Trong thời trang, các đại lý buôn bán áo quần secondhand (đã qua sử dụng) dùng từ vintage để đặt tên cho những bộ đồ được sản xuất từ năm 1920 đến 1990. Quần áo theo phong cách thời trang vintage chủ yếu là trang phục được lưu giữ lại từ rất lâu. Đa số các kiểu áo quần đó có số lượng rất ít và đã ngưng sản xuất. Ngoài ra, không ít sản phẩm trong số đó đã bị lỗi và phải tái thiết kế dựa trên kiểu dáng, chi tiết có sẵn.
Ngày nay, các nhà mốt đua nhau mô tả sản phẩm của mình là "lấy cảm hứng từ thiết kế cổ điển'', ''phục hưng lại thời trang lưu trữ'', ''tái sinh thiết kế cổ điển tiêu biểu"... Gucci, Fendi, Dior, Louis Vuitton, Prada, Vivienne Westwood, Celine và rất nhiều cái tên khác đã làm mưa làm gió tủ đồ thời hiện đại bằng loạt thiết kế từ những năm 60 - 70 - 90. Cùng với loạt nhận định rằng tính bền vững đang là mối quan tâm lớn nhất khi nhắc tới ngành công nghiệp triệu đô, việc mua bán những món đồ cũ dường như càng trở nên phổ biến.
Bên cạnh trang phục và giày dép, có thể nói túi xách là mặt hàng thể hiện rõ nhất xu hướng ưa chuộng đồ vintage. Từ Dior Saddle cho đến túi Blondie mới nhất của Gucci, những ''best seller'' từ quá khứ đã lội ngược dòng và tạo cú chuyển mình ngoạn mục trong vài năm trở lại đây. Nhật Bản là quốc gia “góp công” lớn trong sự thúc đẩy xu hướng này, khi từng là trung tâm hàng hóa xa xỉ toàn cầu nhờ sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Để rồi, gần đây người tiêu dùng Nhật Bản bắt đầu cắt giảm việc mua hàng xa xỉ và bán các bộ sưu tập của riêng họ, khiến thị trường đồ cũ sôi động hơn bao giờ hết.
Theo thống kê của WWD thì trên thực tế, xu hướng sử dụng túi vintage đã bắt đầu nhen nhóm từ năm 2015, khi mà người ta thấy rằng giới trẻ bắt đầu "sục xạo" các thrift shop để lùng mua chiếc túi yên ngựa trứ danh. Dần dà, bóng hình của những chiếc Prada Nylon Bag, Prada Chain Bag, Chanel Belt Bag... bắt đầu xuất hiện với các cô It Girl với tần suất dày đặc hơn. Thị trường túi vintage ở Mỹ, ở các nước châu Âu hay đặc biệt là Nhật thì náo nhiệt như một lễ hội âm nhạc với đủ thứ âm thanh sôi động vậy.
“Áp lực kinh tế do đại dịch mang lại cũng khiến một số khách hàng xa xỉ phải bán đồ của họ để giảm bớt vấn đề tài chính. Và khách hàng đang tập trung nhiều hơn vào các lựa chọn hiệu quả về chi phí do thu nhập giảm,” Gu Jin, người sáng lập chenzhen.com, cho biết.
Khác với những món đồ hạng trung, ưu điểm của túi xách hàng hiệu là càng dùng càng đẹp, tất nhiên là nếu chủ sở hữu biết cách bảo quản cẩn thận. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, túi xách thuộc các phiên bản cũ còn đạt chất lượng cao cấp hơn hẳn phiên bản mới do nhiều yếu tố liên quan tới việc thiếu nguồn cung nguyên liệu, kỹ thuật chế tác, xưởng sản xuất...
Ngoài ra, tâm lý muốn sử dụng những món đồ độc quyền, được tận tay sắm sửa những thứ mà không phải cứ có tiền là mua được, hay trở thành một trong số hiếm những người sở hữu phiên bản giới hạn của mẫu túi chỉ với giá bằng 1/3 giác gốc,... cũng là động lực thúc đẩy chúng ta tìm tới túi xách vintage.
Nhu cầu tăng cao dẫn tới nguồn cung khan hiếm, giá cả của những chiếc túi xách cũng vì thế mà ''leo thang''. Giá trung bình một chiếc túi Gucci Jackie vintage hiện đang là hơn 11 triệu đồng, tức là đã tăng 101% so với năm 2019. Còn chiếc Constance của Hermès có giá ''sang tay'' là gần 160 triệu đồng.
Hồi đầu năm 2022, công ty sở hữu nền tảng bán hàng thời trang chuyển nhượng, second-hand The RealReal đã xuất bản một báo cáo về xu hướng mua sắm trong năm qua. Dựa trên số lượng người dùng “khủng” là 24 triệu thành viên, The RealReal có cái nhìn tổng quát về thị trường thời trang second hand. Theo công ty, 40% nhóm khách hàng đang tìm cách thay đổi thói quen mua sắm thời trang nhanh một cách tội vạ. Họ tìm đến thời trang second hand, trong năm 2021 - 2022, để thay thế. Còn 43% tổng khách hàng lựa chọn thời trang second hand vì cho rằng đấy là lối mua sắm thân thiện hơn với môi trường.
Top 3 thương hiệu thời trang được ưa chuộng nhất là Gucci, Prada và Louis Vuitton, với số lượng mặt hàng chuyển tay cao nhất. Nhóm Gen Z là đối tượng khách hàng tăng trưởng mạnh nhất trong địa hạt mua sắm thời trang second hand cao cấp. Đối với nhiều người trong số họ, thị trường second hand là nơi đầu tiên họ được sở hữu món đồ hàng hiệu đầu tay của mình.
Có thể nói, cái hay của trào lưu chuyển nhượng các sản phẩm vintage này chính là một sản phẩm với một người có thể đã cũ, lại trở thành một vật quý đối với người khác. Cũng nhờ sự lên ngôi của thị trường thời trang second hand mà các mặt hàng vintage không bị phí hoài, có thể đến với tầng lớp người yêu thời trang trẻ tuổi.
Ảnh: Internet