
Nguồn: New York Times