Vì quá thất vọng với chồng, mới đây 1 người vợ trẻ đã lên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện hôn nhân của mình.
Cô kể: "Em kết hôn được 6 năm, cuộc sống cũng cứ đều đều trôi qua. Vợ chồng em hầu như không to tiếng với nhau bao giờ. Hàng xóm láng giềng nhìn vào ai cũng nghĩ bọn em hợp tính. Họ ca ngợi bảo em hạnh phúc vì chẳng bao giờ thấy vợ chồng nặng nhẹ với nhau. Thực tình đúng là chúng em không cãi vã nhưng bảo hợp tính hợp nết thì không.
Bình yên giữa vợ chồng em được đánh đổi bằng chính sự nín nhịn, cam chịu của em trong suốt bao nhiêu năm làm vợ. Chồng em sống độc đoán, anh không bao giờ biết để ý tới suy nghĩ, lập trường của vợ".
Bài chia sẻ của người vợ
Người vợ kể, vì quá nhiều lần bị chồng làm cho tổn thương khiến lòng cô trở thành chai sạn. Dần dần cô chọn cách im lặng, chấp nhận mọi thứ làm theo ý chồng cho nhà cửa được yên ả vì có nói lại thì anh cũng không xem trọng ý vợ. Cứ như thế, cô cố gắng lo trọn bổn phận của người phụ nữ trong gia đình. Người ngoài cuộc không nhìn thấy những ấm ức trong lòng cô phải chịu, chỉ nhìn thấy sự tảo tần, đảm đang, tháo vát cô thể hiện bên ngoài. Họ ca ngợi cô chuẩn mẫu vợ đảm, đương nhiên chồng cô cũng nức tiếng là biết chọn vợ, biết dạy vợ.
"Tháng trước bố em bị cảm, chúng em sang chơi thấy ông sốt nằm đắp chăn mà mẹ lại đi vắng nên em giục chồng đưa bố đi khám. Cũng may bác sỹ nói ông không sao, chỉ bị cảm cúm, uống thuốc vài ngày là khỏe lại. Thế mà 1 tuần sau, chồng em bất ngờ đưa cho vợ 1 mảnh giấy nhỏ bảo: "Hóa đơn khám bệnh với mua thuốc của bố cô hôm đó. Tất cả hết 700 nghìn, cô cầm sang đưa cho ông bà bảo họ gửi trả tôi. Tôi chỉ mất công đưa đi khám chứ không có chuyện bỏ tiền túi trả tiền khám cho ông đâu. Mấy hôm tôi qua nhà mà bố cô cứ bơ đi không đả động gì tới việc trả con rể tiền".
Nghe chồng nói mà em hóa đá luôn, mặc dù em cũng hiểu anh ấy sống tính toán nhưng vẫn không thể chấp nhận nổi anh lại đi tính từng đồng từng hào với bố vợ như thế.
Nản hơn, khi em còn chưa kịp lên tiếng thì chồng vẫn xối xả nhắc đi nhắc lại rằng phải sang đòi bằng được, cấm có kiểu dấm dúi cho tiền bố mẹ sau lưng anh ấy. Trong khi đó, từ ngày lấy nhau thực tế chưa bao giờ chồng em chủ động biếu ông bà được 1 đồng nào. Ngày Tết anh ấy cũng chỉ mua giỏ quà sang nhà thắp hương tổ tiên coi như xong trách nhiệm.
Nghĩ tới cách chồng ăn ở với bố mẹ mình, em ức quá vào tủ lấy mảnh giấy đặt xuống bàn bảo: 'Nếu anh đã thích sống tính toán với gia đình tôi như thế thì từ nay tôi cũng sòng phẳng luôn với anh. Nhìn lại giấy vay nợ ngày trước anh vay bố mẹ tôi 300 triệu để làm ăn đi. Giấy vẫn còn đây, bố mẹ tôi không đòi. Vậy mà giờ chỉ bỏ ra vài trăm nghìn mua thuốc cho bố, anh cũng tính toán bảo họ quỵt tiền của anh. Đặt hai mảnh giấy cạnh nhau mà so sánh xem, anh có xứng với những gì bố mẹ tôi dành cho anh không?
Ảnh minh họa
Tốt nhất là chúng ta ly hôn, đường ai nấy đi chứ tôi thật sự quá mệt mỏi, không thể gắn bó thêm với người chồng ích kỷ, coi nhà vợ như người dưng như anh'.Ngay hôm sau em làm đơn ly hôn rồi đưa con về ngoại để giải phóng bản thân ra khỏi cuộc hôn nhân chẳng có gì ngoài cam chịu và nhịn nhục. 1 tuần sau chồng em sang nhà xin đón vợ con về nhưng em tuyên bố tạm thời ly thân 1 thời gian để đôi bên có thời gian suy nghĩ, nhìn lại bản thân mình".
"Lạt mềm buộc chặt", nhưng đôi lúc trong hôn nhân không phải cứ ngọt ngào, nín nhịn mà đã vận hành tốt cuộc sống gia đình. Có những khi phụ nữ phải mạnh mẽ, quyết liệt chấp nhận "một mất một còn" mới có thể "xử lý" được sự ích kỷ, vô lý của người đàn ông bên cạnh mình.