4 lý do vợ chồng mãi không giàu

Nhiều gia đình ngại bàn chuyện tiền bạc vì sợ gây căng thẳng, nhưng theo các chuyên gia, chính sự im lặng này mới là nguyên nhân sâu xa dẫn tới nghèo khó.

Andrew Lokenauth, chuyên gia tài chính cá nhân, giảng viên tại Đại học Florida, liệt kê những rào cản khiến các cặp vợ chồng gặp khó khăn tài chính.

Tránh né các cuộc trò chuyện về tiền bạc

Nhiều cặp thường tránh nói chuyện về thói quen chi tiêu, khoản nợ hay kế hoạch tài chính cho đến khi xảy ra mâu thuẫn. "Giữ im lặng quá lâu chỉ khiến căng thẳng tăng lên và bỏ lỡ cơ hội cùng nhau giải quyết vấn đề", Andrew nói.

Ông khuyên các cặp đôi nên dành thời gian mỗi tháng để cùng xem lại tài chính, không cần quá trang trọng nhưng nên duy trì đều đặn. Trong buổi nói chuyện đó, hai người có thể chia sẻ về chi tiêu, kế hoạch tương lai và những điều cần ưu tiên, quan trọng là không phán xét nhau.

Khác biệt giá trị sống xoay quanh tiền bạc

Một người có thể ưu tiên tiết kiệm, trong khi người kia đề cao trải nghiệm hay trách nhiệm gia đình. Cả hai không sai, nhưng nếu không được thấu hiểu và điều chỉnh, sẽ dễ đi theo hai hướng đối lập.

Chris Heerlein, giám đốc điều hành công ty tư vấn tài chính REAP Financial (Mỹ) từng tư vấn cho một đôi, người chồng tiết kiệm cho hưu trí, còn vợ hỗ trợ tài chính cho cha mẹ. Khi xây dựng được kế hoạch dòng tiền chung tính đến cả hai nhu cầu, họ không chỉ ngừng cãi vã mà còn tiết kiệm hiệu quả hơn.

Quản lý tài chính tách biệt hoàn toàn

Không ít cặp đôi chọn giữ tài khoản riêng, nhất là khi từng trải qua tổn thương. Tuy nhiên, nếu không có mức độ hợp tác hay tầm nhìn chung nào, sẽ khó cùng nhau xây dựng tài chính vững mạnh, theo Heerlein.

"Hợp nhất tài chính không nhất thiết là dùng chung tài khoản, mà là có sự rõ ràng và minh bạch", ông nói.

Các đôi thành công thường có hệ thống tài chính phù hợp với cả hai và cùng hướng tới mục tiêu chung.

Chi tiêu giấu giếm

Theo khảo sát của Bread Financial, 45% người đang trong mối quan hệ từng che giấu chi tiêu hoặc nợ nần, trong khi 23% khẳng định sẽ chia tay nếu phát hiện bạn đời "ngoại tình tài chính".

"Sự lừa dối làm mất lòng tin nhiều hơn cả số tiền", Lokenauth nói.

Chuyên gia cho rằng, khi giấu giếm chuyện tiền bạc, các đôi sẽ khó đồng lòng cùng nhau xây dựng tương lai.

Lokenauth và Heerlein khuyên các cặp đôi áp dụng một số chiến lược dưới đây để gỡ rối tài chính và cùng nhau tạo dựng sự giàu có.

Hẹn hò tiền bạc định kỳ: Một số cặp vợ chồng mà Lokenauth tư vấn gặp nhau hàng tháng bên ly rượu vang để cập nhật tình hình tài chính, cùng ăn mừng những cột mốc như trả xong nợ hoặc đạt mục tiêu tiết kiệm.

Tạo tầm nhìn chung: Hãy viết ra viễn cảnh tài chính lý tưởng của mỗi người, sau đó kết hợp thành kế hoạch chung. Sự đồng thuận này, theo Lokenauth, có thể khiến tài sản ròng tăng gấp đôi hoặc gấp ba.

Minh bạch chi tiêu: Cùng chia sẻ thông tin về tài khoản, khoản nợ, giao dịch lớn và dùng ứng dụng lập ngân sách để theo dõi cùng nhau. Một đôi khách hàng của ông đã thoát khỏi căng thẳng tài chính nhờ thói quen nhắn tin chia sẻ mỗi lần tiêu tiền.

Tài khoản "tiền vui vẻ" riêng biệt: Mỗi người giữ một khoản chi tiêu cá nhân (thường là 5-10% thu nhập) mà không cần xin phép hay báo cáo. Điều này giúp duy trì sự tự do mà không làm ảnh hưởng đến tài chính chung.

Tự động hóa tiết kiệm: Cài đặt chuyển khoản tự động vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư trước khi tiền chảy vào tài khoản tiêu dùng.

Một đôi đã tích lũy được hơn 100.000 USD chỉ nhờ tự động hóa khoản tiết kiệm 2.000 USD mỗi tháng.

Tìm chuyên gia sớm: Đừng đợi đến khi có vấn đề mới đi tìm tư vấn. Những cặp đôi chủ động gặp chuyên gia tài chính từ đầu thường xem đó như "bảo dưỡng hôn nhân" hơn là can thiệp khi khủng hoảng.