Chồng tôi có một người em trai, mãi đến 36 tuổi mới lập gia đình. Em là con út, từ nhỏ đã được mẹ chồng tôi cưng chiều hết mực. Không phải em không tốt, chỉ là do được nuông chiều quá lâu nên thành ra có chút ỷ lại, ít chủ động, và đôi khi không biết cách xử lý những mối quan hệ trong nhà.
Thời thanh niên, em từng yêu nhiều người nhưng chẳng mối tình nào đi đến đâu. Một phần vì em chưa thực sự trưởng thành, phần khác vì mẹ chồng tôi luôn can thiệp rất sâu.
Mẹ vốn rất kỹ tính trong việc chọn dâu. Người này bà chê không đủ hiền, người kia thì bảo không biết chăm sóc, cứ thế từ chối hết lần này đến lần khác, cho đến khi chính bà cũng sốt ruột vì em trai đã lớn tuổi.
Cuối cùng, năm em trai 36 tuổi, em cưới được một cô gái nhỏ hơn 8 tuổi. Em dâu xinh xắn, trẻ trung, có học thức nhưng tính cách hơi tiểu thư, thẳng tính.
Những ngày đầu sau cưới, cô em dâu này đã khiến không khí trong gia đình thay đổi hẳn. Trong bữa cơm, em vừa lướt điện thoại, vừa yêu cầu chồng gắp thức ăn đút cho mình. Hễ món gì không vừa miệng là chê bai thẳng thừng ngay trước mặt mẹ chồng, rồi kéo chồng ra ngoài ăn, mặc kệ cả nhà đang ngồi ăn cùng nhau.
Em dâu xinh xắn, trẻ trung, có học thức nhưng tính cách hơi tiểu thư, thẳng tính. (Ảnh minh họa)
Tôi thấy rõ mẹ chồng bắt đầu khó chịu, nhưng vì ngại con dâu mới, nên chỉ im lặng chịu đựng. Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đó.
Khi em dâu mang thai con đầu lòng, cô ta càng tỏ ra lười nhác và đòi hỏi. Cơm nước mẹ chồng phải bưng tận phòng, ăn xong lại phải dọn. Có lúc không có chồng ở nhà, em ấy thản nhiên nhờ mẹ chồng đi mua đồ ăn cho mình. Nếu mẹ không đồng ý, em dâu sẽ gọi người nhà sang "nói chuyện", khiến cả nhà loạn lên.
Tôi biết mẹ chồng rất mệt mỏi. Bà bắt đầu thở dài nhiều hơn, nhiều đêm tôi nghe bà thì thầm với chồng tôi rằng, hay là khuyên em trai ly hôn, chứ sống thế này không ổn.
Nhưng em chồng lại không nghe lời khuyên của mẹ chồng và anh trai. Em nói:
- Ngày xưa cũng vì mẹ mà con không cưới được ai. Bây giờ khó khăn lắm mới có vợ, lại sắp có con, giờ mẹ lại ép con bỏ vợ bỏ con mình sao? Con sẽ không bao giờ làm như thế đâu.
Lúc đó tôi thấy mẹ chồng lặng đi. Tôi tin bà bắt đầu nhận ra điều gì đó, rằng việc nuôi dạy con không chỉ là cho ăn học mà còn cần rèn tính cách, cần buông bớt sự kiểm soát để con trưởng thành đúng nghĩa.
Tôi cũng là con dâu dâu trong ngôi nhà này. Khi em chồng chưa cưới vợ, mọi việc nhà tôi đều lo. Dù đi làm cả ngày, về đến nhà vẫn phải vào bếp.
Có hôm cơm muộn, mẹ chồng liền chê tôi chậm chạp, không biết sắp xếp thời gian để lo toan cho gia đình. Khi tôi mang thai, dù bụng to nặng nề, vẫn phải đứng bếp nấu ăn cho cả nhà. Tôi chưa từng kêu ca, nhưng trong lòng thì rất tủi thân.
Đỉnh điểm là khi tôi sinh con đầu lòng, trong suốt thời gian ở cữ, mẹ chồng gần như không đoái hoài đến tôi. Nếu không nhờ chồng đỡ đần phần nào, chắc tôi đã kiệt sức.
Nhưng tôi chọn im lặng, bởi tôi không muốn mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở nên căng thẳng hơn. Tôi âm thầm chăm sóc gia đình nhỏ của mình, cố gắng tạo một tổ ấm bình yên cho các con.
Khi tôi sinh con đầu lòng, trong suốt thời gian ở cữ, mẹ chồng gần như không đoái hoài đến tôi. (Ảnh minh họa)
Khi em trai chồng cưới vợ được 2 năm, vợ chồng tôi mua một căn hộ nhỏ ở thành phố để ra ở riêng. Hiện con gái lớn của tôi đã 8 tuổi, bé trai 3 tuổi. Cuộc sống tuy không dư dả nhưng an yên, hạnh phúc.
Gần đây, bố mẹ chồng muốn chuyển lên sống cùng. Họ bảo nhà dưới quê bị em dâu quậy tung, sống không nổi, muốn lên phụ chăm cháu để khuây khỏa.
Ban đầu, tôi do dự. Những ký ức về sự thiên vị, những câu nói tổn thương của mẹ chồng năm xưa ùa về. Tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ, sẽ không bao giờ cho ai cơ hội làm tôi tổn thương lần nữa.
Nhưng rồi tôi tự hỏi mình, nếu mình không thay đổi góc nhìn, thì khác gì bà của ngày xưa? Tôi không thể xoá bỏ quá khứ, nhưng tôi có thể viết lại phần tiếp theo của câu chuyện. Vì thế, tôi nói với chồng:
- Nếu bố mẹ thực lòng muốn thay đổi, em không ngại thử lại. Nhưng lần này, mỗi người phải học cách tôn trọng lẫn nhau. Ở đâu có yêu thương và công bằng, ở đó mới có bình yên.
Tôi không biết mọi chuyện rồi sẽ ra sao. Nhưng tôi tin, chỉ cần ai đó bắt đầu bằng sự chân thành, thì gia đình nào cũng có thể hồi sinh. Tôi chọn đối thoại, không chọn im lặng. Chọn chữa lành, thay vì cứ giữ mãi nỗi đau cũ.
Vì là một người làm dâu biết tự thương mình, tôi cũng học được cách thương người khác đúng cách.